Hy vọng phát sinh từ tình yêu

“Niềm hy vọng này phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn chảy từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu trên thập giá” (Spes non confundit, số 3).

WHĐ (29/3/2025) – Đây là bài chia sẻ giúp tĩnh tâm tháng 4/2025 cho một cộng đoàn Phaolô Qui Nhơn với chủ đề: “Hy vọng phát sinh từ tình yêu”.

Dẫn nhập: Một câu chuyện của đời thường

I. MỘT THOÁNG THÁNH KINH

1. Hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa

2. Tình yêu dưới ánh sáng Lời Chúa

3. Thập giá dưới ánh sáng Lời Chúa

II. VÀI ĐỀ NGHỊ THỰC HÀNH (cho đời thánh hiến)

1. Xây dựng và thanh tẩy niềm hy vọng

2. Tình yêu dành cho Đức Kitô của đời thánh hiến

3. Hy vọng và tình yêu phải đi ngang qua thập giá

Kết luận: Đời tu – Niềm hy vọng khi “đập bể bình dầu quý”

 

Dẫn nhập: Một câu chuyện của đời thường

Cộng đoàn chúng ta đang họp nhau để tĩnh tâm. Đây là dịp tĩnh tâm dành cho tháng 4 mà chủ đề sống được Hội Dòng lựa chọn đó là: Hy vọng phát sinh từ tình yêu.

Ai cũng biết, và được chính tài liệu “Hướng dẫn tĩnh tâm hàng tháng” nêu rõ, chủ đề trên được trích xuất từ văn kiện Tự sắc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô “Spes non confundit”, văn kiện khai mở Năm Thánh thường lệ 2025: “Niềm hy vọng này phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn chảy từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu trên thập giá” (Spes non confundit 3).

Đọc kỷ lời giáo huấn trên, chúng ta có thể nhận ra ba từ quan trọng làm nên nội dung sâu xa và phong phú mang chiều kích Thánh kinh, thần học và tu đức. Ba từ đó là: hy vọng, tình yêu, thập giá.

Vâng, hy vọng của chúng ta, những người Kitô hữu nói chung (hay những ai đang dấn thân trong ơn gọi thánh hiến nói riêng) phải được “neo” vững chắc hay được thiết dựng trên nền tảng tình yêu (được Chúa yêu, yêu Chúa và yêu nhau); và tình yêu đó là tình yêu mang dáng đứng thập giá hay được thể hiện ngang qua con đường thập giá.

Để minh họa cho nội dung ý nghĩa trên, xin được kể một câu chuyện có thật giữa đời thường cuộc sống được hai tác giả Chí Nhân và Nguyễn Thành kể lại trên trang báo mạng Tiền Phong – Thứ Sáu, 3/9/2010: “Mình cưới nhau liền đi”…

Anh T.V.P sau một thời bươn chải phóng túng ở Sài Gòn, đã vướng vào xì ke và mang lấy căn bệnh thế kỷ HIV. Khi biết được thông tin buồn bã nầy từ giấy xét nghiệm của người yêu, chi N.T.Đ đã bình tĩnh và quyết định: “Mình cưới nhau liền đi”, để, theo chị, chỉ có tình yêu gắn bó nầy mới hy vọng cứu anh. Sau bao nhiêu cay đắng, nhọc nhằn, hy sinh và khổ ải, vượt qua bao nhiêu chống đối dèm pha của những người thân và bạn bè, tình yêu của chị dành cho anh đã vực anh từ nổi thất vọng lênh láng với cái chết cận kề, trở thành con người đầy hy vọng và sống có ý nghĩa…

Theo chị NTĐ: “Nếu chia tay, cũng giống như đặt dấu chấm hết cho cuộc đời anh. Tôi rất yêu anh nên không thể làm anh đau khổ thêm được. Nên chỉ biết đơn giản là chấp nhận sự thật đau lòng ấy và nắm tay anh cùng nhau vượt qua nó”. Chị đang thắp lên trong anh TVP một “niềm hy vọng”, hy vọng sống, hy vọng chữa lành, hy vọng hạnh phúc…

Đặc biệt, chị đã trực giác bằng trái tim rằng: chỉ qua con đường tình yêu hôn nhân, mới có thể hy vọng. Thật vậy, với tình trạng của anh TVP như thế, nếu chị có ném cho anh vài tỷ bạc rồi mắng chữi bỏ đi, thì chắc chắn không bao giờ anh hy vọng được chữa lành.

