TGPSG/Vatican News — Thảm kịch đang diễn ra tại Gaza kêu gọi sự trỗi dậy của tình người và sự khẩn thiết của một phản ứng chung trước tình cảnh của người dân Palestine, điều mà Tòa Thánh đã kiên trì cổ vũ trong nhiều thập kỷ.
Bài viết liên quan
- Giáo hội Công giáo Thái Lan lên tiếng về xung đột biên giới
- Di dân là “chứng nhân hy vọng đặc tuyển” trong thế giới tan hoang
- Đức Lêô XIV gửi các Giáo lý viên Việt Nam: Các bạn không bao giờ cô đơn
- Giáo hội Hàn Quốc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ giữa muôn vàn thách thức
- Các tổ chức cứu trợ lên án việc Israel ‘bao vây’ Gaza
Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố rằng Pháp sẽ công nhận Nhà nước Palestine, với tuyên bố chính thức dự kiến được đưa ra tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng Chín tới.
Trong khi đó, công tác chuẩn bị đang được tiến hành cho “Hội nghị quốc tế cấp cao về giải pháp hòa bình cho vấn đề Palestine và thực hiện giải pháp hai nhà nước.” Hội nghị này ban đầu dự kiến tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York vào tháng Sáu vừa qua, dưới sự dẫn dắt của chính phủ Pháp và Ả Rập Saudi, nhưng đã bị hoãn do cuộc tấn công của Israel vào Iran.
Thảm kịch đang diễn ra tại Gaza – với tình trạng thương vong nghiêm trọng của nhiều dân thường vô tội, những người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bom đạn, thiếu thốn lương thực và nhu yếu phẩm, cũng như gặp nguy hiểm trong khi tìm kiếm sự trợ giúp -cho thấy rõ ràng sự cấp bách của việc chấm dứt các cuộc xung đột gây ra đau khổ này. Đồng thời, điều đó nhấn mạnh rằng một giải pháp cho vấn đề Palestine đã trở nên không thể thiếu. Đây là giải pháp mà Tòa Thánh đã kiên trì kêu gọi suốt nhiều thập kỷ, và không thể đạt được nếu thiếu sự đóng góp tích cực của cộng đồng quốc tế cũng như các quốc gia liên quan trực tiếp.
Cần nhắc lại rằng Tòa Thánh đã ký một thỏa thuận cơ bản với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cách đây 25 năm. Sau đó, cách đây mười năm, Tòa Thánh đã ký một Thỏa thuận Toàn diện với Nhà nước Palestine, có hiệu lực từ tháng Giêng năm 2016. Quyết định và sự công nhận này phù hợp với mối quan tâm mà các Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ từ năm 1948 về tình trạng của các Thánh địa và số phận của người dân Palestine.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là vị Giáo Hoàng đầu tiên khẳng định rõ ràng rằng người Palestine là một dân tộc, chứ không chỉ là một nhóm người tị nạn chiến tranh. Trong sứ điệp Giáng Sinh năm 1975, ngài đã kêu gọi con cái của dân tộc Do Thái, những người đã có Nhà nước Israel có chủ quyền, “hãy công nhận các quyền và những khát vọng chính đáng của một dân tộc khác, cũng đã chịu đau khổ trong thời gian dài – dân tộc Palestine.”
Vào đầu những năm 1990, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập quan hệ với cả Nhà nước Israel (1993) và PLO (1994), trong bối cảnh hai bên dường như đang tiến gần đến một thỏa thuận và sự công nhận lẫn nhau về hai quốc gia. Tháng Hai năm 2000, vài tháng trước khi Thủ tướng Israel Ariel Sharon bước vào khuôn viên Đền Al-Aqsa khơi mào cuộc Intifada lần thứ hai, Tòa Thánh đã ký Thỏa thuận Cơ bản với PLO. Khi đến Bethlehem vào tháng Ba năm 2000, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố: “Tòa Thánh luôn công nhận rằng người dân Palestine có quyền tự nhiên đối với một quê hương, và quyền được sống trong hòa bình và thanh thản với các dân tộc khác trong khu vực. Trên diễn đàn quốc tế, các vị tiền nhiệm của tôi và tôi đã nhiều lần khẳng định rằng sẽ không có hồi kết cho cuộc xung đột đau buồn tại Thánh Địa nếu không có sự đảm bảo vững chắc cho quyền lợi của tất cả các dân tộc liên quan, dựa trên luật pháp quốc tế và các nghị quyết cũng như tuyên bố của Liên Hợp Quốc.”
