TGPSG — Chúa Nhật ngày 27-07-2025 là ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho ông bà và người cao tuổi. Đây là sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô từ năm 2021. Cứ vào Chúa Nhật thứ IV của tháng 7, sau lễ Thánh Gioakim và Anna – ông bà ngoại của Chúa Giêsu – chúng ta cùng dừng lại để cầu nguyện cho ông bà, cùng với tình yêu thương và nâng đỡ cuộc sống của những người cao niên. Sứ điệp năm nay của Đức Thánh Cha Lêô XIV gửi đến ông bà và người cao tuổi mang chủ đề của Năm Thánh 2025: “Phúc cho ai không đánh mất niềm hy vọng”.
Đi từ những cuộc gặp gỡ đời thường, tôi suy nghĩ về lời mời gọi của Đức Thánh Cha Lêô XIV.
-
Niềm vui – niềm hy vọng của tuổi già
Nếu chúng ta đi thăm các gia đình có ông bà cùng sống chung với con cháu, thì các gia đình ấy rất đầm ấm, yêu thương. Các cháu được chăm sóc bữa ăn, đưa đón, dạy dỗ đâu ra đấy. Nhất là với những gia đình Công Giáo, ông bà thường dạy các cháu đọc kinh tối, để chúng biết nói lời tạ ơn Chúa, làm dấu trước khi ăn. Điều này rất tốt đẹp cho gia đình. Đây là gia sản quý báu mà ông bà để lại cho con cháu. Nó không phải là tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, nhưng là những giá trị đạo đức – một đời sống gắn bó với Chúa, ý thức có Chúa hiện diện trong cuộc đời.
Tôi rất hạnh phúc vì cũng được lớn lên từ những lời dạy của ông bà. Hình ảnh còn đọng lại nơi tôi: bà nội tôi là một người phụ nữ luôn làm việc liên tục: từ việc bếp núc đến buôn bán. Buông công việc ra là bà lần hạt đọc kinh. Lúc đó tôi còn nhỏ, không hiểu bà đau khổ thế nào. Nhưng tôi nghe mọi người kể rằng, bà đã chịu nhiều đau khổ vì người chồng có tính khí gàn dở do thời cuộc, các con thì tiêu xài, ăn chơi… Trong trí nhớ của tôi, bà là người hiền lành, yêu thương các cháu, luôn quan tâm lo lắng cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Lưng bà còng, nhưng bà còn rất nhanh nhẹn. Chiếc lưng còng ấy cúi xuống mỗi ngày để làm việc và để cầu nguyện.
Mỗi người con, người cháu trong gia đình cần có sự trân trọng với người già. Hãy lắng nghe những lời dạy của ông bà, chia sẻ, chăm sóc khi “trái gió trở trời”, ông bà đau bệnh, nằm viện, ăn uống không được.
Chúng ta tin rằng, người già là tấm gương cho ta về niềm hy vọng – niềm vui cậy trông vào Chúa, ngay cả khi họ gặp thử thách và đau khổ. Họ luôn đặt cuộc đời mình trong tay Chúa, và bền bỉ kiên trì hơn chúng ta nhiều.
Hơn nữa, chính con cháu sống đạo tốt, thuận hòa, yêu thương nhau là niềm vui lớn lao của ông bà. Sự thành công trong sự nghiệp của con cháu cũng làm cho ông bà an tâm sống vui tươi, bình an hơn.
-
Giúp người già sống tin tưởng vào Chúa
Bên cạnh sự hiện diện đầy ý nghĩa của ông bà đối với gia đình, thì bản thân người già cũng có những khó khăn và giới hạn về thể lý, tinh thần. Người già phải đối diện với sự xuống cấp của cơ thể, có thể không giúp được gì cho gia đình vì những lẩm cẩm, tai lãng, mắt mờ, chân chậm…
Vì thế, bổn phận của con cháu trong gia đình là giúp người già sống trong niềm vui và hy vọng. Có những lúc lời ăn tiếng nói vô tình của chúng ta làm họ buồn, cảm thấy mình đang làm phiền đến con cháu, gây xáo trộn cuộc sống gia đình.
