Khi nói đến văn hóa, chúng ta liên tưởng đến các giá trị vật chật, tinh thần, tôn giáo có tính lâu bền. Những giá trị đó ăn sâu và trở thành nhịp sống, hơi thở của con người trong một vùng miền hay quốc gia. Như vậy, ngắm cũng hiện hữu như một giá trị văn hóa tâm linh không phai nhạt qua dòng thời gian 4 thế kỷ, kể từ hồi cha Đắc Lộ khởi xướng. Đến nay, nét đẹp ấy vẫn được lưu giữ qua bao thế hệ người người công giáo Việt nam.
Nét đẹp đầu tiên là: chữ quốc ngữ. Khi lật giở từng trang sách ngắm, qua các bài ngắm, ta bắt gặp rất nhiều từ Tiếng Việt cổ có lẽ đã được giữ từ khi bản ngắm được viết ra: kẻ chợ, lưỡi đòng, quá lẽ lắm, rày, đã đoạn, sinh thì… Các bạn trẻ Công giáo của thế kỷ XXI, khi tiếp cận với những ngữ vựng ấy, thiết tưởng sẽ không thể nào nắm bắt được ý nghĩa của nó. Bởi lẽ, ngôn ngữ còn được gọi sinh ngữ. Ngôn ngữ sẽ không ngừng biến đổi. Ngày ngay, các từ ngữ ấy đã biến mất trong cách nói, cách viết của người Việt. Nó không còn hiện diện trong các bản văn chính thức của Giáo Hội Việt Nam và nhà nước Việt Nam. Tuy vậy, khi đọc những lên những từ ngữ đó, ‘dòng sông chữ Việt’ xa xưa lại được chảy về hiện tại. Những con chữ tuy ‘nỏ hiểu’ nhưng lại chở cả một nền văn hóa phong nhiêu từ ngày xưa cập bến trong hiện tại và chạy mãi đến tương lai. Nó giúp con người hôm nay hiểu hơn nếp nghĩ, cách nói và đời sống tâm linh của các bậc tiền nhân thuở trước. Nó khắc ghi vào tâm hồn người công giáo Nghệ – Tĩnh – Bình hôm nay tâm tình tạ ơn Chúa, lòng cảm mến tri ân các vị thừa sai đã kiến tạo một nghi lễ tinh tế và giá trị. Mặc dầu, ta có thể dùng từ đồng nghĩa trong tiếng Việt hiện đại để thay thế nhưng nó không thể diễn tả được cái hay, cái đẹp, cái bình dị của những ‘cổ ngữ’ đó trong toàn thể bài ngắm.
Nét đẹp thứ hai: tâm tình tôn giáo. Khi đến vùng công giáo Nghệ – Tĩnh – Bình, mọi người sẽ bất ngờ, khi chứng kiến dòng người đông đảo đến các nhà thờ tham dự các nghi thức Tuần Thánh. Trong đó, các buổi ngắm ‘thu hút’ người tín hữu đến tham dự đông hơn cả. Đến nỗi, một cha xứ đã nhận xét: “Ở giáo xứ này, người đi ngắm đông hơn đi tham dự Thánh Lễ”. Vậy tại sao ngắm lại tạo nên giá trị ấy? Thiết tưởng, ngắm nguyện là một hình thức đạo đức ‘rất Việt Nam’, gần gũi nên phù hợp với tâm tình tôn giáo người Việt, tâm tình đạo đức của người bình dân. Nó như là những lời kinh tâm tình “diễn tả một sự khát khao Thiên Chúa mà những kẻ đơn sơ và nghèo nàn mới có thể nhận ra được” . Khi người giáo dân cảm nhận được chất sống nuôi dưỡng đức tin của họ, họ tìm đến để múc lấy nguồn sống thiêng liêng ấy là điều đương nhiên. Hơn thế, đây là một truyền thống mà người giáo dân được tiếp xúc từ tuổi thơ bé, nên đó là nét đẹp ăn sâu vào đời sống của họ. Có thể nói, đối với người Công Giáo Nghệ – Tĩnh – Bình: “Mùa Chay không có ngắm không có mùa Chay đúng nghĩa”.
Nét đẹp thứ ba: nét đẹp trang trọng, sốt sắng. Mùa Chay là mùa thống hối, nhưng với những buổi ngắm nguyện, được chuẩn bị chu đáo, tạo nên một bầu khí trang trọng. Không phải là cái đẹp của hình thức nhiều nhưng là cái đẹp của tâm hồn sốt sắng, được nâng lên gặp Chúa Giêsu chịu thương khó theo cung điệu ngân nga của lời ngắm. Không phải là cái đẹp của màu sắc rực rỡ nhưng là nét dịu buồn của màu tím với cõi lòng tan nát khiêm cung đang hoán cải trở về với Chúa để được nhìn thấy màu trắng của ngày Chúa Phục Sinh. Cũng không là những bài hát nhộn nhịp nhưng là những cung điệu ai oán đụng chạm tới con tim mọi người để cùng thổn thức với Chúa và với những anh chị em đang đau khổ. Tất cả kết dệt đời sống người Kitô hữu tràn đầy sinh lực nhờ đó họ có được sức mạnh để vững bước trên hành trình theo Chúa Kitô trong mọi nghịch cảnh cuộc đời. Sự trang trọng bề ngoài là là sức mạnh kiến tạo tâm tình sốt sắng bên trong.