Và khi chấp nhận tình yêu đôi lứa qua cam kết hôn nhân, chị NTĐ và anh TVP đã đi qua nẻo đường thập giá:

Vậy là đám cưới của họ được tổ chức trong sự phản đối quyết liệt của gia đình nhà gái và sự gièm pha của những người biết chuyện. Họ đều cho rằng cô mù quáng, rằng cô biết “bệnh” mà vẫn cố ôm vào thân… Nhưng cô gái chỉ nghĩ đơn giản rằng mình đang sống hết lòng với tình yêu của chính mình!…

Không được sự chấp thuận của gia đình, một mình cô phải bươn chải cho gánh mưu sinh. Ai thuê gì cũng làm, miễn là không làm điều gì phạm pháp để có tiền bồi dưỡng cho chồng. Cô nhận hàng về nhà may ngày, may đêm để vừa có thể kiếm tiền vừa được gần gũi chăm sóc chồng. Lúc chồng lên cơn nghiện, cô lại tất tả chạy theo và cùng chồng ngâm mình dưới sông cho đến khi anh qua cơn. Ngày nào cũng thế, ba bốn lần P. ngâm mình dưới sông, là từng ấy lần cô trầm mình cùng anh.

Và niềm hy vọng đó đã trở thành hiện thực:

Nhờ đó, trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây sức khỏe anh đã bình phục gần như bình thường, trong lượng cơ thể hiện đã trên 60 kg. Các bác sĩ từng theo dõi bệnh của anh đều rất ngạc nhiên bảo: “Với sức đề kháng của P. thời điểm thấp nhất, khó ai nghĩ rằng anh có thể sống và bình phục được như ngày hôm nay. Rất hiếm thấy trường hợp nào như vậy. Có lẽ nhờ tình yêu”…

Hiện nay, ngoài cuộc mưu sinh hằng ngày, hai vợ chồng còn tham gia vào công tác phòng chống HIV/AIDS ở địa phương. Anh thành lập được nhóm Bạn Giúp Bạn gồm những người có “H” để chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Sức khỏe đã phục hồi là lúc tinh thần sảng khoái nhất, anh ao ước có được căn nhà lành lặn để đón nhận những đứa trẻ có “H” mồ côi, nghèo khổ về nuôi. “Tôi đã rất hạnh phúc và muốn chia sẻ hạnh phúc này với những người bất hạnh. Vợ chồng tôi không thể có con chung, được chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ có “H” mồ côi là niềm vui của vợ chồng tôi. Nhìn những đứa trẻ côi cút cha mẹ chết vì AIDS, chúng tôi rất đau xót và nguyện đem hết sức mình để làm một điều gì đó như một sự chia sẻ làm giảm đi nỗi đau của các cháu”…

Đây, đúng như lời thánh Phaolô xác quyết: “Niềm hy vọng đã không làm thất vọng” (Rm 5,5).

Câu chuyện trên phần nào minh họa cho chủ đề mà chúng ta cùng học hỏi hôm nay: Hy vọng phát sinh từ tình yêu. Vâng, niềm hy vọng chữa lành căn bệnh HIV, niềm hy vọng có được một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, đôi bạn trẻ TVP và NTĐ đã quyết định lựa chọn con đường tình yêu đôi lứa; và họ đã thể hiện tình yêu đó qua một hành trình vượt qua mang dáng đứng thập giá.

I. MỘT THOÁNG THÁNH KINH

Chúng ta vừa dùng một câu chuyện đời thường để minh họa cách giản đơn và cụ thể cho một “mệnh đề đức tin”: “Niềm hy vọng này phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn chảy từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu trên thập giá” (Spes non confundit 3). Tuy nhiên, để thật sự cảm nhận và hiểu sâu sắc “sứ điệp tâm linh” của mệnh đề trên, chúng ta cần được Lời Chúa soi dẫn.

1. Hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa

1.1. Một viễn tượng thuộc tương lai

“Nói đến hy vọng là đề cập đến vị thế của tương lai trong đời sống tôn giáo của Dân Chúa, một tương lai hạnh phúc mà mọi người được mời gọi đạt tới”[1]Nhưng đây là “tương lai của niềm tin” chứ không là “tương lai của thế tục”. Lời Chúa cho thấy các chiều kích đặc trưng của tương lai hay niềm hy vọng này:

– Tương lai đó là được ơn cứu độ và nhận biết chân lý: “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4).

– Tương lai đó là “quê hương Nước Trời”: “Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài.” (Dt 11,16).

– Tương lai đó là cuộc sống vĩnh hằng: “Và đây là điều mà chính Đức Kitô đã hứa ban cho chúng ta: sự sống đời đời” (1 Ga 2,25)

– Tương lai đó là nên giống Đức Kitô: “Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2).

1.2. Thiên Chúa giáo dục Dân Chúa về niềm hy vọng

Đây là một cuộc “giáo dục tiệm tiến”.

– Khởi đi từ niềm hy vọng mang tính trần tục dành cho Ápraham: đất đai và con cháu:

“Đức Chúa phán với ông Ápraham: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2).

– Thiên Chúa dẫn tới nền tảng của hy vọng chính là “Lời hứa”, là “Giao ước”: Nếu Chúa đòi hỏi, phải hy sinh tất cả để chỉ còn đặt hy vọng trên chính “Lời hứa” hay “Giao ước của Chúa:

Sau các việc đó, Thiên Chúa thử lòng ông Ápraham. Người gọi ông: “Ápraham! “Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho…” (St 22,1-18).

– Lời Chúa cũng cho ta thấy rằng: đích điểm của niềm HY VỌNG là chính Thiên Chúa; chỉ có Chúa mà thôi:

“Đến muôn đời, hãy tin vào Đức Chúa: chính Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm (…). Vâng, lạy Đức Chúa, trên con đường thánh ý vạch ra, chúng con chờ đợi Chúa. Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài.” (Is 26,4.8); “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến” (Tv 62,6tt)…

– Chúa cảnh giác Dân Chúa trước những cám dỗ tìm kiếm những niềm hy vọng hão huyền khi quay lưng lại với Thiên Chúa:

“Lạy Đức Chúa, niềm hy vọng của Israel là Ngài, hết những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải xấu hổ, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ bị bứng khỏi đất, vì họ đã lìa bỏ Đức Chúa là mạch nước trường sinh” (Gr 17,13)…

– Thanh tẩy niềm hy vọng sai lạc khi tôn thờ ngẫu tượng, dị đoan hoặc bám trụ trên giá trị vật chất:

“Họ lập đàn thờ quấy mà trêu giận Chúa Trời, lại tôn sùng ngẫu tượng khiến Chúa phải ghen tương…” (78,58-64) “Đừng tin tưởng ở trò áp bức nữa, chớ hoài công cậy ngón bóc lột người! Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở, lòng chẳng nên gắn bó làm chi” (Tv 62,11).

– Niềm hy vọng được các ngôn sứ khơi dậy, giáo dục: bất chấp mọi sự, kể cả tội lỗi, bất trung, đoán phạt… vẫn hy vọng vào một Thiên Chúa khoan dung, giàu lòng thương xót:

“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ…” (Is 49,15)…

– Niềm hy vọng được tiên báo, chuẩn bị như một “tin vui về Đấng Thiên Sai” sẽ đến:

“Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực.” (Gr 33, 15); “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen.” (Is 7,14); “Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42,6-7)…

1.3. Niềm hy vọng được hoàn tất nhờ Đức Kitô

– Niềm hy vọng được chuẩn bị và tiên báo của thời Cựu ước đã đến lúc được hiện thực vào thời Chúa Giêsu, thời của Nước Trời đang đến: Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17).

– Nhưng cái “hiện thực Nước Trời” mà Đức Kitô công bố chỉ dành cho những ai chấp nhận con đường “Bát phúc” (Mt 5,1-12); chấp nhận dấn thân theo Chúa Kitô trên nẻo đường thập giá:

“Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy…” (Mt 16,24tt)…

– Niềm hy vọng chính là được phục sinh cùng với Đức Kitô:

“Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. (…). Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu…” (1 Cr 15,17-20).

