Chính mắt con được thấy ơn cứu độ.
Bài đọc 1: Ml 3,1-4
Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người.
Bài trích sách ngôn sứ Ma-la-khi.
1 Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, – Đức Chúa các đạo binh phán. 2 Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. 3 Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với Đức Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính. 4 Lễ vật của Giu-đa và của Giê-ru-sa-lem sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa như những ngày xa xưa, như những năm thuở trước.
Đáp ca: Tv 23,7.8.9.10 (Đ. c.10b)
Đ.Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.
7Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đ.Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.
8Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là Đức Chúa mạnh mẽ oai hùng
Đức Chúa oai hùng khi xuất trận.
Đ.Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.
9Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đ.Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.
10Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là Chúa Tể càn khôn:
chính Người là Đức Vua vinh hiển.
Đ.Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.
Tin mừng: Lc 2,22-40
22 Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”.
24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.
26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.
27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người.
34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.
35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa.
38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê.
40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Lễ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh còn được gọi là lễ NẾN, vì ông Simêon đã gọi Chúa Giêsu là ánh sáng các lương dân, và là vinh quang của It-ra-en, DânChúa. Người tín hữu có sứ mạng chiếu tỏa ánh sáng Chúa Kitô bằng đời sống thánh thiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, như bất cứ gia đình Do Thái nào, sau khi sinh 40 ngày, Đức Mẹ và thánh Giuse đã đem Chúa lên đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa, như luật Mô-sê dạy: mỗi con trai đầu lòng phải được hiến dâng cho Thiên Chúa, để ghi nhớ kỳ công Chúa đã thực hiện cho dân Do Thái, mỗi đứa con trai đầu lòng đều được Thiên Chúa cứu thoát trong biến cố xuất hành, nên phải dâng cho Chúa vì nó thuộc về Chúa.
Lạy Chúa, bản thân con cũng không khác gì đứa con trai đầu lòng của người Do Thái, nghĩa là hoàn toàn do ơn Chúa mà có. Vì thế, cuộc đời con hoàn toàn thuộc về Chúa. Con chỉ thuộc về Chúa khi đời sống con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. Nhờ đó, con trở thành ngọn đèn cháy sáng giữa lòng thế giới hôm nay.
Lạy Chúa, xin cho con trở thành ánh sáng khi dám ra khỏi chính mình, dám ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan, để can đảm sống những đòi hỏi của Tin Mừng.
Xin cho con trở thành ánh sáng khi dám chấp nhận bóng tối cuộc đời, chấp nhận những thử thách của cuộc sống, chấp nhận những bước đường gồ ghề phải đi qua. Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.
Ghi nhớ:“Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Phép lạ cuối cùng trong một loạt ba phép lạ mặc khải uy quyền của Chúa Giêsu trên sự sống và sự chết:
– Nơi đứa con gái của ông Giarô: sự sống đã mất hẳn vì nó đã chết, ai cũng xác nhận là cái chết ấy vì họ đã bắt đầu khóc than kêu la ầm ĩ, người ta còn cười nhạo khi Chúa Giêsu bảo nó chưa chết.
– Người phụ nữ bị băng huyết: sự sống đang mất dần (máu là biểu tượng của sự sống).
– Chúa Giêsu là chủ và là nguồn của sự sống:
a/ người phụ nữ bị băng huyết chỉ cần rờ đến gấu áo Ngài thì sự sống được phục hồi;
b/ Ngài gọi cô bé sống lại cách dễ dàng như đánh thức một người khỏi giấc ngủ.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
“Đứa bé có chết đâu. Nó ngủ đấy thôi”. Khi Ladarô chết, Chúa Giêsu cũng nói “Ladarô bạn của Ta đang yên giấc. Thầy đi đánh thức anh ấy dậy” (Gioan11,11) Đối với Chúa chết chỉ là một giấc ngủ, mở mắt thức dậy là một cuộc sống thật, vĩnh cửu.
Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng:
“Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng”
Bà cầu nguyện suốt ba ngày cũng vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra ngay sau bàn thờ:
“Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai.”
Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện. (Góp nhặt)
Ta chỉ tin suông vào sự sống thật mai sau. Thực chất là ta vẫn còn coi trọng sự sống đời này hơn.
Một ông lão ở Marocco đến gặp một nhà truyền giáo để tìm con đường cứu độ, vì ông biết mình chẳng sống bao lâu nữa. Để giúp ông nhà truyền giáo dùng một cuốn sách, trong đó trang 1 màu đen tượng trưng cho tội lỗi, trang 2 màu đỏ tượng trung cho Máu Thánh Chúa Kitô, trang 3 màu trắng chỉ lương tâm trong sạch, trang 4 màu vàng chỉ vinh quang Nước trời.
