“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư
và người Pharisêu giả hình!” (Mt 23, 13)
BÀI ĐỌC I (năm II): Tx 1, 1-5. 11b-12
“Ðể danh Chúa được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người”.
Khởi đầu thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Phaolô, Silvanô, và Timôthêu kính gửi lời thăm Giáo đoàn Thêxalônica trong Thiên Chúa là Cha chúng ta, và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh em. Anh em thân mến, tôi phải luôn luôn cảm tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, đó là điều phải lẽ, bởi vì anh em ngày càng thêm lòng tin và hết thảy anh em đều đầy lòng thương yêu nhau, đến nỗi chính chúng tôi cũng được hãnh diện trong các giáo đoàn của Chúa, vì anh em hằng kiên nhẫn và giữ lòng tin trong những cơn bắt bớ gian truân anh em phải chịu. Ðó là dấu chỉ về sự phán xét công minh của Thiên Chúa, để anh em xứng đáng vào nước Thiên Chúa, bởi anh em phải chịu khốn khó vì nước ấy.
Xin Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 4-5
Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân (c. 3).
Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới. Hãy ca mừng Chúa đi, toàn thể địa cầu! Hãy ca mừng Chúa, hãy chúc tụng danh Người.
Xướng: Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa muôn dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.
Xướng: Vì Thiên Chúa, Người hùng vĩ và rất đáng ngợi khen. Người khả uý hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh.
Tin mừng: Mt 23, 13-22
13 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.
14 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.
15 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người.
16 Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: ‘Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 17Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn?
18 Các người còn nói: ‘Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 19Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn?
20 Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. 21 Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. 22 Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu nghiêm khắc chỉ trích thái độ giả hình của nhóm kinh sư và biệt phái, họ sống đạo hình thức mà quên đi cái cốt lõi của đạo: lòng mến Chúa chân thật và yêu thương con người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã than trách nhóm kinh sư và biệt phái giả hình. Ngày hôm nay, con tự nghĩ Chúa cũng đang than trách chính con, vì con cũng có những tật xấu như họ. Thật vậy, con vẫn thường khắt khe đòi buộc người khác phải tuân giữ luật Chúa, còn con tự cho mình được miễn trừ. Con dạy người ta phải sống Tin Mừng, đang khi cuộc sống của con đầy dẫy những gương xấu. Con hăng hái làm các việc tông đồ, nhưng các việc làm của con nhằm vinh danh cho chính con hơn là cho Chúa. Con không để cho Chúa Thánh Thần soi sáng khi suy gẫm Lời Chúa, mà lại tùy tiện giải thích theo ý riêng con và có lợi cho con. Lạy Chúa, xin thương tha thứ cho con.
Xin cho con biết thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý, đừng để con rơi vào một thứ đạo hình thức và giả dối. Xin cho lời nói của con luôn đi đôi với việc làm, để những gì con muốn người khác làm cho con, con cũng làm cho họ như vậy. Xin cho ngọn lửa nhiệt thành nhà Chúa thôi thúc con để con hăng say dấn thân làm tông đồ cho Chúa và chỉ nhằm vinh danh Chúa mà thôi.
Và xin Thánh Thần Chúa thanh lọc khỏi con người con những ích kỷ, giả dối, kiêu căng và tham lam, để đời sống đạo của con theo tinh thần phúc âm, sẽ trở nên dấu chỉ cho mọi người nhận biết Chúa. Amen.
Ghi nhớ:“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Phân tích
Tin Mừng của ba ngày liên tiếp: hôm nay, thứ ba và thứ tư ghi 7 lời khiển trách nặng nề của Chúa Giêsu nhắm vào giới Biệt phái và nhóm Luật sĩ vì thói giả hình của họ. Đoạn hôm nay gồm ba lời:
1. Khóa cửa Nước Trời: câu 13
“Các ngươi đã khóa cửa Nước Trời. Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào các ngươi cũng không cho vào”: Các Kinh sư và Pharisêu là những người hiểu luật và giải thích luật nên thực sự họ là những người nắm giữ chìa khóa “Nước Trời.” “Nước Trời” ở đây có thể theo 2 nghĩa:
a/ Đó là Giáo Hội thập niên 80: Nhiều người Do Thái muốn gia nhập Giáo Hội nhưng bị các Kinh sư và Pharisêu ngăn cấm.
b/ Đó là Giáo Hội cách chung: những luật lệ do các kinh sư và Pharisêu đặt ra quá khắt khe và tỉ mỉ làm cho người ta khó mà giữ nổi nên không vào Giáo Hội. Chính họ không muốn vào Giáo Hội, còn những người khác muốn vào thì họ ngăn cản không cho vào.
