Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện
hay người chia gia tài cho các anh ?”.
(Lc 12,14)
BÀI ĐỌC I (năm I): Rm 4, 20-25
“Có lời đã chép vì chúng ta là những kẻ được kể là tin vào Người”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không nao núng, mặc dầu ông nhìn đến thân xác cằn cỗi của mình, — vì ông đã gần trăm tuổi, — và tuổi già tàn tạ của Sara. Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa; trái lại, ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, “việc đó đã được kể cho ông là sự công chính”.
Và khi chép rằng “Ðã được kể cho ông”, thì không phải chỉ chép vì ông mà thôi, mà vì chúng ta nữa, là những kẻ tin vào Ðấng đã cho Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, từ cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công chính hoá.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75
Ðáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người
Xướng: Chúa đã gầy dựng cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa.
Xướng: Ðể giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Người.
Xướng: Lời minh ước mà Người tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Người cho chúng tôi được không sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Người trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Người, trọn đời sống chúng tôi.
Tin mừng: Lc 12, 13-21
13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” 14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?”
15 Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”
16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’
18 Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’
20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?’
21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Lòng ham muốn, thu góp và chiếm hữu tiền bạc của cải, là một trong những trở ngại lớn nhất ngăn cản đường vào Nước Trời. Ta hãy lo làm giàu trước mặt Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhiều lần Chúa đã nhắc nhở chúng con đừng lo đắm mình trong cuộc sống trần gian. Thật vậy, cuộc sống con người chưa chấm dứt với cái chết, mà phần sau của cuộc sống trần gian mới là cuộc sống đích thực. Và hạnh phúc đời sau không lệ thuộc vào của cải vật chất đời này, tiền bạc không bảo đảm cho con người sống mãi.
Lạy Chúa, trong thế giới hôm nay, người ta coi tiền bạc là quyền lực tối thượng, là chìa khóa vạn năng để mở cánh cửa danh vọng và hạnh phúc. Con cũng không muốn bị khinh bỉ vì nghèo. Con muốn được trọng vọng, được sung sướng, nên cũng không ngại chạy theo tiền bạc, và bằng đủ mọi cách thu góp càng nhiều càng tốt. Nhưng rồi có bao giờ tâm hồn con được bình an đâu, vì lòng ham muốn không khi nào được thỏa mãn. Quả thật, con là kẻ điên rồ như người phú hộ trong dụ ngôn.
Lạy Chúa, cuộc sống của con vẫn cần cơm bánh, và sự nghèo đói vẫn là một mối bận tâm lớn. Nhưng như Lời Chúa dạy, còn có cái cần thiết và chính đáng hơn mà con phải tìm kiếm, phải tích lũy, đó là làm giàu trước mặt Thiên Chúa, làm giàu cho cuộc sống mai sau.
Xin cho con trong cuộc sống hiện tại biết lo phát triển đời sống đức tin, lo thu tích những việc lành do lòng bác ái và quảng đại. Xin dạy con biết sử dụng tiền bạc của cải để biểu lộ tình yêu thương chia sẻ với anh em cách chân thành. Những việc lành phúc đức sẽ là hành trang nhỏ bé giúp con tiến về Nước Trời mai sau. Amen.
Ghi nhớ:“Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai ?”
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
1. Vấn đề của đoạn Tin Mừng này được gợi lên từ việc anh em tranh dành gia tài.
2. Dụ ngôn nói tới một người phú hộ đã lo tích trữ được rất nhiều của cải và cho rằng từ nay cuộc đời mình sẽ được bảo đảm.
3. Nhận định của Chúa Giêsu về người phú hộ đó: hắn là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền để mà bảo đảm cho cuộc đời mình. Người khôn phải dùng của cải không bền ở đời này mà làm phúc để mua lấy của cải bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Gc 4,13–5,6: Thánh Giacôbê đã hiểu đoạn Tin Mừng này như thế nào ?
2. Con người có khuynh hướng tạo an toàn cho mình, bằng tiền bạc, bằng bảo hiểm, bằng dự trữ v.v. Nhưng tất cả những thứ mà con người tưởng là an toàn ấy có thể sụp đổ tan tành trong một sớm một chiều. Như thế sự an toàn của con người không nằm trong tầm tay của con người. Nó nằm trong bàn tay của Chúa. Do đó an toàn nhất là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (câu 21).
3. Có hai cách xài tiền đưa đến hai kết quả khác nhau:
a/ Xài một cách ích kỷ cho riêng mình ; kết quả: không bảo đảm cho sự sống đời đời ;
b/ Dùng tiền để “làm giàu trước mặt Chúa”: kết quả là sự sống đời đời được bảo đảm.
4. Tiền:
Người công nhân đồ mồ hôi để có được nó
Kẻ hoang phí thì đốt nó
Chủ ngân hàng đem nó cho vay
Đàn bà xài nó
Kẻ lưu manh làm giả nó
Nhân viên thuế vụ lấy nó
Người hấp hối lìa bỏ nó
Kẻ thừa kế tiếp thu nó
Người tiết kiệm để dành nó
Người keo kiệt thèm khát nó
Kẻ ăn trộm chộp lấy nó
Người giàu gia tăng nó
Người cờ bạc bị mất nó
Phần tôi thì dùng nó (Quote)
5. Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói: “Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất. Ông già nghèo đem con ngỗng vào nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhín vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông được thêm một trứng ngỗng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái. Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho tới hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại, và nói: “Trước đây tôi đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao ? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả” (Aesop).
6. Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi mới nghĩ bụng rằng: “Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” (Lc 12,16.19-20)
Trong mớ giấy tờ còn lại của một viên sĩ quan chết ở thế chiến thứ nhất, người ta đã thu nhặt được lời kinh này:
“Lạy Chúa Giêsu, ngay từ bây giờ con chấp nhận cái chết từ bàn tay Chúa… Con ước ao chết đi để hoàn toàn bị tước đoạt tự do và nhờ thế trở nên trọn vẹn là của Ngài… Con ước ao chết đi bởi vì con phó thác vào tình Chúa vô bờ bến. Nhưng lạy Chúa Giêsu, con là của Ngài, con sẵn sàng làm việc cho Ngài lâu hơn nếu Chúa cho con sức mạnh. Con không muốn chết để chạy chốn đau khổ… Lạy Chúa, xin làm cho con điều Ngài muốn, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen”
Tôi thật cảm động và khó quên trước cái chết của những người đang sống đẹp, sống tốt. Và tôi thật khâm phục trước cái chết của những người sẵn sàng với giờ chết, vì thấy mình đã sống trọn vẹn cho đời.
Cầu nguyện:
Giêsu ơi, như ngài đã dạy chúng con, chết không phải là hết, nhưng chỉ là đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Xin giúp con biết sống trọn vẹn ở đời này. để con khỏi ngỡ ngàng trước phúc Thiên Đàng Chúa đang chờ con. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Đừng ham mê của cải vật chất (Lc 12,13-21)
- Trong lúc Đức Giêsu đang giảng, có một người trong đám đông lên tiếng xin Người xử việc hai anh em ruột tranh nhau phần gia tài. Đức Giêsu không xử vì điều đó không thuộc sứ mệnh của Người. Nhân dịp này, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn người phú hộ giàu có lo tích trữ được rất nhiều của cải và cho rằng từ nay cuộc đời mình sẽ được bảo đảm. Người bảo họ là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền để mà bảo đảm cho cuộc đời mình. Người khôn phải dùng của cải không bền ở đời này mà làm phúc, để mua lấy của cải bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời.
- Tin mừng hôm nay thuật lại sự việc hai anh em tranh chấp gia tài, không thoả đáng nên nhờ Đức Giêsu can thiệp. Nhân dịp này, Chúa dạy dân chúng đừng ham mê của cải đời này quá đáng, vì của cải không phải là nguồn mạch sự sống mà Thiên Chúa mới là nguồn mạch sự sống. Hơn nữa, của cải vật chất có sức lôi kéo mạnh mẽ làm cho con người ta dễ dàng đi tới chỗ ích kỷ và tìm hưởng thụ để thoả mãn mọi khoái lạc trần thế. Đức Giêsu không ngăn cấm chúng ta làm giàu, vì của cải cần thiết cho đời sống, đồng thời khi nỗ lực làm giàu là chúng ta cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, làm cho trái đất sinh nhiều hoa lợi để phục vụ nhân loại. Nhưng Chúa chỉ cảnh giác chúng ta phải biết sử dụng của cải vật chất để làm giàu cho sự sống đời đời (5 phút Lời Chúa).
- Giầu của cải không đảm bảo cho sự sống đời đời
Dụ ngôn Đức Giêsu kể về một người giàu có an thân thoả mãn trên đống của cải trong kho lẫm, rồi tự cho phép linh hồn mình được “nghỉ ngơi”, nhưng nếu Chúa gọi bất thình lình, thì “tay trắng hư không” ra đi vào cõi diệt vong. Thật vậy:
Khi chúng ta đi về nơi an nghỉ
Những gì thu góp chẳng còn chi
Sẽ mất hết những gì ta xài phí
Chỉ còn lại những gì đã cho đi.