Thật tuyệt vời khi chúng ta biết tìm đến những lời khuyên sau đây từ sách Huấn Ca, chương 3, từ câu 12–16:
“Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng,và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền.”
Chúng ta cầu nguyện cho người già, cho ông bà, để họ đón nhận thử thách trong đau bệnh mà không ngã lòng, không buông xuôi, không suy nghĩ tiêu cực như “chết đi cho rồi để khỏi phiền con cháu.” Quả thật, ngay trong lúc yếu đau rã rời, họ vẫn có thể cảm nghiệm được sức mạnh đến từ nơi Chúa luôn ở bên họ.
Chúng ta cũng có tấm gương của Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô, trong những tháng ngày cuối đời, ngài đã can đảm đối diện với bệnh tật và làm việc cho đến cùng.
Qua những phút giây cầu nguyện với Chúa, qua các Bí tích, qua Thánh Lễ – dù chỉ là tham dự trực tuyến – chúng ta tin rằng người già đang được gặp gỡ Chúa. Chính Chúa là sức mạnh nâng đỡ, là niềm hy vọng cho người già cũng như người trẻ.
Đôi khi, con cháu trong gia đình lại quên mất bổn phận giúp người già đến gần Chúa. Họ có thể đi được đến nhà thờ, có thể ngồi xe lăn dự lễ, nhưng con cháu sợ ông bà té ngã nên không đưa đến nhà thờ.
Tuy nhiên, trên hết, ơn Chúa và sự nâng đỡ có thể đến ngay trên giường bệnh. Chúa đang hiện diện với họ, mời gọi họ đón nhận bệnh tật như là phương thế để làm chứng cho Tin Mừng. Chính qua những đau đớn yếu mệt, họ trở nên gần gũi nhất với Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá.
Trong ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi, chúng ta hãy nhớ đến họ qua lời cầu nguyện và luôn đồng hành với họ qua sự quan tâm chăm sóc, biết lắng nghe từng lời chỉ bảo dạy dỗ của ông bà, biết trân trọng và cảm thấy hạnh phúc vui sướng khi gia đình còn có ông bà ở bên cạnh.
Sứ điệp năm nay kết thúc bằng những lời mời gọi như sau:
“Đặc biệt khi về già, chúng ta hãy kiên trì tin tưởng vào Chúa. Mỗi ngày, hãy để chính mình được đổi mới nhờ cuộc gặp gỡ với Người trong cầu nguyện và Thánh lễ. Hãy truyền lại đức tin mà chúng ta đã sống trong nhiều năm bằng tình yêu thương, trong gia đình và nơi các cuộc gặp gỡ thường ngày. Hãy không ngừng ngợi khen Thiên Chúa vì lòng nhân hậu của Người, vun đắp sự hiệp nhất với người thân, và mở lòng ra với những ai ở xa, nhất là những ai sống trong thiếu thốn. Bằng cách này chúng ta sẽ trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng bất kể tuổi tác.”
Lạy Chúa, xin ban cho những ông bà và người cao tuổi niềm vui và niềm hy vọng trong cuộc sống. Dù có đau bệnh, yếu mệt, xin cho họ vẫn là những chứng nhân đức tin sống động cho con cháu, nhất là qua đời sống cầu nguyện, họ tìm được sức mạnh nơi Chúa. Vì Chúa có thể làm được mọi sự. Từ sự đau yếu Chúa có thể trở thành mạnh mẽ. Mạnh mẽ bằng đời sống chứng tá. Xin ban cho ông bà chúng con sức khỏe, niềm vui và niềm hy vọng khi sống bên con cháu. Amen.
Bài: Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)