Thánh lễ tạ ơn của Đức cha Phêrô Lê Tấn Lợi: Khiêm tốn và cậy dựa vào sức mạnh của Chúa

WGPCT (24.05.2023) – Vào lúc 9h, ngày 20.5.2023 Đức cha Phêrô Lê Tấn Lợi – Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ – đã cử hành Thánh lễ tạ ơn tại thánh đường họ đạo Hậu Bối, Hạt Trà Lồng, quê hương của ngài.

Đức cha Phêrô muốn cử hành Thánh lễ trong bầu khí gia đình. Vì vậy, Thánh lễ được diễn ra đơn sơ và thân mật. Hiện diện trong Thánh lễ có quý cha đã từng liên hệ với họ đạo Hậu Bối và Bô-Na; quý cha và quý tu sĩ có liên hệ trực tiếp đến ơn gọi và sứ vụ của Đức cha; quý cha trong hạt Trà Lồng, quý cha bạn cùng lớp K3A, và một ít cha thân thiết. Bên cạnh đó, có sự hiện của anh chị em thân hữu từ nơi xa và những người thân trong gia tộc của ngài.

Trong Thánh lễ, Đức cha Phêrô đã chia sẻ Lời Chúa cho cộng đoàn với hai tâm tình tạ ơn và xin ơn. Xin được trích lược như sau:

Ngài tạ ơn Chúa như thánh Phaolô kêu gọi: “Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Tx.5,18). Với cái nhìn của đức tin, chúng ta có thể tạ ơn Chúa trong mọi biến cố may lành hay bất lợi và thậm chí có khi là đau khổ. Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Kết quả và thành công khác nhau: Có khi không có kết quả bên ngoài, nhưng thêm kinh nghiệm, thêm khiêm tốn, thêm tin Chúa, đó là thành công dưới cặp mắt siêu nhiên” (Đường Hy Vọng, số 42). Cho nên chúng ta phải tạ ơn Chúa suốt đời, luôn mãi và trong mọi hoàn cảnh. Ngài nhấn mạnh đến cách để tạ ơn Chúa tốt nhất: đó là đón nhận và sống tốt với ơn huệ mà Chúa ban cho. Để có thể sống tốt với ơn huệ Chúa ban, mỗi người cần phải xin ơn Chúa giúp.

Qua ba nhân vật được nhắc đến trong các bài đọc hôm nay là: Phêrô, Phaolô và Môsê, ngài mong mỏi cộng đoàn cầu xin ơn Chúa giúp cho ngài hai điều sau đây:

Thứ nhất, ý thức thân phận yếu hèn.

Bài Tin Mừng đã thuật lại trước khi trao đoàn chiên cho Phêrô. Chúa hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không”. Và cả ba lần ông đáp: “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chắc chắn, Phêrô không bao giờ dám thưa với giọng mạnh mẽ, ngạo nghễ như lúc ông ngăn cản Chúa đi vào cuộc thương khó hay lúc ông tuyên bố không bao giờ chối Thầy trong bữa tiệc ly. Có lẽ ông đã thưa với Chúa trong nước mắt, trong kinh nghiệm và trong khiêm tốn. Lúc này, Phêrô chỉ muốn thưa với Thầy: “Thầy biết con yếu đuối, nhưng thật lòng con yêu mến Thầy”. Câu nói đó thể hiện rằng: dù ông thật sự yêu mến Chúa, nhưng ông rất yếu hèn. Cùng với đó, Thánh Kinh cũng cho thấy sự khiêm tốn của người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ, của người con hoang đàng cũng thế… Do đó, Thánh Têrêsa Hài Đồng đã nói: “Ý thức thân phận tội lỗi của mình là bắt đầu trở nên thánh”.

Trong sự khiêm tốn, Đức cha Phêrô nói rằng: ngài không đủ can đảm như thánh Phêrô nói: “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Ngài chỉ muốn nói với Chúa: “Chúa biết con…”, nghĩa là: “Chúa biết con yếu đuối, tội lỗi và Chúa biết con cần Chúa”. Điều đó không có nghĩa là ngài nhắc nhở Chúa, nhưng là nhắc nhở chính bản thân mình luôn khiêm tốn và cậy dựa vào sự trợ giúp của Chúa.

