“Anh em đã được cho không,
thì cũng phải cho không như vậy”.
(Mt 10,8)
BÀI ĐỌC I: Is 30, 19-21. 23-26
“Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Đây Chúa là Thiên Chúa, Đấng Thánh của Israel phán: Dân Sion sẽ được ở Giêrusalem. Ngươi sẽ chẳng còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi. Chúa sẽ cho ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng. Nhưng Đấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Đấng giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Đấng từ sau lưng bảo rằng: “Đây là đường, hãy bước đi theo đó, đừng rẽ bên mặt, đừng quẹo bên trái”. Sẽ ban mưa xuống cho hạt giống của ngươi, bất cứ trên đất nào ngươi đã gieo vãi. Bánh thổ sản sẽ rất dồi dào và thơm ngon. Ngày ấy, chiên được chăn thả trên lãnh địa rộng lớn của ngươi. Bò lừa cày ruộng ngươi được ăn rơm có muối, đã được rê sạch. Trong ngày tru diệt muôn người, khi thành quách đổ nhào, sẽ có giòng suối chảy trên đồi cao núi thẳm. Ngày Chúa băng bó thương tích của dân Người, và chữa lành da bầm thịt giập; mặt trăng sẽ sáng chói như mặt trời, mặt trời sẽ bảy lần chói sáng hơn, như ánh sáng bảy ngày.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6
Đáp: Phúc cho tất cả những ai mong đợi Chúa (Is 30, 18).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Hãy ngợi khen Chúa vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. – Đáp.
2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. – Đáp.
3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất. – Đáp.
Tin mừng: Mt 9, 35.10,5a.6-8
35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
5a Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: 6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.
7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.
8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Trái tim Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót trước những khổ đau bệnh tật của con người. Chúa tỏ lộ tình thương cứu độ bằng cách rao giảng Tin mừng và chữa lành mọi bệnh tật.
Cầu nguyện: Chúa ơi, trên thế giới này, có ai mà chẳng có lúc ốm đau bệnh tật. Có ai mà không bao giờ đau khổ. Bước chân ra khỏi nhà, con gặp ngay một người tàn tật ăn xin, áo quần rách nát. Trên đường đi, bên vỉa hè, ngoài phố chợ, trong bệnh viện, nơi gia đình, lạy Chúa, bao nhiêu kẻ bệnh hoạn tật nguyền: có những kẻ la lối than thân trách phận, lắm người rên rỉ chịu đựng bất đắc dĩ.
Con biết Chúa thương chúng con đau khổ. Trái Tim của Chúa giàu lòng thương xót luôn chia sẻ với bệnh tật của chúng con. Con xin Chúa cho các bệnh nhân và mọi người đau khổ được nhận ra Tin mừng lớn lao này là: chính họ đang được Chúa yêu thương, chính Chúa đang âm thầm cứu vớt nâng đỡ họ qua bàn tay ân cần của những người chung quanh họ, và chính Chúa đang ban sức mạnh để họ can đảm và vui tươi đón nhận gánh nặng bệnh tật. Và hơn nữa, xin cho họ hiểu rằng chính những đau khổ bệnh tật là cơ hội cho họ thông phần vào Thánh giá cứu độ của Chúa. Và như vậy cuộc sống họ dường như là tàn phế, là đồ bỏ đi, nhưng thực ra lại là sự cộng tác lớn lao để chống đỡ, thanh luyện và đền tội cho thế giới tội lỗi này. Hội Thánh luôn tìm thấy nơi họ một nguồn trợ lực và sức mạnh thiêng liêng cho hoạt động tông đồ của mình.
Con xin Chúa biểu lộ quyền năng và tình thương cứu độ họ. Và con cũng xin Chúa cho con biết góp phần mình để xoa dịu những nỗi đau thương của anh chị em con. Amen.