2. Làm hại việc truyền giáo: Câu 15
“Khốn cho các ngươi hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi làm cho họ theo đạo rồi các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các ngươi”: những người Do Thái đặc biệt là nhóm kinh sư và Pharisêu, rất nhiệt thành truyền giáo. Nhưng họ không đưa người tân tòng đến với Thiên Chúa mà lại đưa vào não trạng hẹp hòi và lối sống hình thức của họ.
3. Dẫn đường mù quáng: câu 16-22
“Khốn cho những kẻ dẫn đường mù quáng”: những người Do Thái lo cho đám dân ngoại trở lại tự cho mình là “kẻ hướng dẫn những người mù”. Chúa Giêsu nói chính họ cũng mù không kém gì những người ngoại mới trở lại ấy. Họ là những người mù dắt người mù! Để lấy bằng chứng về sự dẫn đường mù quáng, Chúa Giêsu đề cập đến lời khấn hứa có kèm theo lời thề. Những kẻ hướng dẫn ấy bám lấy những lời thề. Mà những lời thề này đã bị bài giảng trên núi bác bỏ. Hơn nữa, do bị thúc đẩy bởi lợi nhuận của hệ thống kinh tài đền thờ, họ lại đưa ra nhiều cách giải thích theo ý muốn của họ. Vì thế chuyện thực hiện và giữ những lời khấn hứa trở thành một đạo đức giả. Chính những người dẫn đường mà đã đi lạc như thế thì những kẻ được họ hướng dẫn cũng sẽ lạc theo.
Suy gẫm
1. Khóa cửa Nước trời: Luật của Chúa Giêsu thì êm ái và nhẹ nhàng vì cốt lõi là tình thương. Thế nhưng nếu kẻ có quyền mà không có tình thương khi áp dụng luật thì thay vì luật dẫn người ta đi đến gần Chúa, lại đẩy người ta xa Chúa.
Ta hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo trong Giáo Hội và trong cộng đoàn chúng ta.
2. Truyền giáo là một việc làm khó khăn, nhưng giữ những người tòng giáo nhiệt thành theo Chúa là một việc làm khó hơn nhiều. Nhiều người lương hăng hái theo đạo vì thấy đạo dạy bác ái yêu thương. Nhiều người gia nhập cộng đoàn vì nghĩ cộng đoàn có tình yêu thương huynh đệ. Nhưng khi đã vào Giáo Hội hay cộng đoàn rồi. Nhiều người ê chề thất vọng vì thấy thực tế ngược lại hẳn những điều họ đã nghe “quảng cáo.”
3. Dẫn đường mù quáng: con đường chính của đạo là mến Chúa yêu người. Thế nhưng nhiều người không lưu ý đến điều đó mà chỉ chăm chú vào những chỗ tỉ mỉ của luật. Chẳng hạn khi ăn chay kiêng thịt thì những món nào được ăn. Món nào không được, trước giờ dự lễ mà lỡ uống nước trà có được rước lễ không? Nhiều người khác còn giải thích đạo là một cách mê tín dị đoan.
4. Sau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà, đứa con gái hỏi mẹ:
– Sao mẹ đuổi bố?
– Tại bố hư!
Để nó khỏi vặn vẹo lôi thôi, người mẹ mua cho nó cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ ngay một miếng bỏ vào mồm. Con bé khóc thét bắt đền. Người mẹ dỗ:
– Anh con hư quá. Nhưng thôi nín đi con, bỏ qua cho anh một lần đi.