– Niềm hy vọng do Đức Kitô mang đến, thực hiện không giới hạn nơi mỗi cá nhân nhưng là dành cho một “đoàn Dân mới”, cho Hội thánh tiếp tục tỉnh thức đợi chờ ngày tái lâm của Đức Kitô:

“Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11).

– Sống niềm hy vọng Kitô chính là dấn thân cho công cuộc cứu độ, loan báo Tin Mừng:

“Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang. Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô. Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi” (Cl 1,24-29).

2. Tình yêu dưới ánh sáng Lời Chúa

2.1. Kinh thánh và danh từ hay khái niệm “tình yêu”

– Một “danh từ” hay “khái niệm” mang một “nội hàm” phức tạp: “Danh từ ‘tình yêu’ diễn tả nhiều thực tại khác biệt, thuộc nhục thể hay tinh thần, do đam mê hoặc có suy xét chín chắn, nghiêm trang hay hời hợt, có tính xây dựng hay phá hoại. (…). Con người trong Thánh Kinh biết tất cả những cái đó”: Tình yêu là sự luyến ái và kết hợp hai con người nam nữ (St 2,23tt); tình yêu từ sắc đẹp của bà Sara (St 12,10-19); tình yêu của Đavít dành cho con trai Apsalôm (2 Sm 19,1-5); sách “Diễm tình ca” diễn tả mọi cung bậc và sắc thái[2]…

– Thánh kinh: Cuộc “đối thoại tình yêu” giữa Thiên Chúa và con người: Chúa thôi thúc con người nhập cuộc và dạy họ cách thương yêu[3].

2.2. Mô hình mẫu Cựu ước trong cuộc “đối thoại tình yêu”

– Abraham: Mối tình “bạn hữu tâm phúc” với Thiên Chúa:

Đức Chúa phán với ông Ápram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi (…). Ông Áp-ram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông. (St 12,1.4).

Tuyệt đối vâng phục và đặt niềm tin vững vàng nơi Chúa:

Người phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.” (…). Ông Ápraham lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai Ixaác, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi. (…). Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Ápraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Ixaác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Ápraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình” (St 22, 2.6.9-10)[4].

– Môisen: Bạn tâm giao “mặt giáp mặt” với Thiên Chúa, “Đức Chúa đàm đạo với ông Môsê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11); Thiên Chúa mạc khải tình yêu của Thiên Chúa: thánh thiện và nhân từ:

Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.” (Xh 34,6-7)[5].

2.3. Các ngôn sứ và  “tình yêu liên vị” Chúa với Israel:

– Hình tượng “tình yêu vợ chồng” trong ngôn ngữ biểu tượng của các ngôn sứ Hôsê, Giêrêmia, Êzêkiel:

“Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. (…). Vào ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa – ngươi sẽ gọi Ta: “Mình ơi”, chứ không còn gọi “Ông chủ ơi” nữa. (…) Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành! Làm sao Ta xử với ngươi như với Átma, để ngươi nên giống như Xơvôgim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 2,16.18; 11,8)[6].

– Thiên Chúa không ngừng thanh tẩy, canh tân mối tương quan tình yêu đó, “cắt bì tâm hồn”:

“Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cắt bì tâm hồn anh (em) và tâm hồn dòng dõi anh (em), để anh (em) yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, ngõ hầu anh (em) được sống” (Đnl 30,6)[7].

2.4. Tình yêu Thiên Chúa còn được thể hiện

– Cho những người công chính:

Bởi vì Chúa yêu thích điều chính trực, chẳng bỏ rơi những bậc hiếu trung. (Tv 37,28).

– Cho những kẻ nghèo hèn:

Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người. (Tv 113,7-8).

– Cho cả dân ngoại:

“Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Gn 4,11)[8].

2.5. Đức Kitô: mạc khải hoàn hảo về tình yêu

– Tình yêu dành cho Thiên Chúa: Hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha:

“Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (Dt 10,5).

– Tình yêu dành cho con người:

“Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,45).

– Mến Chúa – Yêu người không tách rời:

Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc 12,29-31).