Ghi nhớ:“Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống…
Đoạn Tin mừng hôm Thứ Tư (Mt 15,29-37) đã cho ta biết 2 hoạt động của Chúa Giêsu vì “chạnh lòng thương” dân chúng, đó là cứu chữa những người bệnh và nuôi những người đói. Đoạn Tin mừng hôm nay cho biết thêm một hoạt động nữa của sự “chạnh lòng thương” ấy, đó là sai các tông đồ của mình đi truyền giáo cho dân chúng.
B…. nẩy mầm.
1. Chủ đề bài đọc Cựu Ước, và sẽ được ứng nghiệm rõ ràng trong đoạn Tin mừng: “Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin”.
2. Khi thấy dân chúng lầm than như bầy chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu “chạnh lòng thương” nên sai các tông đồ đi loan Tin mừng cho họ. Chỉ khi nào chúng ta “chạnh lòng thương” trước những người lương thì chúng ta mới hăng say loan Tin mừng cho họ.
3. “Chúa Giêsu phác họa ra một mẫu người truyền giáo đích thực: ra đi và tìm đến với người khác. Ra đi dĩ nhiên không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này đến nơi khác, mà thiết yếu là thái độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến với tha nhân”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
4. “Thấy đoàn lũ bơ vơ”: Cái thấy, cái nhìn của Chúa Giêsu đáng chúng ta chiêm ngắm. Một cái nhìn bao la bát ngát, “mình vì mọi người”, khác hẳn cái nhìn thiển cận, bo bo ích kỷ chỉ lo thu quén cho bản thân của chúng ta.
5. “Thấy dân chúng đông đảo, Đức Giêsu chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36)
“Trước đây tôi không phải là một kitô hữu. Tôi sống trong tuyệt vọng vì số phận đã bị kết án bởi sida. Thế rồi, nhờ một người bạn, tôi đã gặp Chúa. Bắt đầu từ một ánh mắt nhìn tôi, và tôi đã tin vào Chúa. Tôi đã tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, và nhận thức được giá trị đời mình ngay trong quãng đời vắn vỏi còn lại” (Thư của một bạn trẻ bị bệnh sida).
Chính sự cảm thông đã bừng lên niềm hy vọng và làm sống lại một cộc đời tưởng như đã bế tắc.
6. Mầm khác:
Hồi đó, Hoàng Đế Sabat cai trị vương quốc Ba Tư và rất được toàn dân mến phục. Nhà vua thường cải trang như một thường dân để tiếp xúc với dân chúng. Một hôm, nhà vua cải trang như một nhân công nghèo khổ lần mò các bậc thang để xuống tận dưới hầm tối của lâu đài là nơi cư ngụ của một cụ già chuyên lo việc củi lửa sưởi ấm cho cả lâu đài. Giường ngủ của cụ là đống tro tàn và lương thực hàng ngày là mẩu bánh mì đen với ly nước lã. Nhà vua đến ngồi bên cạnh cụ già và bắt đầu gợi chuyện. Đến bữa ăn, cụ già mời nhà vua chia sẻ mẩu bánh mì khô cứng thấm mềm trong ly nước lã. Cả hai cùng ăn và tiếp tục chuyện trò thân mật.
Nhà vua động lòng thương cụ già và từ ngày đó, nhà vua nhiều lần cải trang để đến thăm cụ. Riêng cụ già, tuy không biết lý lịch của người đến thăm mình là ai, nhưng vẫn tiếp tục đáp trả cử chỉ nhân đạo của nhà vua. Sau cùng, nhà vua tự nhủ: ta sẽ tỏ lộ cho cụ già này biết ta là ai, để xem ông ta sẽ xin ta điều gì. Ít hôm sau, nhà vua xuống hầm tối thăm cụ già trong y phục sang trọng và nói:
– Bấy lâu nay có lẽ ông tưởng ta chỉ là một công nhân ngèo khổ như ông, nhưng nay ta nói thật ta là vua, ta rất qúi mến tình bạn của ông, vậy ông muốn gì, cứ nói, ta sẽ ban.