Đứa bé phụng phịu:
– Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu?
Người mẹ nhìn xa xăm:
– Ừ, mẹ cũng hư.
5.”Khốn cho các người hỡi các kinh sư và Pharisiêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào” (Mt 23, 13).
Chúa muốn con yêu mến mọi người mà không giữ gì làm của riêng. Chúa muốn con nắm chặt bàn tay thân tình mà không giật lại cho mình.
Thế mà hình như con lại làm toàn những điều ngược lại.
Con có thể yêu người khác và sẵn sàng làm tất cả cho họ; thế nhưng kèm theo đó là gì?
Là những đòi hỏi, những điều kiện mà con muốn người khác phải trả cho con xứng với cái mà con đã làm cho họ. Hoặc giả như có một ai khác đến và chiếm lấy chỗ đứng của con trong tâm hồn họ, thì con lại tỏ ra ganh tỵ, hiềm khích và hơn thế nữa con có thể nêu tiếng xấu cho người đã cướp đi vị trí của con.
Vâng, con là thế đó. Con thường nghe người ta nói: mình không ăn được thì nên phá đi, đừng để kẻ khác chiếm lấy. Và con cũng thế.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa khiển trách các luật sĩ và biệt phái (Mt 23,13-22)
- Bài Tin mừng hôm nay nghe thật nặng nề, vì lời lẽ Chúa Giêsu nặng lời lên án những người thuộc nhóm biệt phái sống giả hình. Thế nhưng, suy rộng ra cách sống của họ không là cá biệt, mà nó phản ánh chính cuộc sống của không ít chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta cũng nhìn lại và suy gẫm về chính cuộc đời mỗi chúng ta lần lượt qua từng câu trong đoạn Tin mừng hôm nay.
- Hôm nay chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ lên án những tội của luật sĩ và biệt phái: giải thích lề luật một cách tỉ mỉ khiến không ai có thể giữ được; chất gánh nặng trên vai người khác, mà chính mình không muốn giơ ngón tay lay thử; làm bộ đọc kinh cho nhiều, nhưng lại toan tính nuốt cả tài sản người khác; tìm hư danh ngay cả trong việc truyền đạo; cắt nghĩa lời thề bằng những giải thích hoàn toàn có lợi cho mình, nhưng đó chỉ là cách giải thích tùy tiện theo ý loài người, chứ không tuân giữ lời Chúa.
- Ta có thể nhận thấy Chúa Giêsu lên án 5 cung cách đạo đức giả nơi người luật sĩ như sau: một là không muốn ai tiếp cận chân lý (c.13); hai là biến các tân tòng thành con cái hỏa ngục, qui về mình hơn là về Chúa (c.15); ba là an tâm tự tại với một số đồ dâng cúng, mà bỏ qua những điều cần phải tuân giữ cho đẹp lòng Chúa (cc 16-19); bốn là nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua những điều quan trọng hơn là công lý, lòng nhân lành và thành tín (cc.23-24); năm là chú trọng nghi thức thanh tẩy bên ngoài, mà bên trong đầy chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ (cc.25-26).
Sở dĩ các luật sĩ có những cung cách đạo đức giả đáng ghét này, vì họ muốn trục lợi vật chất, thích phô trương thanh thế, tôn thờ mình thay vì thật sự thờ phượng Chúa. Họ biết thế, nhưng họ không muốn làm theo điều mình lẽ ra phải làm, mà vẫn khư khư ôm chặt cái lợi về minh, nên bị Chúa quở trách là giả hình, giả hiệu (5 phút Lời Chúa).
- Các nhà sinh vật học đã tìm ra một loài bướm có đôi cánh rất lạ. Khi chúng bay, cánh có màu sắc rất sặc sỡ, nhưng khi chúng đậu, cánh lại có màu giống như chiếc lá khô. Nhờ sự thay đổi màu sắc ấy, loài bướm này dễ dàng đánh lừa kẻ thù và ít bị tấn công.