– Tình yêu đích thực: Chọn Đức Kitô:

“Ông Simôn Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68); yêu là giữ điều răn: Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người (1 Ga 5,3); giữ Lời Chúa, từ bỏ mình, vác thập giá…: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26-27)…

3. Thập giá dưới ánh sáng Lời Chúa

3.1. Thập giá – một sự tủi hổ:

“Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,22-23).

3.2. Thập giá – đối tượng của sự sĩ nhục:

Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Israel! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa! ” Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế. (Mt 27,39-44).

3.3. Con người tự nhiên khó mà chấp nhận thập giá:

Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! ” Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16,22-23).

3.4. Chúa Giêsu chịu đau khổ: tình yêu được mạc khải cách trọn hảo:

“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” (Lc 9,22); “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,8); “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13)…

3.5. Tình yêu thập giá của Đức Kitô tôn vinh Chúa Cha: Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm (Ga 17,4) và hiệp nhất toàn nhân loại trong Thiên Chúa:

“Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17,22-23).

II. VÀI ĐỀ NGHỊ THỰC HÀNH (cho đời thánh hiến)

1. Xây dựng và thanh tẩy niềm hy vọng

1.1. Đời tu: Phải xây dựng một niềm hy vọng cho chính cuộc đời mình

Một quan niệm khá phổ biến của những người chọn lựa đời tu đó là “tìm kiếm một cuộc sống đỡ phức tạp, được tư do và thanh thản khỏi mọi thứ ràng buộc rắc rối…”. Vì quan niệm như thế, nên đời tu cứ diễn ra “ta tà”, qua ngày, sao cũng được…, mà không thấy có một “niềm hy vọng” độc sáng nào lóe lên ở phía trước, ở tương lai. Vì thế, dễ dàng hụt hẫng, thất bại… khi đối diện với những thực trạng không đáp ứng…

1.2. Niềm hy vọng cần phải có đó chính là: dứt khoát chọn lựa Đức Kitô, như một điều cao quý nhất, đẹp nhất, giá trị và cần thiết nhất. Vì thế, cần phải thanh tẩy “niềm hy vọng” mỗi ngày theo như đề nghị của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn “Đời sống thánh hiến”:

Đời sống thánh hiến có bổn phận cho thấy Con Thiên Chúa làm người là đích điểm cánh chung của hết mọi sự, là ánh huy hoàng làm mờ nhạt mọi ánh sáng khác, là vẻ đẹp vô biên duy nhất có thể lấp đầy trái tim con người. Trong đời sống thánh hiến, vấn đề không phải chỉ là theo Chúa Kitô với cả con tim, bằng cách yêu mến Người hơn cha mẹ mình, hơn con trai hay con gái mình” (x. Mt 10,37), như mỗi môn đệ đều phải làm, nhưng còn là sống và diễn tả điều đó bằng việc biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, bằng một cuộc gắn bó triệt để, báo trước sự hoàn thiện cánh chung, tuỳ theo các đoàn sủng khác nhau và trong mức độ có thể đạt được trong thời gian.” (ĐSTH số 16).

2. Tình yêu dành cho Đức Kitô của đời thánh hiến

2.1. Đức Kitô không như một “lý tưởng để chiêm ngưỡng” mà là mẫu hình để “họa lại bằng chính cuộc sống” qua việc tuân giữ lời Khấn:

“Quả thế, qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, người được thánh hiến không chỉ bằng lòng với việc đã chọn Đức Kitô làm ý nghĩa đời mình, nhưng còn tìm cách diễn lại nơi chính mình, trong mức độ có thể, “nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế”. Khi ôm ấp sự trinh khiết, họ nhận tình yêu khiết trinh của Đức Kitô làm của mình và tuyên xưng với thế giới rằng Người là Con Một, đồng nhất với Chúa Cha (x. Ga 10,30 ; 14,11); khi bắt chước sự nghèo khó của Người, họ tuyên xưng rằng Người Con đón nhận mọi sự từ Chúa Cha và dâng mọi sự lại cho Chúa Cha vì yêu thương (x. Ga 17,7.10); khi gắn bó với mầu nhiệm vâng phục hiếu thảo của Người bằng lễ hy sinh tự do của mình, họ tuyên xưng Người là Đấng được yêu thương và Đấng yêu thương vô biên, là Đấng chỉ vui thoả khi ở trong ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4,34), vì Người hoàn toàn kết hợp với Chúa Cha và tuỳ thuộc Chúa Cha trong mọi sự.” (ĐSTH số 16).

