“Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”. (Mt 11,30)
BÀI ĐỌC I: Đnl 7, 6-11
“Chúa đã yêu thương và tuyển chọn các ngươi”.
Trích sách Đệ Nhị Luật.
Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi là một dân hiến thánh cho Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã chọn các ngươi để làm dân riêng của Người giữa mọi dân tộc trên mặt đất. Không phải vì các ngươi đông số hơn mọi dân tộc khác mà Thiên Chúa gắn bó với các ngươi và tuyển chọn các ngươi, vì thực ra, các ngươi ít số hơn mọi dân tộc khác; nhưng vì Chúa đã yêu thương các ngươi và giữ lời đã thề hứa với tổ phụ các ngươi rằng: Người dùng tay mạnh mẽ mà dẫn đưa và cứu chuộc các ngươi khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaon vua Ai-cập. Các ngươi sẽ biết rằng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, chính Người là Thiên Chúa hùng mạnh, trung thành giữ lời giao ước và lòng thương xót với những kẻ yêu mến Người, và những kẻ tuân giữ lề luật Người cho đến muôn thế hệ. Người báo oán ngay những kẻ thù ghét Người, bằng cách tiêu diệt chúng không trì hoãn, trả báo tức khắc như chúng đã đáng tội. Vì vậy các ngươi hãy tuân giữ điều răn, nghi lễ và lề luật mà ta truyền cho các ngươi hôm nay, để các ngươi thi hành”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 10
Đáp:Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại, từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người (c. 17).
Xướng:
1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa! Toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.
2) Người đã thứ tha cho (ngươi) mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Đáp.
3) Chúa thi hành những việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. – Đáp.
4) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Ga 4, 7-16
“Thiên Chúa thương yêu chúng ta trước”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta.
Các con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta: là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng nhận rằng Chúa Cha đã sai Con mình làm Đấng Cứu Thế.
Ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy, và người ấy ở trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mt 11, 25-30
Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn.
Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho.
“Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.
Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người. Tình yêu ấy luôn hiện diện sống động cụ thể nơi Chúa Giêsu, khi Ngài cùng chia sẻ thân phận con người với chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trái tim Chúa thật nhạy cảm trước nỗi thống khổ của con. Chúa biết rõ những gánh nặng của cuộc đời con: những gánh nặng bệnh tật, gánh nặng khổ đau, gánh nặng công việc bổn phận… và Chúa đã ghé vai chia sẻ với con tất cả những gánh nặng ấy.
Lạy Chúa Giêsu, đau khổ trở thành gánh nặng cuộc đời, nhưng đau khổ cũng có giá trị thanh luyện con. Khi gặp thử thách, con nhận biết giới hạn của chính mình để chỉ cậy dựa hoàn toàn nơi lòng nhân từ Chúa. Khi trải qua những gánh nặng bổn phận hàng ngày, con càng hân hoan vui sướng được Chúa chia sẻ nâng đỡ. Chúa đến trần gian không phải để giải thoát con khỏi những đau thương thử thách. Nhưng Chúa đến để hiện diện và cùng chia sẻ với con tất cả mọi đau thương trong cuộc sống. Tâm hồn Chúa cũng cảm thấy bồn chồn lo âu khi đối diện với những gánh nặng cuộc đời. Nhưng Chúa đã phó thác tất cả trong tay Chúa Cha.
Lạy Chúa, con tin tưởng nơi tình yêu của Chúa. Con tự nguyện sẵn sàng đón nhận cuộc sống của con với tất cả lòng mến. Xin cho con biết nghe tiếng Chúa mời gọi, để giữa những vất vả khổ đau, con biết đến với Chúa trong những phút cầu nguyện và nhất là trong Thánh lễ, để trao vào trái tim Chúa tất cả gánh nặng của cuộc sống con. Vì con tin chắc rằng Chúa đang hiện diện và chia sẻ cuộc sống với con. Amen.
Ghi nhớ : “Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.
Suy niệm 1: (Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hiếu)
A- NHẬP LỄ
Hằng năm, cứ đến Chúa Nhật thứ II sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, vào thứ Sáu trong tuần này, Giáo Hội lại cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su.
Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su không có mục đích gì khác hơn là cho chúng ta thấy được phần nào tình Chúa thương yêu chúng ta.
Chúa Giê-su chẳng những đã sinh ra, đã sống, đã chết cho chúng ta, mà còn đã sống lại và hiển trị vinh quang cho chúng ta, để ở cùng chúng ta luôn mãi: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b).
Cảm kích trước tình yêu thương của Chúa Giê-su, Giáo Hội muốn bày tỏ lòng mến đối với Người. Trong tâm tình ấy, chúng ta cùng hiệp dâng Thánh Lễ này, dâng tiến Trái Tim Chúa cuộc sống và tình yêu chúng ta.
– Lạy Chúa, nhờ Trái Tim quảng đại của Chúa, Chúa đã ban cho chúng con là đoàn chiên của Chúa, được no thoả nơi đồng cỏ Nước Trời. Xin Chúa thương xót chúng con…
– Lạy Chúa, nhờ Trái Tim bao dung của Chúa, Chúa đã chết trên thập giá, để giao hoà chúng con với Chúa Cha. Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con…
– Lạy Chúa, nhờ Trái Tim tình thương của Chúa, Chúa đã làm cho lòng trí chúng con được tràn ngập tình yêu và ấm lên tình thương của Chúa Cha trên trời. Xin Chúa thương xót chúng con…
B- GIẢNG LỄ
Con người hay bị chao đảo, khốn khổ vì ảnh hưởng cuộc sống với người khác, nên dễ có cái nhìn thiên lệch, ác cảm về Thiên Chúa giống như vậy.
Nhưng nếu ta đọc kỹ những bài đọc của phụng vụ hôm nay – và thực sự khi ta biết chịu khó đọc Sách Thánh, nhất là sách Phúc Âm – thì cái nhìn của chúng ta tất phải đảo ngược lại! Thiên Chúa quả thật là Đấng đáng cho chúng ta tôn thờ và yêu mến, bởi Người là Đấng nhân hậu và hằng quan tâm đến hạnh phúc của con người!
Thiên Chúa đã ví Người như một mục tử chăm lo cho đoàn chiên. Người quan tâm tập trung đoàn chiên cho khỏi tản mác. Con nào thất lạc, Người tận tâm tìm kiếm và âu yếm đưa về đàn. Người dẫn thả đoàn chiên nơi đồng cỏ xanh tươi mầu mỡ, lo chữa trị cho những con bị thương tích hay ốm đau.
Đây quả thật là hình ảnh tương phản với những mục tử nhà Ít-ra-en ~nghĩa là những nhà lãnh đạo dân Chúa thời bấy giờ.
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en – tác giả bài đọc I – đã từng lên án gắt gao các vị lãnh đạo tôn giáo thời ông, bởi họ chẳng những đã không chăm sóc cho người dân, ngược lại còn bóc lột, làm thiệt hại đồng bào và quần chúng của mình. Họ đặt ra nhiều hình thức lễ nghi với những của lễ phải dâng tiến, để họ cũng được chia phần trong đó ! Họ bắt người khác phải tôn kính, trọng đãi họ. Họ sống giả dối trước Tôn Nhan Thiên Chúa và bất chấp dưới mắt mọi người. Ngôn sứ đã gọi tầng lớp lãnh đạo này như là những kẻ chăn thuê, coi mướn, chỉ chú tâm mưu tính cho quyền lợi và địa vị của mình, mà quên đi quyền lợi cũng như giá trị nhân phẩm của người dân – đồng bào của họ – và của chính Thiên Chúa – Đấng sở hữu chiên đích thật nữa !