Nhà vua tưởng cụ già sẽ xin tiền bạc hoặc ân huệ, nhưng ông chỉ ngồi yên lặng. Tưởng cụ già không hiểu mình nói gì, nhà vua cắt nghĩa thêm.
– Có lẽ ông chưa hiểu rằng ta là vua, ta có thể làm cho ông lên giàu sang, danh vọng.
Cụ già cúi đầu đáp:
– Tâu Hoàng Thượng, con đã hiểu tấm lòng của Hoàng Thượng trong những lần đến hầm tối này để thăm con và không ngần ngại chia sẻ với con mẩu bánh mì đen và ly nước lạnh. Đó là món quà cao qúi nhất rồi, con không muốn gì hơn nữa, con chỉ xin một điều là Hoàng Thượng đừng bao giờ lấy lại món qùa quí giá ấy bao lâu con còn sống trong cảnh cô đơn nghèo khổ này.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con một con tim rộng mở, luôn biết cảm thông và trân trọng anh em đồng loại, để thế giới tràn đầy niềm hy vọng (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Sứ mệnh truyền giáo (Mt 9,35–10,1.6-8)
- Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem bình an cho thân xác và tâm hồn con người. Ngài đi rao giảng Tin mừng Nước trời cho dân chúng để đem lại ơn cứu độ cho họ. Mối ưu tư hàng đầu của Ngài là làm cho mọi người được nghe biết Tin mừng. Mối ưu tư ấy đã được diễn tả trong lúc thổ lộ tâm tình với các môn đệ: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về”.
- Trong năm thứ nhất đời công khai, Đức Giêsu đã đi rao giảng nhiều nơi. Đi đến đâu Người cũng thấy dân chúng ở vào trường hợp đáng thương, vì họ bị những người lãnh đạo bắt giữ những luật khắt khe, và không dẫn họ đến hạnh phúc đích thực. Vì thế Đức Giêsu động lòng thương họ và gọi thêm các cộng sự viên, để cùng với Người chăm sóc dân chúng trong công việc truyền giáo.
- Đức Giêsu thi hành sứ vụ cứu thế bằng cách đi rao giảng Tin mừng Nước trời và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Người thi hành sứ vụ cứu thế như vậy là để trung thành với thánh ý của Chúa Cha và đồng thời trở nên gương mẫu cho các Tông đồ, và cho những người làm việc tông đồ sau này trong công tác truyền giáo. Đức Giêsu đi rao giảng nhiều nơi: có ý dạy những ai làm tông đồ truyền giáo phải biết di chuyển hết nơi này đến nơi khác, chứ không được cắm chốt một nơi nào như một độc quyền.
- Theo Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã phác hoạ ra một mẫu người truyền giáo đích thực: Ra đi và tìm đến với người khác. Ra đi dĩ nhiên không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này đến nơi khác, mà thiết yếu là thái độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến với tha nhân (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
Đức Giêsu nhắc cho các môn đệ, trong khi đi đến với những người khác, phải luôn có tinh thần xả kỷ quên mình vì Chúa đã nói: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”. Vì thế, Giáo hội luôn ý thức sứ vụ mục tử “chạnh lòng thương” và việc loan báo Tin mừng (x. Ad Gentes).
- Ra đi loan báo Tin mừng còn có nghĩa là ra đi khỏi con người của mình. Ra khỏi con người thiển cận, ích kỷ của mình, để mặc lấy cái nhìn nhạy cảm hơn trước sự hiện diện của tha nhân đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
Đây là bức thư của một bạn trẻ bị bệnh Sida: “Trước đây tôi không phải là một Kitô hữu. Tôi sống trong tuyệt vọng vì số phận đã bị kết án bởi Sida. Thế rồi, nhờ một người bạn, tôi đã gặp Chúa. Bắt đầu từ ánh mắt nhìn tôi, và tôi đã tin vào Chúa. Tôi đã tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, và nhận thức được giá trị đời mình ngay trong quãng đời vắn vỏi còn lại”.