2.2. Tình yêu đúng nghĩa

– Theo Chúa Kitô:

“Là con đường dẫn đến Chúa Cha (x. Ga 14,6), Chúa Con kêu gọi tất cả những ai Chúa Cha ban cho Người (x. Ga 17,9) hãy lấy việc đi theo Người làm mục tiêu của cuộc đời. Nhưng đối với một số người, cụ thể là những người được thánh hiến, Người yêu cầu một cuộc dấn thân trọn vẹn gồm việc từ bỏ mọi sự (x. Mt 19,27) để sống thân tình với Người và theo Người đến bất cứ nơi nào Người đi (x. Kh 14,4).” (ĐSTH số 18).

– Sống như Chúa Kitô đang “thấp thoáng” qua cuộc sống:

“Đời sống thánh hiến thật sự là một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, trong tương quan với Cha và với anh em Người. Đời sống thánh hiến là truyền thống sống động về cuộc sống và sứ điệp của Đấng Cứu Thế.” (ĐSTH số 22).

3. Hy vọng và tình yêu phải đi ngang qua thập giá

3.1. Vẽ đẹp của đời tu mang “dáng đứng thập giá”:

“Qua những dạng thức sinh sống khác nhau do Thánh Thần gợi lên theo dòng lịch sử, người tận hiến khám phá ra rằng họ càng gần thập giá Đức Kitô thì càng nghiệm được chân lý Thiên Chúa là Tình Yêu một cách trực tiếp và sâu xa. Trên thập giá, Đấng khi chết đã bị tan nát mặt mày, không còn gì là đẹp đẽ trước mắt người đời, đến nỗi những người trông thấy phải che mặt đi (x. Is 53,2-3), lại biểu lộ trọn vẹn vẻ tuyệt đẹp và quyền năng của tình yêu Thiên Chúa. (…). Đời sống thánh hiến phản ánh vẻ rực rỡ của tình yêu đó, bởi vì do lòng trung thành với mầu nhiệm Núi Sọ, họ tuyên xưng rằng họ tin và sống cho tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Như thế, họ giúp Giáo Hội ý thức mạnh mẽ rằng: Thập giá là tình yêu vô cùng dồi dào phong phú của Thiên Chúa được đổ chan hoà trên thế giới. Thập giá là dấu chỉ lớn lao cho thấy sự hiện diện cứu độ của Đức Kitô, nhất là trong các khó khăn và thử thách.” (ĐSTH số 24).

3.2. Tình yêu thập giá hiện thực qua cuộc sống:

“Lòng trung thành của họ đối với Tình Yêu duy nhất được biểu lộ và củng cố qua một nếp sống ẩn mình khiêm tốn, qua việc chấp nhận những đau khổ để bổ túc nơi chính thân xác họ “những gì còn thiếu nơi những gian nan thử thách Đức Kitô phải chịu” (Cl 1,24), qua hy sinh thầm lặng, qua sự ký thác cho thánh ý của Thiên Chúa, qua sự trung thành thanh thản ngay cả khi sức lực và ảnh hưởng cá nhân đang suy giảm. Lòng trung thành với Thiên Chúa cũng đưa đến lòng tận tuỵ đối với tha nhân; những người tận hiến chấp nhận hy sinh khi thường xuyên chuyển cầu cho những nhu cầu của anh em họ, khi phục vụ quảng đại những người nghèo khổ và những người đau ốm, khi chia sẻ những khó khăn của những người khác, khi tích cực tham dự vào các mối bận tâm và những thử thách của Giáo hội.” (ĐSTH số 24).