Chỉ có Thiên Chúa mới là vị Mục Tử đích thật. Vì thế, khi Đức Ki-tô làm người, Người đã là hiện thân cho tình yêu của Thiên Chúa yêu thương con người, bởi vì Người cũng đích thật là Mục Tử của đoàn chiên dân Chúa. Chúa Ki-tô sẵn sàng thí hiến cả mạng sống mình vì đoàn chiên: “ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi: Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô” (Rm 5,8-9).
Mừng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, chính là chúng ta nhắc nhớ, ca tụng, cảm tạ tình thương yêu Chúa nhân hậu, bao dung và chân thành đã dành tất cả cho chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta biết đáp trả tấm lòng yêu thương ấy bằng cách sống thánh thiện, tránh xa tội lỗi cũng như các dịp tội, để dành tình yêu thương lại cho Chúa. Nếu có lỡ dại sa ngã phạm tội, chúng ta cần vững tin vào lòng nhân hậu yêu thương của Chúa mà sám hối trở về và qua phép Hoà Giải, sớm làm hoà với Người.
Chúc tụng tình thương yêu của Chúa đến muôn đời. A-men.
Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
- Trong Tin mừng chỉ có vài câu có liên hệ gián tiếp đến Trái tim của Chúa Giêsu, như trong Mátthêu 11,29: “…Vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Latinh là “quia mitis sum et humilis corde”) hoặc trong Gioan 20,27: “…Hãy đặt vào cạnh sườn Ta” (“Mitte in latus meum”) trong đó hai từ corde và latus đều ám chỉ trái tim của Chúa Giêsu. Ngoài ra Chúa Giêsu không đả động gì đến trái tim Ngài. Không bao giờ Ngài bảo phải yêu mến và tôn sùng trái tim Ngài.
Cha William G. Most, chuyên gia thần học, giảng giải: Tôn sùng Thánh Tâm là một phần của nền tảng đức tin căn cứ vào lòng Chúa yêu thương, được biểu hiện nơi Trái Tim Chúa Giêsu, nhờ đó chúng ta mới hiện hữu và được cứu rỗi.
- Có lẽ việc tôn sùng Thánh tâm Chúa Giêsu phát xuất từ đoạn Tin mừng theo thánh Gioan 19,31-37 kể lại rằng: sau khi Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá, thì một người lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Ngài, tức thì máu cùng nước chảy ra. Chính Chúa Giêsu lúc còn sống, Ngài phán: “Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các người. Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,25-30).
Chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Đấng Cứu Thế, chúng ta sẽ hiểu biết Ngài cách sâu rộng hơn, kinh nghiệm về tình yêu của Ngài cách đầy đủ hơn, khiến chúng ta có thể sống chan hoà với tình yêu của Ngài và sẵn sàng làm chứng về tình yêu ấy cho những người khác.
- Trái tim thường được coi là “trụ sở của Tình yêu”. Chúng ta tôn thờ Thánh Tâm Chúa, để nhớ đến tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, đối với mọi người chúng ta. Giáo hội thiết lập lễ Thánh Tâm là để đề cao lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại nơi Ngôi Hai Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu Kitô.
Suy ngắm về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, chúng ta mới hiểu được định nghĩa của thánh Gioan: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Tình yêu còn đặc biệt được biểu lộ qua việc Ngài thương xót những kẻ tội lỗi: “Ta đến không phải để tìm người công chính, nhưng để tìm người tội lỗi biết ăn năn hối cải” (Lc 5,32).
- Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu không phải là bằng những tình cảm ướt át, ủy mị, những lời kinh đền tạ tha thiết, những câu hát than van rên rỉ… nhưng là đi vào tâm tình của Ngài, hoà vào mạch sống yêu thương của Ngài, là chấp nhận sự hy sinh, sự mất mát, sự chết cho anh em đồng loại được sống, được hạnh phúc.
Suy ngắm tình Chúa yêu, chẳng những giúp chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa, mà còn giúp chúng ta thêm lòng yêu thương tha thứ cho nhau. Thánh Gioan viết: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau… Như Chúa đã tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau và giúp đỡ lẫn nhau…” (1Ga 11-21).