Hãy xin Chúa cho chúng ta một con tim rộng mở, luôn biết cảm thông và trân trọng anh em đồng loại, để thế giới tràn đầy niềm hy vọng (Epphata).
- Giáo hội không ngừng nhắc nhở con cái mình tập trung góp phần vào việc truyền giáo, đồng thời phải nỗ lực thích ứng để có thể đem Tin mừng cho nhân loại trong thời đại mới. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi mọi thành phần trong Hội thánh “Hãy ra khơi truyền giáo” (x. Novo Millennio Ieunte).
Người Kitô hữu ra khơi truyền giáo bằng đời sống bác ái, dấn thân cho người nghèo, người cô thế cô thân, bằng gương sáng việc thiện giữa thế giới hôm nay. Đây là bằng chứng:
Một nhóm bạn trẻ từ nhiều quốc gia đang bàn thảo về cách làm cho Tin mừng của Chúa được lan rộng. Họ nói về sự tuyên truyền, về tài liệu và tất cả những cách phổ biến Tin mừng trong thế kỷ 20 này.
Một cô gái Phi châu nói: “Khi muốn truyền đạo cho một làng chúng tôi, chúng tôi không cho họ sách. Chúng tôi gửi một gia đình Kitô giáo đến sống trong làng. Và họ sẽ làm cho mọi người thành Kitô hữu”.
- Truyện: Đức tin sống động
Felix Frankfurter là một quan tòa nổi tiếng của toà án tối cao của Hoa Kỳ. Một lần kia ông được đưa vào bệnh viện, ở đó ông quen biết một y tá có tên là Lucy. Họ có những lúc ngồi nói chuyện thân mật và ông biết nhiều điều về Lucy.
Trước đó, chưa bao giờ ông gặp được người nào có lòng quảng đại và nhân hậu như chị. Và ông đã bắt đầu tự hỏi và suy nghĩ, cố gắng khám phá suối nguồn của thái độ của chị. Điều ông khám phá như sau: Suối nguồn ấy không có gì là bí ẩn. Nó đơn giản, chỉ là sự áp dụng thực hành đức tin của chị.
Lucy không bao giờ biết đức tin sống động của chị có ảnh hưởng như thế nào, nhưng chị đã làm cho Đức Giêsu hiện diện cụ thể trong bệnh viện này. Chị đem đến đôi bàn tay mà Đức Giêsu cần đến. Đức Giêsu cần những nhân chứng cho người ta như chị Lucy, đến nỗi Người có thể thành Đấng an ủi như Người muốn làm.
Một quan hệ thật sự với Đức Giêsu sẽ có một ảnh hưởng cả khi người có mối quan hệ ấy không đề cập đến Đức Giêsu. Dĩ nhiên, những người tin vào Đức Giêsu và yêu mến Người, cũng sẽ, khi thuận lợi, nói về Đức Giêsu một cách rõ ràng cởi mở (Flor McCarthy).
Tin tức liên quan khác
Học viện Công giáo Việt Nam: tiếp tục mở các khóa học ứng dụng chương trình Ngôn ngữ 2023
Đức cha Louis viếng thăm Mục vụ tại Giáo xứ Chúc A và Vĩnh Cư trong những ngày đầu năm dương lịch
Các Nông Dân Này Sẽ Cứu Thế Giới
Giới trẻ giáo xứ Tam Tòa – Nối kết với Mẹ để nối kết với Đức Kitô
Tòa Thánh lên tiếng về sự xúc phạm người Kitô giáo trong lễ khai mạc Olympic
Đức Thánh Cha: Cầu nguyện là hơi thở của đức tin
Khóa Thường Huấn Linh Mục Giáo Phận Hà Tĩnh Lần Thứ II – Năm 2023
Thông báo của Tòa Giám mục Ban Mê Thuột về việc tổ chức Thánh lễ Tấn phong Giám mục cho Đức cha tân cử Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc