NGUỒN GỐC & Ý NGHĨA CỦA HANG ĐÁ
Mỗi mùa Giáng Sinh về, khắp đó đây Hang Đá Bê Lem được trang trí, được dựng lên với muôn kiểu, với nhiều chất liệu, màu sắc khác nhau rất đẹp tùy vào quan niệm, truyền thống văn hóa mỗi nơi. Nhưng tất cả đều diễn tả mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh.
Đặc biệt là người tín hữu thì khi mừng đại lễ Giáng Sinh không bao giờ thiếu Hang Đá Bê Lem được dựng cách công phu, đẹp mắt tại Giáo Xứ và ở gia đình. Hang Đá đã luôn gắn liền với biến cố Giáng Sinh của Chúa Gêsu.
Thế nhưng chúng ta có thật sự hiểu hết nguồn gốc và ý nghĩa của Hang Đá Bê Lem mà mỗi năm chúng ta mừng và kính viếng hay không. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé.
I. Nguồn gốc
Ai là người đã trưng bày Hang đá đầu tiên? Đó là một khám phá tuyệt vời của thánh Phanxicô thành Assisi. Theo tác giả Omer Englebert kể: vào năm 1223, chỉ còn đúng 2 tuần lễ nữa là đến ngày mừng lễ Chúa Giáng sinh, Phanxicô Assisi lúc đó đang trên đường từ Rôma trở về làng Assisi, quê hương của Ngài; khi đi ngang qua làng Greccio thì Phanxicô gặp một thầy tên là Jean Velita, thầy này mới tập tu, Phanxicô liền ngỏ lời với thầy ấy rằng : “Ta mong ước cử hành lễ Giáng sinh để suy tôn Chúa ra đời ở Bê-Lem, nhưng để thể hiện nỗi cơ cực và khổ đau của Chúa ngay từ lúc còn thơ để cứu chuộc nhân loại, Ta xin con làm một hang đá giống như thật với cỏ khô, rồi con dẫn một con lừa và một con bò vào để cho giống với con bò con lừa đã chầu quanh Chúa Hài đồng năm xưa nhé’’. Thế là thầy vâng lời, đi làm một hang đá giống như lời Phanxicô dặn.
Còn Phanxicô, sau khi công bố Tin Mừng xong, ngài chia sẻ lời Chúa cho những người đến nghe. Ngài kể chuyện sự tích về một vị ‘‘Hoàng đế nghèo’’ sống trước ngài 12 thế kỷ, được sinh ra tại Bê-Lem mà người ta thường gọi Ngài là Giêsu, tức “Hài đồng Bê-Lem”. Giảng xong, Phanxicô giả bắt chước giọng của con chiên, con lừa kêu “Bethlélem! Bethélem!!!’’, tức thì người ta liền thấy Hài nhi Giêsu đang ngủ trong hang đá chợt thức giấc và nhoẻn miệng cười.
Kể từ máng cỏ đầu tiên tại Greccio, sau đó hàng năm, tại các giáo xứ và nhà nhà khắp nơi trên thế giới, người ta bắt đầu làm Hang đá với cây thông để mừng lễ Chúa Giáng sinh.
II. Ý nghĩa
-Hang đá là dấu chỉ tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa dành cho loài người
-Hang đá diễn tả sự khiêm nhường của con Thiên Chúa mặc lấy thân phận con người yếu đuối, khó nghèo, túng thiếu, nhỏ bé…
– Trong tông thư Admirabile Signum, Đức Thánh Cha khẳng định: “được sinh ra trong máng cỏ, chính Thiên Chúa bắt đầu cuộc cách mạng thực sự và duy nhất mang lại hy vọng và phẩm giá cho những người bị khinh miệt, bị gạt ra bên lề: đó là cuộc cách mạng của tình yêu, cuộc cách mạng của sự dịu dàng”.
– Hang đá mời gọi chúng ta học lấy sự khiêm nhường, yêu mến sự khó nghèo mà Chúa đã mặc lấy, chúng ta hãy vui mừng vì tình yêu Ngài dành cho ta. Chúng ta cần phải sống chứng tá cho Tin Mừng Tình Yêu ấy trong đời sống đức tin của chúng ta.
III. Ý nghĩa hình ảnh
1. Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ: cho ta thấy tình thương dịu dàng của Chúa. Vua Trời mà lại hạ mình xuống nhỏ bé như chúng ta, Ngài trở chấp nhận mang thân phận yếu đuối như chúng ta, để cứu chuộc chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, nghèo khó và yêu thương những người thiếu thốn (Mát-thêu 25:31-46).
2. Mẹ Maria: Từ năm 1400, tượng Mẹ Maria mới được trưng bày trong Hang đá như một người đang chìm sâu trong sự thờ lạy, yêu mến và suy ngắm mầu nhiệm Giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Mẹ chiêm ngắm và giới thiệu con mình cho mọi người. Mẹ Maria là “chứng tá của sự hoàn toàn phó thác trong đức tin theo thánh ý Chúa” (trích tông thư Admirabile Signum)
3. Thánh Giuse: có vai trò bảo vệ Con Một của Người là Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ nhân loại và Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Người , thánh Giuse “là người không mệt mỏi chăm sóc và bảo vệ Thánh gia.” (trích tông thư Admirabile Signum) . Ngài cũng luôn chiêm ngắm Hài Nhi Giesu với trọn niềm tin tưởng, cậy trông.
4. Các Thiên Thần: Chúa sinh ra giữa đồng hoang vắng nên chỉ có Thiên Thần từ trời xuống thờ lạy và hát ca mừng con Thiên Chúa nhập thể. Chính các Thiên Thần là những vị đi báo tin cho các mục đồng đang ngủ ngoài đồng một tin vui: “Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho loài người”.
Các thiên thần và sao chổi là dấu hiệu cho thấy “chúng ta cũng được kêu gọi lên đường đến hang đá và thờ lạy Chúa”.(trích tông thư Admirabile Signum)
5. Các Mục đồng: biểu tượng cho từng lớp người nghèo mà Thiên Chúa đặc biệt quan tâm ưu ái. Họ cũng là đối tượng được Chúa Cứu Thế yêu thương, bảo vệ và đề cao, vì họ sẽ được “Nước Trời là của họ”. Con Thiên Chúa đã muốn trở nên một trong những người bé nhỏ như họ, sinh ra trong cảnh nghèo hèn và khiêm tốn. Người còn tự đồng hóa với họ khi tuyên bố: «mỗi lần các ngươi làm như thế cho những kẻ bé mọn nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta» (Mt 25,40).
6. Các con bò và lừa: Sự hiện diện của những con bò và lừa trong Hang đá Bê-lem muốn diễn tả ý nghĩa: Đức Kitô đã gánh mọi tội lỗi nhân loại, và sau cùng Ngài hiến tế chính bản thân Ngài làm của lễ đền tội cho nhân loại. Như trong tông thư Admirabile Signum ĐTC Phanxi co đã nói: “Với biết bao cảm xúc, chúng ta nên sắp xếp những ngọn núi, dòng suối, con cừu và người chăn cừu trong khung cảnh Chúa giáng sinh! Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta được nhắc nhở rằng, như các tiên tri đã báo trước, tất cả các sáng tạo đều vui mừng trong sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai.”
7. Ba Vua: Nghe tin Đấng Cứu Thế đã sinh ra, ba nhà đạo sĩ từ Phương Đông đến để triều bái và dâng tiến Hài Nhi những lễ vật. “Ba Vua dạy chúng ta rằng chúng ta có thể khởi hành từ nơi rất xa để đến với Chúa Kitô.” (trích tông thư Admirabile Signum)
• Melchior : quì gối dâng lên Chúa vàng, tượng trưng cho quyền lực và sự giàu sang. Ông là người Âu Châu.
• Balthasar : đứng ôm trên tay bình đựng nhũ hương, tượng trưng của lễ hiến tế và sự cầu nguyện. Ông là người Á Châu.
• Caspar : là vị đạo sĩ trẻ nhất, đứng sau hai vị kia và ôm trên tay bình đựng mộc dược, tượng trưng cho sự đau khổ và sự chết. Ông là người gốc Phi Châu với nước da đen sậm.
Ngoài ra, còn có một vị vua thứ bốn tên là Artaban, ông là người ít được nhắc đến và được trưng bày trong Hang đá, tượng trưng bằng viên đá quý.
8. Bầu trời đầy sao giữa dêm đen: Trước hết là bầu trời đầy sao trong bóng tối và trong sự im lặng của màn đêm: đó là đêm đen đôi khi bao quanh cuộc sống của chúng ta. Đức Thánh Cha viết: “Dù vậy, ngay cả trong những khoảnh khắc đó, Thiên Chúa không để chúng ta đơn độc, mà Người hiện diện và mang ánh sáng đến nơi chìm trong bóng tối và chiếu sáng những người vượt qua bóng tối của đau khổ”. (Tông thư “Admirabile Signum”)
9. Các hình tượng khác: Tuỳ theo quan niệm văn hóa và sở thích của mỗi nơi, mỗi miền mà người ta trưng bày trong Hang đá những tượng khác nữa; mặc dù trên thực tế, những tượng đó không có chỗ đứng chính thức và quen thuộc trong Hang đá, nhưng mỗi tượng cũng mang một ý nghĩa tượng trưng, sâu sắc.
Ví dụ: dân chúng, người ăn xin, người nghèo….ĐTC nói rằng:
“Từ người chăn cừu đến thợ rèn, từ thợ làm bánh đến nhạc sĩ, từ những người phụ nữ mang bình nước cho đến trẻ em nô đùa: tất cả những điều này nói lên sự thánh thiện hàng ngày, niềm vui làm những việc bình thường theo cách phi thường.”
“Có những người ăn xin và những người khác chỉ biết sự giàu có của trái tim. Họ cũng có mọi quyền để đến gần Chúa Giêsu Hài Đồng; không ai có thể đuổi họ đi hoặc điều họ ra khỏi một chiếc nôi tạm bợ đến mức người nghèo dường như cũng thấy như là nhà của mình.” (Tông thư “Admirabile Signum”)
Đức Thánh Cha kết luận trong số 10, số cuối cùng: “Hang đá là một phần của quá trình quý giá và đòi hỏi của việc loan truyền đức tin”: không quan trọng là nó được làm như thế nào, “điều quan trọng là nó nói với cuộc sống của chúng ta”, nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta , “Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một hài nhi để nói với chúng ta rằng Người gần gũi với con người, dù chúng ta ở trong bất cứ hoàn cảnh nào” và nói với chúng ta rằng “hạnh phúc ở nơi chính điều này”.
Nguồn: tinmungmoingay.com
Tin tức liên quan khác
ĐTC khuyến khích các luật sư Châu Âu phục vụ sự thật và công lý
Tình trạng sức khỏe của ĐTC Phanxicô khá hơn; ngài không bị nhiễm trùng phổi
Nghỉ hè với Chúa
Liệu nữ tu có nên học hành?
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho các bạn trẻ Syria không thể tham dự Đại hội GTTG
Học viện Công giáo: Chương trình ứng dụng Mục vụ, đào tạo HKII năm học 2022-2023
ĐTC nói với các trẻ em Ba Lan bị ung thư: Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi các con
Ý nghĩa huy hiệu của Đức cha Tân cử Giuse Bùi Công Trác