Chín năm sau, trong chuyến viếng thăm Thánh Địa, Đức Bênêđictô XVI khẳng định lại: “Hãy để cho cả thế giới công nhận rằng Nhà nước Israel có quyền tồn tại, và được hưởng hòa bình và an ninh trong các đường biên giới đã được quốc tế thỏa thuận. Hãy để cho người dân Palestine cũng được công nhận quyền có một quê hương độc lập, có chủ quyền, được sống trong nhân phẩm và được tự do đi lại. Hãy để giải pháp hai nhà nước trở thành hiện thực, chứ không chỉ là giấc mơ.” Năm 2012, Tòa Thánh đã ủng hộ việc công nhận “Nhà nước Palestine” là thành viên quan sát của Liên Hợp Quốc.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong chuyến viếng thăm Thánh Địa năm 2014, đã nói trước Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas: “Đã đến lúc mọi người cần tìm thấy sự can đảm để rộng lượng và sáng tạo trong việc phục vụ thiện ích chung, can đảm để xây dựng một nền hòa bình dựa trên sự công nhận của tất cả về quyền tồn tại của hai quốc gia và được sống trong hòa bình và an ninh trong các đường biên giới đã được quốc tế công nhận.” Đây cũng là lần đầu tiên ngài gọi quốc gia chủ nhà là “Nhà nước Palestine.”
Điều này dẫn đến Thỏa thuận Toàn diện năm 2015 giữa Tòa Thánh và Nhà nước Palestine, nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước đã được dự kiến trong Nghị quyết 181 của Liên Hợp Quốc từ tháng 11 năm 1947.
Lời mở đầu của Thỏa thuận, dựa trên luật pháp quốc tế, nêu rõ các điểm chính, bao gồm: quyền tự quyết của người dân Palestine; mục tiêu giải pháp hai nhà nước; ý nghĩa biểu tượng và tâm linh của Jerusalem đối với người Do Thái, Kitô hữu và Hồi giáo; cũng như giá trị tôn giáo và văn hóa phổ quát của thành phố này như một kho tàng cho toàn nhân loại.
Lời mở đầu tái khẳng định quyền của người dân Palestine được “tự do, an ninh và nhân phẩm trong một Nhà nước độc lập của riêng họ” -một “Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền, dân chủ và khả thi trên cơ sở các đường biên giới trước năm 1967, tại Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, và Dải Gaza, sống bên cạnh trong hòa bình và an ninh với tất cả các nước láng giềng.”
Nhắc lại Thỏa thuận Cơ bản năm 2000 với PLO, Thỏa thuận Toàn diện tái khẳng định yêu cầu về một “giải pháp công bằng cho vấn đề Jerusalem, dựa trên các nghị quyết quốc tế,” nhấn mạnh rằng “những quyết định và hành động đơn phương thay đổi đặc tính và tình trạng đặc biệt của Jerusalem là không thể chấp nhận về mặt đạo đức và pháp lý,” và rằng “mọi biện pháp đơn phương bất hợp pháp, dù dưới hình thức nào, đều vô hiệu” và “tạo ra trở ngại cho việc tìm kiếm hòa bình.”
Tổng quan ngắn gọn này cho thấy sự nhất quán và tính thực tế trong lập trường được thể hiện qua những lời kêu gọi của các Giáo Hoàng gần đây, trong các tuyên bố của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc, và trong các thỏa thuận đã được ký kết cho đến nay.
Ngay sau vụ tấn công khủng bố vô nhân đạo của Hamas vào ngày 7-10-2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên án vụ thảm sát và nhiều lần kêu gọi trả tự do cho tất cả các con tin.
Đồng thời, trong khi công nhận quyền tự vệ của Israel, Tòa Thánh đã nhiều lần – nhưng vô ích – kêu gọi kiềm chế việc nhắm vào toàn bộ dân cư Palestine ở Gaza, và cũng lên án các cuộc tấn công của những người định cư chống lại người Palestine sống ở Bờ Tây, một phần của Nhà nước Palestine.
Thật đáng tiếc, tại Gaza và những nơi khác, có những cuộc tấn công không thể biện minh và là một thảm kịch đè nặng lên lương tâm của tất cả mọi người.
Như Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã nhấn mạnh rõ ràng trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật, ngày 20-7-2025, điều cấp thiết và cần thiết là “tuân thủ luật nhân đạo” và “tôn trọng nghĩa vụ bảo vệ dân thường, cũng như cấm mọi hình thức trừng phạt tập thể, sử dụng vũ lực bừa bãi và cưỡng bức di dời dân cư.”
Cộng đồng quốc tế không thể tiếp tục đứng nhìn trong khi thảm cảnh này đang diễn ra.
Người ta hy vọng rằng Hội nghị quốc tế cấp cao về giải pháp hòa bình cho vấn đề Palestine và thực hiện giải pháp hai nhà nước, với việc nhận ra sự cấp bách của một phản ứng chung trước nỗi đau khổ của người dân Palestine, sẽ kiên quyết thúc đẩy một giải pháp bảo đảm cho họ một quốc gia với các đường biên giới an toàn, được tôn trọng và được công nhận.
Tác giả: Andrea Tornielli
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News