Sau khi nhập đạo ít lâu, người đó lâm cơn hấp hối. Bà vợ là người đạo Hồi khuyên ông kêu cầu Đức Mahômet, nhưng ông không chịu, bảo Chúa là Đức Kitô. Bà vợ nói: “vậy ông hãy lấy cuốn sách nhà truyền giáo cho, mở trang 3, hy vọng Chúa sẽ cho ông sạch tội và vào Thiên đàng”. Ông đáp: “không, hãy mở trang 2 cho tôi”. Và ông chết tựa đầu vào sách tượng trưng cho máu thánh Chúa Kitô. (Góp nhặt)
Một vị Giám Mục nổi tiếng hiền hòa, dễ mến. Khi được hỏi bí quyết, Ngài đáp bí quyết đó là:
Thứ nhất, tôi nhìn lên trời để đời tôi phải tới đó.
Thứ hai, tôi nhìn xuống đất để thấy phần mộ tôi sau này thật nhỏ hẹp.
Thứ ba, tôi nhìn chung quanh tôi để thấy bao người nghèo khổ mà đáng kính trọng hơn tôi.
Thứ bốn, tôi học để biết hạnh phúc thật ở đâu, mọi nỗ lực của tôi sẽ chấm dứt như thế nào và những than thở của tôi thật vô cớ biết bao! (Góp nhặt)
Người phụ nữ lách qua đám đông tiến đến với Chúa Giêsu và sờ vào áo của Người, vì bà tự nhủ: Tôi mà sờ được vào áo của Người thôi là tôi sẽ được cứu. Tức khắc bà đã được khỏi bệnh” (Mác Cô 5,27-29)
Băng huyết là bệnh nan y trong thời Chúa Giêsu. Người mắc bệnh này thường tuyệt vọng. Nhưng người phụ nữ trong Tin Mừng đã không giam mình trong nỗi thất vọng. Chị đến với Chúa và hết lòng tin tưởng vào Người, tin rằng Người có thể lấp đầy những khát vọng của mình.
Dù cách biểu lộ niềm tin của bà còn thô thiển là tìm cách sờ vào áo của Người, nhưng chỉ cần ngần ấy thôi cũng đủ Chúa Giêsu nhận ra lòng tin mãnh liệt của bà, lòng tin mà, theo Người, đã cứu chữa bà và đem lại cho bà sự bình an.
Tôi chợt nghĩ đến căn bệnh của thời đại, đến những người đang thất vọng vì mắc bệnh HIV, và thầm nguyện cho họ được vững một niềm tin vào Chúa, Đấng duy nhất có thể thỏa mãn những mong đợi mà Người đã đặt trong trái tim của mỗi người. Chính Người đã đến để loan báo cho ta niền hy vọng tuyệt vời, vì Người là tác giả của sự sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa vì nhờ người mà con đã khám phá ra gương mặt mới của Thiên Chúa: một Thiên Chúa giàu lòng thương xót và yêu thương tất cả mọi người. (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Dâng Chúa trong Đền thánh (Lc 2,22-32)
- Đến ngày theo luật định, thánh Giuse và Đức Maria bồng Chúa Hài Nhi đến đền thờ Giêrusalem để dâng cho Đức Chúa Cha. Ở đó có ông Simêon là người công chính. Ông được Chúa Thánh Thần soi sáng nên nhận biết Chúa Giêsu và cất tiếng khen ngợi Chúa, vì Chúa đã thương cho Đấng Cứu Thế đến cứu chuộc dân Người; đồng thời ông cũng cho Đức Maria biết: Mẹ phải chịu nhiều đau khổ vì Chúa Hài Nhi.
Mẹ Maria và thánh Giuse dâng Chúa Hài nhi trong đền thánh để tuân giữ luật thời đó. Và việc dâng hiến này báo trước Chúa Giêsu tự dâng hiến đời Người chịu chết trên khổ giá để cứu độ loài người.
- Đức Giêsu là “con trai đầu lòng” (x. Lc 2,7), theo luật Maisen: “Mọi con trai đầu lòng phải được dâng hiến lên Thiên Chúa”, như chúng ta đọc thấy trong Cựu ước: “Đức Chúa phán với Maisen: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta” (Xh 13,1-2). Vì thế, Đức Mẹ và thánh Giuse dâng hiến Hài nhi Giêsu cho Thiên Chúa trong Đền thờ. Từ nay cuộc đời Hài nhi hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Ngài đã được dâng và cũng tự hiến dâng, để Thiên Chúa toàn quyền sử dụng trên Ngài trong sứ mạng nhập thể cứu độ: Dâng trọn vẹn trên đỉnh cao Thập tự.
Người Kitô hữu được dâng cho Thiên Chúa qua bí tích Rửa tội để trở thành con cái Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta ý thức được diễm phúc làm con Thiên Chúa, để cảm tạ bằng cách thờ phượng Thiên Chúa hết mình, và sống xứng đáng với phẩm giá đó bằng cách thánh hóa bản thân mỗi ngày.
