Thứ Sáu tuần 21 Thường niên năm I (Mt 25,1-13)

Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể (Mt 25,1)

BÀI ĐỌC I (năm I): 1 Tx 4, 1-8

“Ðây cũng là thánh ý Thiên Chúa và cũng là sự nên thánh của anh em”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi van nài anh em trong Chúa Giêsu điều này là như anh em được chúng tôi dạy cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em. Vì chưng, đây là thánh ý Thiên Chúa, và cũng là sự nên thánh của anh em là anh em hãy giữ mình khỏi tội gian dâm, để mọi người trong anh em biết giữ thân xác mình trong sự thánh thiện và danh dự: anh em chớ nên buông theo dục tình đam mê, như Dân Ngoại không biết Thiên Chúa: và đừng ai xâm phạm hay lường gạt quyền lợi anh em mình trong việc ấy, vì Chúa sẽ báo oán các điều đó, như chúng tôi đã bảo trước và đã minh chứng cho anh em. Vì chưng, Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để sống ô uế, nhưng để sống thánh thiện. Bởi thế, kẻ nào khinh chê những luật này, thì chẳng phải là khinh dể người phàm, nhưng là khinh dể Thiên Chúa, Ðấng cũng đã ban Thánh Thần Người cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 96, 1-2b. 5-6. 10. 11-12

Ðáp: Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa

Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu.

Xướng: Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan; trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.

Xướng: Chúa yêu thương những ai ghét xa điều dữ; Người gìn giữ tâm hồn những tôi ngoan, và giải thoát họ khỏi bàn tay đứa ác. 

Xướng: Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người.

 

Tin mừng: Mt 25, 1-13

1 Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.6 Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!”

7Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn.8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” 9Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.”10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!”12 Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

Bài giảng của linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Được mời gọi vào dự tiệc cưới Nước Trời, cần phải tỉnh thức và chuẩn bị bằng cả đời sống của ta. Nước Trời chỉ dành cho những ai biết sẵn sàng và chuẩn bị chu đáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, qua hình ảnh tiệc cưới, Chúa cho con hiểu tình yêu nhiệm mầu của Chúa. Ai trong chúng con cũng đều được Chúa mời tham dự bữa tiệc trọng đại đó. Phần con, con sẽ được đón nhận hay bị từ chối là tùy ở con có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi đó hay không.

Và khi đã được mời, con còn phải chuẩn bị sẵn sàng để vào dự yến tiệc. Năm trinh nữ khôn ngoan với dầu đèn đầy đủ, sẵn sàng, đã theo chú rể vào dự tiệc cưới. Con hiểu rằng dầu đèn ở đây là đức tin và lòng mến Chúa, là sự hy sinh quên mình, là trung tín trong việc bổn phận, là lòng bác ái vị tha. Xin giúp con chuẩn bị dầu đèn của đời con luôn cháy sáng để con được vào dự Tiệc Thánh trong Nước Chúa.

Năm trinh nữ dại khờ mất phần dự tiệc vì tính lơ đãng, vì dầu đèn không đủ cho cuộc đón rước trọng đại này. Con sẽ bị từ chối vào dự tiệc trong Nước Chúa nếu cuộc sống hôm nay của con chỉ là sống cho mình, việc đạo đức không có chiều sâu, không đủ sức giúp con tránh xa dịp tội, và thiếu ngọn lửa mến Chúa yêu người. Nhưng may mắn bội phần cho con, vì năm trinh nữ dại khờ kia không còn cơ may nào để chuẩn bị. Còn con, thời giờ và cảnh đời của con vẫn còn đó. Chúa còn cho con cơ hội để gom góp hy sinh, lặp lại những cố gắng và làm cháy lên ngọn lửa đức tin, đức ái đến trót cuộc đời con.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn thức tỉnh và cậy trông. Amen.