Nét đẹp thứ tư: nét đẹp của lòng yêu mến. Thật vậy, bên cạnh những cử hành phụng vụ chính thức của Hội Thánh thì các hình thức đạo đức bình dân cũng mang một ý nghĩa trong đời sống đức tin của các Kitô hữu Giáo phận Vinh – Hà Tĩnh, trong đó có việc ngắm nguyện. Thật thế, qua mỗi buổi ngắm, nhất là trong những ngày Tuần Thánh, các tín tín hữu đã tham dự với tâm thế ý thức, tích cực và sống động. Điều đó nói lên lòng đạo đức của người giáo dân nhưng trên hết ta đọc thấy được rằng, các tín hữu đã ý thức được tầm quan trọng của mầu nhiệm tử nạn của Đức Kitô. Những bài ngắm đã giúp họ suy niệm về cuộc khổ hình của Chúa, qua đó họ yêu mến Chúa Kitô hơn, cũng như quyết tâm bước theo Người trên con đường Thập giá. Hơn nữa, có thể nói, phần đông giáo dân Giáo phận Vinh – Hà Tĩnh là những người lao động bình dân, giữ đạo thiên về cảm tính thì đối với họ những nghi thức phụng vụ mang tính hình thức như: chầu lượt, dâng hoa, rước kiệu, ngắm nguyện… đóng một phần không nhỏ trong việc nuôi dưỡng đức tin, củng cố đức tin, giữ gìn đức của người giáo dân trong hành trình dương thế.
Nét đẹp thứ năm, nét đẹp của sứ vụ truyền giáo. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã khẳng định: “lòng đạo đức bình dân là kho tàng quý giá của Giáo Hội Công Giáo”. Ta có thể nói: “Ngắm sự thương khó là kho tàng quý giá của Giáo Hội Việt Nam”. Bởi nó là hoa trái của Tin Mừng được gieo vãi trong lòng văn hóa dân tộc Việt. Nơi đó có một sức mạnh truyền giáo mà chúng ta không thể coi thường. Mỗi tín hữu được mời gọi để khuyến khích và củng cố để đào sâu tiến trình hội nhập văn hóa này. Đặc biệt, việc tổ chức các hình thức ngắm sự thương khó của Chúa có nhiều điều để dạy chúng ta. Đối với người biết nhận ra nó, nó cũng là những suy tư thần học mà chúng ta phải lưu tâm, khi chúng ta nghĩ đến việc tân phúc âm hóa . Hơn thế, khi các tín hữu cùng nhau bước tới thánh đường, chia sẻ và hiệp thông với cuộc khổ nạn của Đức Kitô trong những cử hành ngắm nguyện. Họ mang theo những đứa trẻ hay mời gọi và nhắc nhở con cái cùng người khác cùng tham dự, tự nó là một hành động truyền giáo. Chúng ta không được ép buộc cũng đừng muốn kiểm soát sức mạnh truyền giáo này .
Cứ đến Mùa Chay, vào mỗi buổi tối và trưa thứ Sáu, nơi các thánh đường xứ đạo vùng đất Nghệ – Tĩnh – Bình lại vang lên những điệu ngắm lúc trầm, lúc bổng, phảng phất âm hưởng u buồn, thống thiết. Đặc biệt trong ba ngày: thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu Tuần Thánh, việc ngắm nguyện được tổ chức trọng thể và trang nghiêm hơn. Đó là những bài ngắm suy niệm về cuộc Thương Khó Chúa Giêsu. Nghi thức phụng vụ này ra đời từ thế kỷ XVII. Mặc dầu là hình thức đạo đức bình dân nhưng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống đạo của người giáo dân Việt Nam và nhất là người giáo dân Giáo phận Vinh – Hà Tĩnh. Nó chất chứa ‘sữa tinh tuyền’ nuôi dưỡng và củng cố đức tin người tín hữu qua các thăng trầm của thời cuộc. Nó cũng chuyên chở những giá trị văn hóa truyền thống công giáo Việt về bến bờ hiện tại. Chúng ta mong ước, những giá trị và nét đẹp truyền thống này sẽ mãi được lưu truyền và gìn giữ trong tâm thức người Công giáo Việt giữa những dồn dập của các con sóng mang tên: ‘tục hóa’, ‘hiện đại’ ‘tri thức’ và ‘thay đổi’.
GIUSE ĐẬU VIẾT BÌNH
Tin tức liên quan khác
Giáo xứ Bắc Dũng: Tông đồ của Thiên Chúa
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51)
Kinh thánh trong việc loan báo Tin Mừng ngày nay
Giáo xứ Lộc Thủy: Mừng Kính Thánh Bổn Mạng Phêrô và Phaolô Tông đồ
Chúa nhật 3 Phục sinh năm B (Lc 24,35-48) – Bình An
Ủy ban Giáo lý Đức tin thông báo về Đại hội Giáo lý toàn quốc lần VI (2023)
Bản Tuyên bố của Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại ngày 10.06.2023
Ngày 29/07: Thánh nữ Martha, Maria và Ladarô (Ga 11,19-27)