Thứ Hai tuần 3 mùa Chay – Ngôn sứ (Lc 4,24-30)

“Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào
được chấp nhận tại quê hương mình”. (Lc 4,24)

 

BÀI ĐỌC I: 2 V 5, 1-15a

“Có nhiều người phong cùi trong Israel, nhưng không có một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Naaman, tướng đạo binh của vua xứ Syria, là người có uy thế đối với vua và được tôn trọng, vì Chúa đã dùng ông mà cứu dân Syria; ông còn là người hùng mạnh và giàu có, nhưng lại mắc bịnh phong cùi. Lúc bấy giờ một vài toán dân Syria bắt một thiếu nữ ở đất Israel dẫn về để hầu hạ bà Naaman. Cô ta nói với bà chủ: “Chớ chi ông chủ tôi đến gặp vị tiên tri ở Samaria, chắc chắn vị tiên tri ấy sẽ chữa ông khỏi phong cùi”. Naaman đến tâu vua rằng: “Cô nhỏ xứ Israel đã nói thế này thế này”. Vua xứ Syria liền nói: “Khanh hãy đi, trẫm sẽ gởi cho vua Israel một bức thơ”. Naaman ra đi, mang theo mười lạng bạc, sáu ngàn nén vàng và mười bộ áo. Ông trao cho vua Israel bức thơ nội dung như sau: “Khi bức thơ này đến tay nhà vua, nhà vua biết tôi sai Naaman, tôi tớ tôi, đến với nhà vua, để xin nhà vua chữa ông khỏi phong cùi”.

Sau khi đọc bức thơ, vua Israel liền xé áo và nói: “Ta có phải là Chúa, có thể giết chết và cho sống hay sao mà vua ấy gởi người đến xin ta chữa lành phong cùi ? Các ngươi thấy không, vua ấy tìm cớ hại Ta đó”. Khi Êlisêô, người của Thiên Chúa, nghe tin vua Israel đã xé áo mình, nên sai người đến tâu vua rằng: “Tại sao nhà vua lại xé áo ? Ông ấy cứ đến với tôi thì sẽ biết trong Israel có một vị tiên tri”.

Naaman lên xe ngựa đi, và dừng lại trước cửa nhà Êlisêô. Tiên tri nói với Naaman rằng: “Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Giođan, thì da thịt ông sẽ được lành sạch”. Naaman nổi giận bỏ đi nói rằng: “Tôi tưởng ông ấy ra đón tôi và đứng trước tôi kêu cầu danh Chúa là Thiên Chúa của ông, rồi đặt tay lên chỗ phong cùi của tôi và chữa tôi lành mạnh. Các con sông Abana và Pharphar ở Đamas không sạch hơn các con sông ở Israel để tôi tắm và được lành sạch hay sao ?” Ông trở về lòng đầy tức giận.

Các đầy tớ của ông đến nói với ông rằng: “Thưa cha, vị tiên tri có yêu cầu cha làm một việc lớn lao thì cha cũng phải làm. Phương chi bây giờ người bảo cha: ‘Hãy đi tắm, thì được sạch’ “. Naaman xuống tắm bảy lần ở sông Gio-đan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Đến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 41, 2. 3, và Tv 42, 3. 4

Đáp:Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời ? (x. Tv 41, 3)

Xướng:

1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi!- Đáp.

2) Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời ?- Đáp.

3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài.- Đáp.

4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ, mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con.- Đáp

 

Tin mừng: Lc 4, 24-30

(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình.

Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà góa ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi.

Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp:Chúa Giêsu đã gặp chống đối ngay tại quê hương, nơi những người thân không chấp nhận đường lối và cách thức Chúa thể hiện sứ mạng cứu độ. Chúng ta đừng bao giờ khước từ hoặc chống lại Chúa.

Cầu nguyện:Lạy Chúa, chỉ người nào có đức tin mới hiểu được đường lối của Chúa. Và chỉ kẻ nào có lòng yêu mến mới đón nhận được tình thương của Chúa. Chúa ơi, chắc chắn Chúa rất đau lòng khi đứng trước thái độ của người đồng hương. Họ không đón nhận, không nghe những lời Chúa giảng dạy, không muốn sự có mặt của Chúa. Họ đã đuổi Chúa ra khỏi hội đường, ra khỏi thành, nhẫn tâm đưa Chúa lên triền núi để xô xuống vực thẳm.

Lạy Chúa, con thấy hình ảnh đó vẫn diễn ra hằng ngày trong bối cảnh thế giới hôm nay, trong tầng lớp Kitô hữu là những người thân thuộc của Chúa. Chúa đang bị từ chối nơi biết bao người nghèo hèn, nơi những kẻ bị bỏ rơi, nơi những quốc gia đang bị kỳ thị chủng tộc, phân biệt giàu nghèo, hận thù dai dẳng.

Chính con cũng bao lần từ chối Chúa khi con từ chối giúp đỡ anh em. Con đã đẩy Chúa ra khỏi tâm hồn khi con ngụp lặn trong đam mê tội lỗi, khi con không chịu hồi tâm, không chịu ăn năn sám hối để trở về với Chúa. Con cũng đã không đón nhận Chúa khi con không chấp nhận Ý Chúa mà chỉ muốn Chúa đáp ứng lời con cầu nguyện theo ý con.

Lạy Chúa, xin tha thứ những lỗi lầm của con và xin cho con luôn mở rộng tâm hồn để đón tiếp Chúa. Xin ban cho con một trái tim yêu thương biết đón nhận Chúa nơi anh em, để trong từng giây từng phút của ngày sống, trong từng công việc dù nhỏ bé, mọn hèn, con đều có Chúa hiện diện bên con. Amen.

Ghi nhớ: “Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

1. Bài đọc I kể chuyện ngôn sứ Êlisê chữa bệnh cùi cho Naaman một người ngoại đạo.

2. Bài Tin Mừng cũng nhắc lại câu chuyện trên và còn nhắc thêm chuyện ngôn sứ Êlia giúp cho một bà góa – cũng ngoại đạo- ở xứ Sarépta khỏi đói trong thời kỳ hạn hán.

3. Như thế, Lời Chúa hôm nay muốn nói rằng Chúa không thiên vị ai, Ngài ban ơn cho tất cả mọi người, cho dù người ngoại nhưng nếu tin vào Chúa thì Ngài cũng ban ơn. Còn kẻ có đạo nhưng không tin thật thì không đáng lãnh nhận ơn Ngài.

 

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Vì kiêu căng, ban đầu, tướng Naaman không chịu đến với một ngôn sứ xứ Israel nhỏ bé. Cũng vì kiêu căng, ông không chịu đi tắm ở sông Giođan nhỏ bé. Nhưng sau đó, nhờ khiêm tốn nghe theo lời khuyên của những người đầy tớ nên ông đã chịu đến với Êlisê và đã được khỏi bệnh cùi. Câu chuyện này cho thấy nét tương phản rõ rệt và hậu quả khác nhau giữa kiêu căng và khiêm tốn.

2. Đối với những người đồng hương ở Nadarét, Chúa Giêsu ưu ái nhưng không thiên vị. Ưu ái và thiên vị khác nhau. Vì ưu ái họ nên Chúa chọn Nadarét làm nơi Ngài công bố chương trình cứu độ của Ngài, vì ưu ái họ nên Chúa muốn ban cho họ ơn lớn nhất là đức tin. Nhưng Chúa không thiên vị: nếu họ không tin thì Ngài không làm phép lạ cho họ.

3. Có lẽ mãi đến thời nay nhiều người vẫn còn nghĩ cách hẹp hòi là Thiên Chúa chỉ thương những người “có đạo”, còn “kẻ ngoại” thì bị bỏ ra rìa. Thực ra Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Ngày nay vẫn có những người như bà góa xứ Sarépta và tướng quân Naaman được Chúa thương đến. Còn những người có đạo cũng có thể giống như dân làng Nadarét, bị “Chúa tiến qua giữa họ mà bỏ đi”.

4. Kết thúc không đẹp của câu chuyện Tin Mừng hôm nay là do những người làng Nadarét có thái độ chỉ muốn thu vào mà không biết mở ra. Nói rõ hơn: họ chỉ chờ được ban ơn, không biết mở rộng cõi lòng để tin Chúa Giêsu, cũng không nghĩ đến dân ngoại đàng cần ơn cứu độ.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa bị quê hương từ chối(Lc 4,24-30)

  1. Đức Giêsu trở về quê hương, vào hội đường Nazareth ngày thứ bảy. Người ta trao cho Ngài sách tiên tri, để Ngài đọc và giải thích. Lúc đầu họ cảm phục tài hùng biện và dáng vẻ thuyết phục của Ngài. Nhưng sau, họ bực tức, vì thấy Ngài ưa thích Capharnaum, nơi dân ngoại nhiều hơn quê mình. Trước thái độ đó, Đức Giêsu tỏ bày cho dân làng biết sứ vụ thiên sai của Ngài.

Đồng thời Chúa cũng cho họ biết rằng Ngài không thiên vị ai, Ngài ban ơn cho tất cả mọi người, cho dù người ngoại nhưng nếu tin vào Chúa thì Ngài cũng ban ơn. Còn kẻ có đạo nhưng không tin thật thì không đáng nhận ơn Ngài.

  1. “Tôi bảo thật các ông…”

Đức Giêsu dựa vào câu ngạn ngữ này để diễn tả thân phận của Ngài tại quê hương:

Gần chùa gọi bụt bằng anh.
Bụt nhà không thiêng.
Quen quá hoá nhàm.

Thật vậy, những người đồng hương trong làng Nagiarét tưởng rằng, họ đã biết rõ Ngài: gốc gác, lý lịch; người đã từng chung sống, đọc kinh cầu nguyện chung từ tấm bé. Nên họ chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài, mà không thấy được Thiên tính của Ngài để tin vào Ngài.

  1. “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay…”

Để dẫn chứng cho ý nghĩa cho câu ngạn ngữ trên đây, Đức Giêsu đã trưng ra hai sự kiện có tính lịch sử, để hiểu:

– Tiên tri Êlia đã không được sai đến để cứu đói cho bà goá nào trong dân Israel, ngược lại, cứu đói cho bà góa thành Sarepta miền Siđon là dân ngoại.

– Tiên tri Êlisê cũng không được sai đến chữa lành bệnh phong cho người nào trong dân Israel, nhưng lại được sai đến chữa trị cho Naaman, người Syria, cũng là dân ngoại.

Hai sự kiện trên muốn nêu lên rằng: các tiên tri tuy thuộc dân Israel, nhưng không được dân mình thiện cảm, lại được thiện cảm nơi dân ngoại, vì thế, dân ngoại được hưởng nhờ. Cũng vậy, Đức Giêsu không được thiện cảm nơi người đồng hương, vì họ đòi hỏi hơn là đón nhận Người. Còn dân ngoại ở Capharnaum tin nhận Ngài, nên được hưởng nhờ ân sủng qua các phép lạ Ngài làm.

  1. “Ơn cứu độ được dành cho mọi người”

Qua sự kiện của tiên tri Êlia và Êlisê, chúng ta nhận ra rằng: Điều kiện để được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa, là đức tin và ý hướng tốt lành. Vì vậy, dù là Israel hay dân ngoại, nếu biết tin nhận vào Đức Giêsu, và có ý hướng tốt lành thì đều được hưởng ơn cứu độ.

Qua hai sự kiện trong Cựu ước, Đức Giêsu nói đến thái độ không tin cố chấp của người đồng hương. Họ biết rõ về Ngài hơn hết, vì định kiến ganh ghét nên họ không tin vào Ngài, cho nên chính họ không xứng đáng hưởng ơn cứu rỗi dành cho tất cả những người tin và đón nhận dù là người ngoại bang. Ngài tự so sánh mình với Êlia và Êlisê. Êlia đã bỏ những người đồng hương của ông, để đi cứu giúp bà góa Sarépta thuộc xứ Siđon dân ngoại, vì bà tiếp đón ông đang khi những người đồng hương lại không hiểu và chống đối ông. Rồi Naaman người Syria vì tin, đến với tiên tri Êlisê và được chữa lành khỏi bệnh cùi, còn những người đồng quê với tiên tri lại càng cứng lóng tin.

  1. Hãy tránh thành kiến cố hữu.

Dân làng Nazareth dù đã được cảnh báo, nhưng tâm trí của họ vẫn không thức tỉnh, không thoát khỏi định kiến “đồng hương” và trái lại cao trào định kiến bằng giận dữ dẫn tới toan tính loại trừ Ngài, khi đưa Ngài lên núi cao mà xô vào vực thẳm. Và cuộc sống của mọi người chúng ta cũng đã từng ít nhiều mang định kiến dẫn đến sự loại trừ nhau… mang con tim hận thù.

Như chúng ta đã biết, thành kiến hay định kiến là ý kiến đã có lâu không thể thay đổi được. Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của con người không ai thoát khỏi: “Bụt nhà không thiêng”. Chúng ta hằng to tiếng lên án cái lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hằng căn cứ vào những cái bên ngoài mà đánh giá thiên hạ. Cùng một câu văn, một lời nói, một việc làm do người này thì có giá trị, do người kia thì lại vô duyên, do người này thì hay đáo để, do người kia thì dở vô cùng.

  1. Truyện: Sư huynh hỗn xược

Ở Canađa, trong tỉnh Québec, một sư huynh dòng Thiện giáo (Frères de l’Enseignement Chrétien) giáo viên trường trung học Alma, vừa xuất bản một cuốn sách bàn về đường lối giáo dục, nhan đề “Những sự hỗn xược của một sư huynh” (Les Insolences du Frère Un Tel). Tác giả đã khéo áp dụng một lối văn châm biếm, trào phúng nhí nhảnh, làm cho quyển sách được đệ nhất ăn khách trong năm. Chỉ trong vòng một tháng trời thôi, sách đã bán ra được một số kỷ lục là 30.000 cuốn.

Một hôm trường đại học Công giáo Montréal bỗng nhộn nhịp hẳn lên như đàn ong vỡ tổ: Sư huynh Pierre Jérome, tác giả cuốn sách “Những sự hỗn xược” nói trên, sắp đến viếng trường. Toàn thể nhà trường náo động lên. Từ viện trưởng, các giáo sư, các sinh viên, cho đến anh gác cổng, đều hăng say phấn khởi tổ chức cuộc tiếp rước.

Vị thượng khách đã từ từ tiến vào khung cảnh văn vật của trường đại học, giữa một cuộc khải hoàn trọng thể vĩ đại. Sau đó, sư huynh đã lộng lẫy ung dung bước lên diễn đàn ngỏ lời cùng 650 giáo sư và sinh viên.

Diễn giả đã thao thao bất tuyệt một thôi, lả lướt như rồng bay phượng múa, như hoa nở suối reo. Những tràng pháo tay nổ vang lên liên tiếp, liên tiếp, chứng tỏ các thính giả được kích thích đến tột độ.

Cả trường đại học Montréal hôm đó như rượu nếp lên men. Trong lịch sử trường đã bao giờ có sự phấn khởi nô nức như lần này chưa ? Tác giả “Những sự hỗn xược” sao mà huy hoàng trác tuyệt đến thế ?

… Nhưng sáng ngày hôm sau, họ đã phải một phen hú vía, tưởng chừng hồn lìa khỏi xác. Có người đến tiết lộ rằng: sư huynh Pierre Jérome hôm qua chỉ là một sư huynh… thứ giả! Chàng là một sinh viên quèn của trường Kịch nghệ, cải trang trong bộ áo dòng và cổ trắng của các sư huynh… để thực tập một phen!

Cả trường uất lên, tưởng ai nấy hộc máu chết tươi tại chỗ trước “sự hỗn xược của một sư huynh” chưa từng thấy này.

Thế mới hay sức ám thị của những người có tên tuổi mãnh liệt đến chừng nào (Vũ Minh Nghiễm, Sống sống, 1971, tr 337-339).