Kết luận: Đời tu – Niềm hy vọng khi “đập bể bình dầu quý”

Không phải là “một câu chuyện đã rồi” hay một “chọn lựa bất đắc dĩ” kiểu đã “lỡ phóng lao thì phải theo lao”… mà đời tu của tôi hôm nay luôn tỏa sáng một niềm “hy vọng”: Một chọn lựa tuyệt vời, một ân ban cao quý, một cuộc sống đầy giá trị, hạnh phúc và thú vị, một cộng đoàn, một dòng tu đẹp đẽ, lý tưởng…

Điều đó, hiện thực đó không bao giờ là một ảo tưởng, một đánh lừa tình cảm, một thứ “tâm lý hay mặc cảm bù trừ” mà là một “sự thật” được thiết đặt trên chính “tình yêu” của Thiên Chúa, qua Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Đó là là tình yêu được đóng ấn, chứng minh, hiện thực hóa bằng thập giá; thập giá của những hy sinh thầm lặng, của những “chi tiết nhỏ” trong nhịp sống đời thường và trong những nghĩa cử, hành động phục vụ khiêm tốn.

Niềm hy vọng cứu sống một tù nhân bằng sự hy sinh chính mạng sống mình của thánh linh mục Maximilien Kolbe nếu không vì tình yêu mà chỉ để phô trương bản thân thì chỉ là một hành động đáng tủi hỗ. Cũng vậy, như câu chuyện kể từ đầu, nếu chị NTĐ cố hết sức để hy vọng cứu anh TVP khỏi bịnh HIV hoàn toàn với ý đồ vụ lợi đen tối mà không hề có chút tình yêu nào, cho dù phải chịu thương chịu khó, thì niềm hy vọng đó của chị cũng sẽ làm anh TVP và nhiều người thất vọng. Nhưng không, tình yêu đích thực và được trả giá bằng hy sinh đau khổ… nên niềm hy vọng của chị đã được đền bù xứng đáng.

Đặc biệt, với những người sống thánh hiến, niềm hy vọng có được một cuộc đời mang vẽ đẹp rạng ngời, khi chấp nhận chọn lựa con đường tình yêu ngang qua thập giá sẽ không bao giờ dẫn tới sự tủi nhục hay thất vọng não nề. Đó chính là niềm hy vọng được thánh Phaolô khẳng quyết: “Niềm hy vọng đó sẽ không làm chúng ta phải thất vọng” (Rm 5,5). Cụ thể hơn, đó là niềm hy vọng của cô Maria Bêtania khi chấp nhận “đập bể bình dầu cam tùng quý giá để xức chân Chúa Giêsu”; một niềm hy vọng mà dưới con mắt trần tục và tham lam của Giuđa Iscariốt là một lãng phí, nhưng trong ánh nhìn của Đức Kitô, đó lại là một nghĩa cử tình yêu đáng trân trọng, như cách chú giải của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Đời sống thánh hiến:

“Ai đã được ban hồng ân vô giá là theo Chúa Giêsu sát hơn tất nhiên hiểu rằng Người phải được yêu mến với một trái tim không chia sẻ, và mình phải dâng hiến cho Người tất cả cuộc sống chứ không phải chỉ vài cử chỉ, vài mảnh thời gian hay vài công việc. Xức dầu thơm quý giá là một hành động yêu thương nguyên tuyền, hoàn toàn ngoài mục đích cầu lợi, là dấu chỉ của sự quảng đại cho đi không tính toán; điều này được diễn tả qua một cuộc sống dành riêng để yêu mến và phụng sự Chúa, dâng hiến cho chính Chúa và cho Nhiệm Thể của Người. Một cuộc sống “được cho đi” mà không tính toán khiến cho cả nhà sực mùi thơm. Ngày hôm nay, không thua kém gì ngày hôm qua, nhà Thiên Chúa là Giáo hội vẫn được trang điểm và thêm phong phú nhờ sự hiện diện của đời thánh hiến.” (ĐSTH số 104).

Ước mong quý chị luôn mang niềm hy vọng như thế trong từng ngày cuộc sống, nhất là trong Năm Thánh này!

———

[1] GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN PIÔ X, Điển ngữ thần học Thánh Kinh, Tập II, Đà Lạt 1974, mục từ “HY VỌNG” tr. 279.

[2] GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN PIÔ X, Điển ngữ thần học Thánh Kinh, sđd, Tập IV, tr. 496.

[3] SĐD, tr. 497.

[4] SĐD, tr. 498.

[5] SĐD, tr. 498.

[6] SĐD, tr. 499.

[7] SĐD, tr. 499.

SSĐD, tr. 500.