Ghi nhớ:“Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

  1. Phân tích

Dụ ngôn mười trinh nữ dạy về sự tỉnh thức: – Kitô hữu tỉnh thức là để đón chờ Đức Kitô (chàng rể) đến – Phải tỉnh thức luôn luôn vì không ai biết chừng nào Đức Kitô đến. – Tỉnh thức là lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng (như đèn đầy đủ dầu). – Chi tiết các cô khôn ngoan không cho các cô khờ dại mượn dầu có nghĩa là không ai có thể giúp ai được trước số phận đời đời.

  1. Suy niệm

1. Năm cô khôn ngoan cũng ngủ như năm cô khờ dại, thế mà được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ nhưng họ đã chuẩn bị những thứ sẵn sàng cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm: khi chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền được nghỉ ngơi.

2. Cách sống của năm cô khờ dại là “mặc kệ, tới đâu hay tới đó”, đó là cách sống của những người gần chết mới nghĩ tới việc linh hồn.

3. “Dầu” mà tôi phải luôn chuẩn bị cho cây đèn là những gì ?

4. Trong bài Tin Mừng này có một chi tiết hơi lạ là khi năm cô khờ dại thấy đèn mình hết dầu, họ đã đến xin dầu của năm cô khôn ngoan. Năm cô khôn ngoan này mỗi cô có cả một bình dầu đầy ắp thế mà lại không chia sẻ cho năm cô kia. Có phải là quá ích kỷ không ? Thưa nếu là chuyện dầu đèn bình thường thì đúng là quá ích kỷ. Nhưng đây là những hình ảnh tượng trưng cho phần rỗi đời đời nên nó không có ý nghĩa ích kỷ. Bởi vì đối với phần rỗi đời đời của mỗi người, nói cách khác, đối với chuyện công đức và tội lỗi thì không ai có thể chia cho ai và không ai có thể xin ai được.

5. Đời người là một cuộc chờ đợi, và chờ đợi nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc con mình hoặc một người chờ đợi bạn đến thăm, bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn. Chúng ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào người đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong cuộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ.

6. “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. (Mt 25,13).

“Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ bạn chỉ sống đúng một ngày nữa thôi ?” Đó chính là câu hỏi của một nhà giáo đã đặt cho 625 học sinh người Đức trong 12 trường, và có kết quả:

– Đa số học sinh trả lời: “Chúng tôi sẽ dùng thời giờ còn lại để uống say sưa, hút ma túy để vui chơi cho thỏa thích”.

– Cuối cùng một nữ sinh 18 tuổi trả lời rằng: “Tôi sẽ dành thời gian còn lại để chuẩn bị cho giờ cuối cùng của tôi. Tôi sẽ dành buổi tối cuối cùng để gặp Chúa và cảm tạ Chúa đã ban cho tôi một đời sống hạnh phúc và đầy đủ”.

Chúa đến bất chợt, hôm nay, ngày mai hay một ngày gần đây. Vậy chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho giờ đó ? Hay chúng ta chỉ mải sống trong nếp sống cũ ? Hãy canh thức để đón chờ ngày Chúa đến gọi ta.

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Dụ ngôn mười cô trinh nữ (Mt 25,1-13)

  1. Nước Thiên Chúa được ví như bữa tiệc cưới, mà trong đó chỉ những ai có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng, mới có cơ hội được chú rể là Đức Giêsu dẫn vào đồng bàn với Người trong vương quốc vĩnh cửu. Hình ảnh năm cô khôn và năm cô khờ cùng cầm đèn đi đón chàng rể, nhưng khác nhau ở chỗ là cô khôn mang đèn mang thêm dầu, còn cô dại thì mang đèn không dầu, là hình ảnh tiêu biểu của hai kiểu sống đạo của chúng ta hôm nay. Chúng ta cùng chung đức tin (là cùng tin có Chúa và Chúa sẽ đến) như ai cũng mang theo đèn, nhưng khác nhau ở chỗ có thực hành đời sống đức tin hay không, hay là tin nơi đầu môi chót lưỡi, còn cuộc sống thì vô thần, tựa như cái đèn rỗng ruột, không còn tỏa sáng mà đã tắt ngấm tối thui từ khi nào.
  2. Chúng ta có thể hiểu qua dụ ngôn này: Chàng rể đặc biệt chính là Chúa Kitô, mười trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương và đón mời vào dự tiệc cưới Nước trời, dầu và đèn là các điều kiện cần có để tham dự tiệc cưới. Mười cô phù dâu, có năm cô khôn và năm cô dại. Đó là hình ảnh con người, có người khôn, có người dại. Khôn hay dại là căn cứ vào thái độ họ có biết sẵn sàng hay không.