Ham mê của cải như ông phú hộ trong dụ ngôn là chỉ lo làm giàu trước mặt người đời, lo tích trữ của cải đời này, mà không lo cho phần rỗi đời sau. Của cải vật chất tự nó không xấu, siêng năng làm việc để có của cải luôn là điều tốt. Thế nhưng, chúng ta không được phép dừng lại ở đó để hưởng thụ và an thân bám víu vào nó, mà phải biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.
- “Ta chỉ giàu có nhờ những gì cho đi, và chỉ nghèo do những gì ta từ chối” (Triết gia Emerson). Trong từ điển của ông phú hộ trong câu chuyện Tin mừng không có từ “cho đi”. Ông từ chối Chúa và người lân cận, vì lo chất thóc lúa cho đầy kho lẫm, cũng như đầy “kho” ăn uống vui chơi, hưởng thụ cho mình. Không lạ gì ông trở nên nghèo nàn trước mặt Chúa. Hẳn ông đã quên bài học cơ bản này: làm giàu trước mặt Chúa bằng cách cho đi, chứ không phải qua việc tích trữ; bằng cách hướng về Chúa và người khác, chứ không phải chỉ qui về mình. Coi chừng giữ mình khỏi mọi thứ tham lam là điều ai trong ta, giàu hay nghèo, phải ghi nhớ mỗi ngày.
- Hãy biết chia sẻ
Chúa dạy chúng ta: “Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Cái làm cho chúng ta giàu có trước mặt Thiên Chúa không phải là chúng ta có gì hoặc là làm gì, nhưng chúng ta là gì.
Antoine de Saint-Exupéry nói: “Khi giờ cuối cùng của bạn giáng xuống, bạn chỉ nên dựa vào điều mà bạn đã trở thành”.
Có hai cách xài của cải đưa đến hai kết quả khác nhau:
a) Xài một cách ích kỷ cho riêng mình, kết quả là không bảo đảm cho sự sống đời đời.
b) Dùng tiền của để làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì kết quả là sự sống đời đời được bảo đảm.
Thực ra, khi người giàu chia sẻ của cải cho người nghèo, cũng chỉ là bổn phận của người quản lý mà thôi. Augier đã nói một câu chí lý: “Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quỹ của người nghèo”. Vì thế, không ai “ê hề của cải, dư xài nhiều năm” mà “cứ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12,19) chính là những kẻ ăn cắp.
- Truyện: Rồi sao nữa ?
Ngày xưa, thánh Philipphê Nêri muốn thuyết phục Phanxicô Spazzaro, một sinh viên Rôma, đã hoàn toàn tin tưởng ở sự hướng dẫn của ngài về một chân lý ngàn năm. Một hôm Phanxicô Spazzaro hớn hở báo tin cho ngài biết mình đã thành công rực rỡ trên đường khoa nghiệp. Thánh nhân trả lời:
– Khá lắm. Cha xin mừng với con. Nhưng rồi con sẽ làm gì ?
– Con sẽ làm trạng sư, sẽ biện hộ ở tòa án.
– Rồi sao nữa ?
– Con sẽ có nhiều tiền.
– Rồi sao nữa ?
– Con sẽ lập gia đình.
– Rồi sao nữa ?
– Con sẽ sống hạnh phúc.
– Rồi sao nữa ?
Chàng sinh viên suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
– Rồi… rồi con cũng sẽ chết như bất cứ ai khác.
– Rồi sao nửa ?
Chàng sinh viên im lặng bỏ đi, trầm tư và u buồn. Tuy nhiên, câu hỏi cứ nhắc đi nhắc lại mãi, chàng cứ bị ám ảnh hoài. Và để bảo đảm cho cái “Rồi sao nữa” kia, cuối cùng, chàng từ giã đường trần khoác áo tu trì.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Tại một tiệm bán thực phẩm cho các loài chim, chủ tiệm khi bắt được con phượng hoàng, vì muốn thu hút khách hàng nên đem phượng hoàng nhốt vào cái lồng lớn đặt trong tiệm.
Một hôm, có hai ông cháu từ miền núi xuống thành phố mua đồ. Khi đi ngang qua tiệm, vừa trông thấy con chim phượng hoàng bị nhốt trong lồng, ông động lòng thương hại, liền ngỏ ý với ông chủ tiệm xin mua con chim ấy. Không để mất cơ hội, ông chủ tiệm đòi giá tiền thật cao.