Trong thế giới tự nhiên có những loài vật biết ngụy trang và thay đổi bề ngoài để đánh lừa loài khác. Trong thế giới con người, cũng có những kẻ giả hình để lừa gạt người khác như vậy.
Đức Giêsu lên án gay gắt những kẻ giả hình. Họ là những người đứng đầu, lãnh đạo và đại diện cho dân, nhưng lại bị Ngài lên án vì lối sống giả tạo của họ. Sau lời chúc dữ, Đức Giêsu vạch trần lối sống giả hình của họ. Qua đó, Ngài muốn thức tỉnh họ, cũng như chúng ta hôm nay, hãy biết thay đổi mà sống chân thật với mình, và với Chúa (Học viện Đa Minh).
- Nói chung, các luật sĩ và biệt phái kiêu căng, háo danh, giả hình, ưa chuộng hình thức bên ngoài mà tâm hồn rỗng tuếch, nói và làm không đi đôi với nhau, như tục ngữ Việt Nam nói: “Khẩu Phật tâm xà” hay “Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm” để diễn tả những người mang mặt nạ giả danh đạo đức tốt lành bên ngoài với dụng ý che giấu lòng dạ hiểm độc bên trong: “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.
- Chúng ta hãy sống với Chúa như con đối với cha, đừng quá chú trọng đến lề luật. Mỗi khi làm một điều gì, câu hỏi trước tiên của chúng ta phải là: “Tôi làm như thế có đẹp lòng Chúa không?”, chứ không phải là: “Tôi làm như thế có đúng luật không?” Luật lệ chỉ là thước giữ cho con người khỏi đi quá trớn, chứ không phải để đo mức thánh thiện đạo đức của con người.
Xin Chúa cho chúng ta biết sống chân thành với Chúa, với tha nhân, với chính bản thân, để cuộc sống chúng ta thực sự phản ánh tình yêu Chúa qua những hành vi yêu thương phục vụ của chúng ta.
- Truyện: Nhà tu hành bất đắc dĩ
Trong kho tàng truyện cổ của Ấn độ, có câu chuyện này: Một nhà phú hộ kia có một hồ cá rất lớn. Ông cho thả rất nhiều cá ở đó. Một đêm kia có một tên ngư phủ nghèo lén vào trong hồ cá của ông, để thả lưới tính bắt trộm cá. Thế nhưng, chưa kịp kéo lưới thì người giàu đã phát hiện ra có người đang tính bắt trộm cá của ông. Ông cho gia nhân của ông bổ đi khắp nơi, quanh cái hồ mênh mông của minh, để tìm cho bằng được tên trộm.
Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả. Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó, y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ. Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm đâu, mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình suy tư và cầu nguyện.
Chỉ một ngày hôm sau, tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng: có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ. Thế là thiện nam tín nữ từ các ngả đường đổ xô đến gốc cây, để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Không mấy chốc mà quà cáp đổ tràn lan chung quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.
Nhà tu hành mới nhủ thầm trong bụng: thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì. Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai tu hành, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.
Người đánh cá bất đắc dĩ phải trở thành vị tu hành trên đây cũng có thể là một hình ảnh không xa lạ bao nhiêu đối với chúng ta. Một cách nào đó, có khi chúng ta cũng tự sơn vẽ cho mình một chiếc áo đạo đức, để đánh lừa bà con và đánh lừa chính mình.
Tin tức liên quan khác
ĐTC mời gọi các tín hữu Hàn Quốc tái khám phá ơn gọi “tông đồ hoà bình”
Thứ Ba tuần 27 Thường niên năm I – Tất bật công việc (Lc 10, 38-42)
Chương trình chuyến Tông du của Đức Thánh Cha tại Marseille
ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh Lễ ở Verona: “Chúa Thánh Thần thay đổi cuộc sống của chúng ta”
ĐTC Phanxicô: Những người “của” Đức Thánh Cha phải có đặc sủng hiệp thông
Kinh Truyền Tin (15/8): Đức Mẹ – mẫu gương phục vụ và ngợi khen
Lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael (ngày 29 tháng 9)
Caritas Việt Nam: Hội Nghị Thường Niên 2024 – Ngày I