Con người có hai nhu cầu cần được thoả mãn đó là muốn yêu và được yêu. Là người, ai cũng muốn yêu: cha mẹ thương con cái, con cái yêu mến cha mẹ; vợ chồng yêu nhau,bạn bè thương mến nhau. Ai không còn khả năng để yêu người khác, thì tuy đang sống nhưng cũng kể như đã chết. Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, Ngài yêu thương mọi người và Ngài cũng muốn được con người đáp lại tình yêu của Ngài. Chúng ta hãy xin Chúa cho mỗi người chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Chúa thương mình và cố gắng đáp trả phần nào tình yêu của Chúa.
- Qua lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta hãy thêm lòng tôn sùng yêu mến Thánh Tâm Chúa. Một cách cụ thể, tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là cố gắng đổi mới chính con tim của chúng ta, sao cho nó hiền hậu khiêm nhường như Trái Tim Chúa Giêsu theo lời Ngài phán: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Ga 20,27). Chúng ta phải làm sao cho con tim chúng ta biết yêu thương loài người, nhất là yêu thương những người nghèo khổ, bị bỏ rơi và yêu thương như trái tim yêu thương rộng mở của Chúa Giêsu vẫn luôn luôn yêu thương.
- Đồng thời, hôm nay cũng là ngày thánh hoá các linh mục của Chúa. Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng dân Chúa hãy nâng đỡ các linh mục trong ơn gọi nên thánh của các ngài, bằng lời cầu nguyện và những việc hy sinh, cộng tác với các ngài trong việc mục vụ tông đồ và truyền giáo. Xin cho các linh mục mỗi ngày sống thánh thiện để trở thành những mục tử theo gương Chúa Kitô.
Chúng ta hãy hợp lời cầu nguyện cho các ngài như các ngài vẫn cầu nguyện cho mình hằng ngày: “O bone Jesu, fac ut sim sacerdos secundum cor tuum”: Lạy Chúa Giêsu nhân lành, xin cho con trở thành linh mục như lòng Chúa mong muốn.
Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Ngay từ xa xưa, trái tim luôn là biểu tượng trung tâm của mọi hành động tình cảm, cảm xúc, tinh thần, luân lý và trí tuệ của con người. Vâng, “tim” là biểu tượng của những gì quan trọng nhất, cơ bản nhất và là biểu tượng sự sống của kiếp nhân sinh: Người có trái tim ngừng đập là người đã đi vào cõi chết và sự sống không còn hiện hữu.
Tuy nhiên, biểu tượng trên tất cả mà “trái tim” phát biểu, đó là tình yêu. Ngoài ra, tim còn là dấu hiệu của lòng nhân ái, quảng đại như người ta thường gọi người quảng đại là con người của trái tim. Tim cũng được chỉ người có ý chí mạnh mẽ, cho nên người can đảm còn được ca tụng: Người có trái tim mạnh mẽ…
Suy niệm
Trong Thánh Tâm, trái tim của Thiên Chúa gặp gỡ và cứu độ con người. Bởi sự hiệp thông, “ở trong, cư ngụ”. Chúa Kitô ở trong chúng ta và đưa chúng ta vào trong trái tim Ba Ngôi: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17,23). Sâu sắc hơn nữa, như Chúa Giêsu đã thổ lộ: “tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,26). Tình yêu Thiên Chúa đạt đỉnh cao bằng cái chết của Con Thiên Chúa trên thập giá để cứu độ nhân sinh: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”(Ga 15,13).