Không một lời trả giá, người khách hàng đi thẳng tới ngân hàng rút số tiền cần thiết và trở lại tiệm mua con chim phượng hoàng. Ông già miền sơn cước vui mừng ẵm con chim trên tay bước ra khỏi tiệm. Vừa bước chân tới quãng đường vắng, ông liền mở tay ra để chim được tự do bay bổng giữa bầu trời mênh mông.
Ngạc nhiên trước việc làm của ông, đứa cháu tò mò lên tiếng hỏi: “Thưa ông nội, tại sao ông lại sẵn sàng hy sinh một số tiền lớn như vậy để chuộc và trả tự do cho con chim phượng hoàng”. Ông vui vẻ đáp: “Cháu hãy ghi lòng tạc dạ điều này: Trên đời, giàu sang không chỉ căn cứ trên những gì mình có thể chiếm đoạt được mà thôi, nhưng chính là trên những gì mình cần phải cho đi, để có thể thực hiện được điều tốt lành cần phải làm” (Theo Radio Veritas).
Suy niệm
Sau một vụ mùa bội thu, mối bận tâm lớn nhất của ông phú hộ mà Chúa Giêsu đã trình bày trong dụ ngôn là tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình, vì kho cũ không đủ sức chứa nữa. Cuối cùng, ông đã tìm ra giải pháp là phá kho cũ và làm kho mới lớn hơn, rồi đưa tất cả hoa màu, của cải nhập kho, khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm. Với những cái kho lớn chứa đầy hoa màu và của cải, người phú hộ tha hồ vui chơi, ăn uống chè chén say sưa. Ông thấy mình có tất cả dư thừa vật chất nên chẳng sợ đói và cần nhờ vả đến ai, đến Chúa cũng chẳng cần và sợ nữa. Vì tất cả của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc, không thiếu thốn cả đời, nơi đó ông đặt lòng mình (Lc 12,34). Nhưng thật ra có bền vững hay không ? Trộm cắp, cướp bóc, bão lụt, hỏa hoạn… có thể làm tiêu tan những gia tài của ông. Dù ông có giữ được bên mình với cái kho đầy rẫy của cải, khỏi những phong ba cuộc đời, ông cũng đâu ngờ rằng cái chết sẽ làm cho ông ra đi trắng tay tất cả.
Dụ ngôn thật sâu sắc truyền cho chúng ta sứ điệp: Lo lắng cho kho vật chất của mình là việc phải làm nhưng đó không phải là mục đích của sự hiện hữu của con người trong cuộc sống. Còn một mối bận tâm khác là kho tàng trên trời như thánh Phaolô đã khai triển cụ thể: “Anh em hãy tìm những sự trên trời” (Cl 3,2), nghĩa là làm giàu trước mặt Thiên Chúa, vì có đầy của cải mà không lo đời sau thì cũng bằng không trước Thiên Chúa như Đức Giêsu khẳng định: “Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”, tức là của cải đầy rẫy trong kho nhưng ra đi vẫn cứ hai bàn tay trắng trước mặt Thiên Chúa. Vâng, tất cả chỉ là: “Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không” (Gv 1,2), như lời sách Giảng Viên vang vọng.
Hãy lo “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Sự giàu có lâu bền, vĩnh cửu; chứ không phải của đời này chóng qua, phù vân và bấp bênh. Sự giàu có là sống trọn vẹn với quy luật của “Kho Nước Trời”: “Đón nhận và mở rộng ban phát”. Ban phát như nguồn nước từ mưa và từ rừng thượng nguồn, rồi nguồn nước ban phát nước cho những con suối mang chia sẻ cho đồng ruộng và cuộc sống con người.
Xin cho mọi cố gắng của tôi, của bạn trong đời sẽ mãi như là những giọt nước mãnh liệt không khép kín trong hồ, nhưng luôn tuôn trào trong hành trình về với biển cả.
Ý lực sống
“Cho là nhận… khi chết đi là khi vui sống muôn đời” (Thánh Phanxicô D’Asisi).
Tin tức liên quan khác
Đại lễ khánh thành các công trình ân phúc tại Giáo xứ Nhân Thọ
Ngày 06/08: Chúa Giêsu Hiển Dung năm A – Đến với Chúa (Mt 17,1-9)
Đức Thánh Cha mời gọi dành tháng 10 để cầu nguyện cho hòa bình ở Ucraina
Diễn văn của ĐTC trong buổi gặp các giám mục, các linh mục và phó tế, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ
Hoa nở Mùa Chay
Hai lời hứa của Chúa Kitô
Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Bài giảng Thánh Lễ do ĐTC Phanxicô chủ sự tại Mông Cổ