Thứ hai, hành động trong quyền năng và sức mạnh của Chúa.

Ý thức thân phận yếu đuối chưa đủ, nhưng cần thiết phải biết tin tưởng vào sức mạnh của Chúa. Cuộc đời của Môsê đã minh chứng điều đó. Ông rất nhiệt thành và có ý định cứu giúp dân Israel bị người Ai-Cập ức hiếp, nhưng ông đã thất bại và sống ẩn cư 40 năm. Ông đã sống kinh nghiêm thất bại và muốn an phận. Cho nên khi Chúa sai ông đi trở lại Ai Cập để giải phóng dân Israel, Môsê đã từ chối. Ông lấy 5 lý do: (1) Không có khả năng; (2) Không biết Chúa; (3) Dân Israel sẽ không tin ông; (4) không biết ăn nói; (5) người khác làm tốt hơn ông.

Thật có lý để thoái thác, nhưng sau nhiều lần đối đáp với Thiên Chúa, Chúa đã bảo Môsê: “Cây gậy này, ngươi hãy cầm lấy trong tay, ngươi sẽ dùng nó mà làm các dấu lạ”. Môsê cũng bị Chúa khuất phục.

Điều làm cho ông khuất phục là quyền năng của Chúa, được thể hiện qua cây gậy. Cây gậy tượng trưng cho quyền năng của Chúa và theo ông suốt chặng đường. Với cây gậy trong tay, Chúa đã ở với ông. Nhờ vậy, ông đã vượt qua muôn vàn khó khăn để chu toàn sứ vụ của Chúa.

Cũng như Môsê, thánh Phaolô cũng có kinh nghiệm về điều ấy. Những khó khăn đến trong chặng đường truyền giáo, bị giới lãnh đạo Do Thái bách hại, bị nhiều người thù ghét và cả chính cộng đoàn chống đối. Những thánh Phaolô đã tin vào Lời Chúa hứa: “Ơn của Thầy đủ cho con”. Và dần dần ông đã xác tín: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”. Thấm nhuần điều ấy, trong cuộc sống chúng ta gặp nhiều khó khăn; nhưng may mắn thay, chúng ta là người kitô hữu, chúng ta có Chúa.

Sau những tâm tình Lời Chúa, Ngài cũng đề cập đến tâm tình của giáo dân với ngài. Khi hay tin Tòa Thánh công bố ngài là Giám mục, có nhiều tin nhắn chúc mừng. Trong đó có một tin nhắn rất dí dỏm, người ấy viết: “Ngày xưa đội bánh lá dừa đi bán, giờ Chúa đội mũ Giám mục; ngày xưa lấy dây chuối cột lưng quần, giờ Chúa đổi dây thắt đai; ngày xưa chống xuồng bằng cây sào, giờ Chúa cho cây gậy chăn chiên…

Những điều ấy gợi lại cho ngài hình ảnh Môsê ra đi thi hành trọng trách Chúa trao chỉ với cây gậy trong tay, muốn nhắc nhở ngài rằng: mỗi khi thi hành sứ vụ, ngài phải cậy dựa vào ơn Chúa, đó không phải để thể hiện quyền bính, mà là sự nhắc nhở về quyền năng của Chúa và Chúa luôn ở với ngài, trợ giúp để ngài luôn bắt chước như Môsê, như thánh Phaolô là luôn vững tin và hành động trong sự trợ giúp của Chúa.

Kết thúc bài chia sẻ, Đức cha đã nhắc đến việc có nhiều người gợi ý tặng gậy cho ngài. Nhưng chắc chắn tất cả mọi người ai cũng có thể tặng gậy cho ngài, đó là sức mạnh của Chúa qua lời cầu nguyện của mọi người. Như thế, ngài sẽ nhận được nhiều ơn lành và sức mạnh của Chúa để thi hành sứ vụ.

Kết thúc thánh lễ, Đức cha Phêrô đã nói lên tâm tình cảm ơn cộng đoàn dân Chúa và ban phép lành của Chúa.

Sau thánh lễ tại khuôn viên của họ đạo, mọi người hiện diện trong bữa tiệc chung vui và chúc mừng Đức cha.

Nguồn: gpcantho.com