- Chúng ta nhận thấy: hai ông bà đang được diễm phúc làm mẹ Thiên Chúa và làm cha nuôi Đức Giêsu, nhưng không tìm đặc ân riêng cho mình, vẫn khiêm nhường tuân giữ lề luật: thanh tẩy và dâng con vào Đền thờ. Noi gương hai Đấng: người Kitô hữu không nên tìm đặc ân gì, để miễn chước cho mình những bổn phận đối với xã hội, cộng đoàn, gia đình và tha nhân, nhưng phải khiêm nhường đơn sơ và nhiệt tình tuân giữ mọi lề luật chính đáng.
Đối với các bậc cha mẹ Kitô hữu, con cái là quà tặng của Thiên Chúa. Để bày tỏ lòng trân trọng quà tặng quý báu đó, các bậc cha mẹ tiến dâng con cái của mình cho Thiên Chúa. Tiến dâng bằng cách nuôi dạy con cái theo ý Chúa; giúp con cái đón nhận và nuôi dưỡng đức tin, giúp con cái hướng tình yêu về Thiên Chúa.
- Cụ già Simêon nói với Đức Maria: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” (Lc 2,34).
Cụ Simêon trong tư cách là tiên tri tiên báo rằng: con trẻ sẽ trở nên dấu cho người ta chống đối. Lời tiên tri được ngỏ cho Đức Maria để nói về sứ mạng cứu độ của Hài nhi trong tương lai và sự mật thiết hiệp nhất trong công cuộc cứu độ của người con trong vai trò cộng tác: “Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Maria không hiểu lời cụ Simêon mang ý nghĩa gì, nhưng khắc ghi nghiền ngẫm trong lòng và xin Thiên Chúa ban cho được thêm can đảm, Maria cũng chịu đau khổ thương khó như Con Mẹ, nhất là tại Núi Sọ hiến tế con Mẹ trên Thập giá.
- Đức Giêsu cũng đã đến để yêu thương, cứu giúp mọi người. Ngài vốn là Thiên Chúa cao sang nhưng đã trở nên thấp hèn để nâng đỡ con người lên. Nhưng cuối cùng Ngài đã bị con người đóng đinh thập giá, bỏ mặc trong cái chết đau đớn và tủi nhục.
Xin Mẹ Maria giúp chúng ta theo gương Mẹ tiếp bước theo Chúa trên con đường yêu thương, dẫu có bị người đời chống báng hay từ chối.
- Truyện: Lời cầu xin tốt đẹp
Có người coi như mình bị thất bại, vì Chúa không nhận lời cầu xin của mình. Có vẻ nản lòng. Nhưng một ngày kia, đang khi cầu nguyện Chúa soi sáng cho người ấy hãy vững tin và đặt tất cả niềm tin phó thác vào Chúa. Họ đã sáng tác được lời cầu nguyện sau đây:
Lạy Chúa, con cầu xin ơn mạnh mẽ để thành đạt, thì Chúa làm cho con ra yếu ớt để biết vâng lời, khiêm hạ.
Con cầu xin có sức khỏe để thực hiện những công trình lớn lao, thì Chúa lại bắt con bị tàn tật và chỉ làm được những việc tốt nho nhỏ.
Con cầu xin được giàu sang để sống một cuộc đời sung sướng, thì Chúa lại bắt con nghèo nàn để học biết thế nào là khôn ngoan.
Con cầu xin có được uy quyền để mọi người phải kính nể, thì Chúa lại cho con sự thấp hèn để con biết cần đến Chúa.
Con cầu xin cho có được tất cả để tận hưởng cuộc đời, thì Chúa lại cho con cả một cuộc đời để được hưởng mọi sự.
Con xin gì cũng chẳng được theo ý con muốn, nhưng những điều con đáng phải mơ ước mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin, thì Chúa lại đã ban cho con thật dư đầy từ lâu.
Lạy Chúa, hoá ra con lại là người có phúc hơn hết trên đời này, bởi con đã nhận được ơn phúc Chúa vô vàn.
Tin tức liên quan khác
Đối mặt với nỗi buồn của linh mục khi nghỉ hưu
ĐTC Phanxicô gặp các giáo sư đại học tại Đại học Công giáo Leuve
Hội ngộ truyền thông thường niên năm 2024
ĐTC sẽ dâng kính hoa hồng bằng vàng cho Đức Mẹ tại đền thờ Đức Bà Cả
Quý cha Tuyên xưng Đức tin và nhận bằng bổ nhiệm
C9 tập trung vào tính hiệp đoàn, vai trò của phụ nữ, các sứ thần và khủng hoảng thế giới
Để sống tâm tình Tháng Hoa với Mẹ Maria
Giáo Xứ Yên Lĩnh: Thánh Lễ Tạ Ơn Và Nghi Thức Nhận Xứ của cha Phêrô Nguyễn Văn Ánh, OFM.