Truyền thống về Thánh Tâm Chúa Giêsu được Tin Mừng ghi nhận, mà nguồn gốc chính là hình ảnh thánh tông đồ Gioan, môn đệ được Chúa yêu đã đặt mình vào lồng ngực Chúa ở trong bữa tiệc ly (x. Ga 13,23), nói về tình yêu bao bọc của Ngài đối với người môn đệ, và nhân loại qua Gioan là người đại diện, tình yêu Ngài bao bọc cả nhân loại. Thánh Augustinô đã diễn giải hình ảnh này: “Thánh Gioan, tác giả Tin Mừng, khi đặt mình vào ngực Chúa ở trong bữa Tiệc ly đã nhận từ Thiên Chúa sự dâng hiến cao cả của Thiên Chúa, ông đã lãnh nhận những gì bí mật nhất, thâm sâu (của tình yêu Thiên Chúa) trong Thánh Tâm Chúa” (“Tractatus in Johannis evangelium”, XVIII 1). Hình ảnh rõ nét nhất mà Gioan đã ghi nhận làm trung tâm tình yêu: Trên thập giá, tim của Chúa Giêsu bị đâm thâu, máu cùng nước chảy ra (x. Ga 19,34-37), phát sinh sự sống, Giáo hội và các bí tích Thánh Thể và Thanh Tẩy biểu tượng của sự sống, của tình yêu: Tình yêu gội rửa bằng nước, và tình yêu nuôi sống bằng máu. Thánh Anselmo khi chiêm ngưỡng hình ảnh trái tim Chúa bị đâm thâu đã cảm nhận: “Chúa Giêsu hiền lành, Ngài đã mở cạnh sườn, Ngài đã biểu lộ và phân phát sự tốt lành trọn hảo và Đức Ái tuôn trào nơi trái tim Ngài” (Dixième méditation).
Khi chiêm ngưỡng hai hình ảnh mang ý nghĩa của Thánh Tâm Chúa, Thánh Ambrôsiô (340 – 397) mời gọi người tín hữu đến bên tình yêu Chúa Kitô để múc nguồn tình yêu: “Hãy đến bên Đức Kitô vì Ngài là tảng đá nơi các mạch suối được sinh ra. Hãy đến bên Chúa Kitô vì Ngài là dòng suối trong đó có dòng thác tạo nên thành trì (để bảo bọc con người) của Thiên Chúa. Hãy đến bên Đức Kitô, bởi Ngài là bình an. Hãy đến bên Chúa Kitô vì những dòng suối sự sống tuôn trào từ cõi lòng (trái tim) Ngài”.
Cho nên, nơi Thánh Tâm Chúa, con người hôm nay, với tâm thức và tình cảm của thời đại khám phá ra câu trả lời mà mình luôn tự vấn và tất cả sự chờ đợi trong cuộc sống: tìm thấy được một nơi yên nghỉ sau những giây phút mệt mỏi của đời sống và đặt tất cả mọi nỗi lo âu, những gánh nặng trần thế như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. “Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). Thật thế, con người sẽ tìm thấy bình an, nơi tình yêu thánh trong trái tim Chúa khi đi vào sự hòa giải của chính bản thân, giữa mình với Thiên Chúa. Thánh Tâm sẽ là nguồn hy vọng sống, sống trọn vẹn trong tình yêu của Thiên Chúa.
Ý lực sống
“Tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta về ngôi vị của Ngài, về tình yêu của Ngài, Người đã đặt trong Thánh Tâm Đức Giêsu và qua Trái Tim Thánh này, Thiên Chúa phát biểu cho chúng ta” (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II).
Tin tức liên quan khác
Những phép lạ Giáng sinh nhỏ ở thế giới truyền giáo
Tổng Biên tập Vatican News: Đàn chiên nhỏ ở Mông Cổ là bài học cho Thượng Hội đồng
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và thánh Phaolô, Tông đồ (Mt 16,13-19)
Ra mắt game Công giáo mới “MetaSaint” dành cho “Thế hệ Alpha”
Xét Mình Về Việc Tĩnh Tâm
Điểm lại các sự kiện trong tháng 2 năm 2023
Trí tuệ nhân tạo (AI) và Giáo hội Châu Phi
Giáo Hội – Người Lữ Hành Của Niềm Hy Vọng