Năm cô khôn ngoan cũng ngủ như năm cô khờ dại, thế mà được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ, nhưng họ đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải là lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm: khi trách nhiệm chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền ngơi nghỉ.

  1. Chúng ta cũng thấy Đức Phật dạy các môn đệ mình: “Phải trấn tĩnh cho tâm thanh tịnh để mà giác thức”. Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có một tâm trạng an tĩnh để mà suy xét mọi điều, bởi vì có rất nhiều mối bận tâm, lo toan, tính toán đang xâm chiếm tâm trí ta hằng ngày. Trong câu chuyện Tin mừng hôm nay, đang khi các trinh nữ ngủ thiếp đi, thì có tiếng hô to: “Chú rể kia rồi, ra đón đi”. Thế nhưng trong số mười cô chờ đợi chàng rể, chỉ có năm cô đem đủ dầu mà thôi. Năm cô này được gọi là “những người khôn ngoan”, vì họ đã biết lo liệu, tính toán trước sự việc.

Qua câu chuyện này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy luôn sống với thái độ sẵn sàng, vì Người có thể đến bất cứ ngày nào, giờ nào. Như năm cô khôn ngoan đã chuẩn bị đầy đủ dầu, chúng ta hôm nay cũng được mời gọi chuẩn bị tâm hồn đón Chúa bằng đời sống đức tin, đức ái và đầy công phúc.

  1. Trong bài Tin mừng này có một chi tiết hơi lạ là khi 5 cô khờ dại thấy đèn mình hết dầu, họ đã đến xin dầu nơi 5 cô khôn ngoan. 5 cô khôn ngoan này mỗi cô có cả một bình dầu đầy ắp, thế mà lại không chia sẻ cho 5 cô kia. Có phải là quá ích kỷ không ? Thưa, nếu là chuyện dầu đèn bình thường thì đúng là ích kỷ. Nhưng đây là những hình ảnh tượng trưng cho phần rỗi đời đời, nên nó không có nghĩa là ích kỷ. Bởi vì đối với phần rỗi đời đời của mỗi người, nói cách khác, đối với chuyện công đức và tội lỗi, thì không ai có thể chia cho ai và cũng không ai có thể xin ai được. Anh bạn tôi chết, tôi thương anh ta lắm, nhưng tôi không thể chia cho anh những công lao phúc đức của tôi, tôi cũng không thể xin Chúa san sẻ cho tôi gánh chịu dùm một số tội lỗi của anh (Giải thích của Lm. Carôlô).
  2. Đời người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời, bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết, để bao bọc săn sóc con mình; một người chờ đợi bạn đến thăm, bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.

Chúng ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào Ngài đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong một cuộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ (Mỗi ngày một tin vui).

  1. Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức về giờ của từng cá nhân mình phải ra trước toà Chúa. Đó là lúc được phân định dứt khoát và vĩnh viễn, nên không còn cơ hội để lựa chọn về phần rỗi của mình nữa. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, bởi sự lỡ làng trong công ăn việc làm chúng ta có thể bắt đầu lại và có thể sửa chữa được. Nhưng sự lỡ làng trong giờ cuối cùng của cuộc đời sẽ không còn cơ hội để làm lại và lúc đó sẽ hư mất đời đời.
  2. Truyện: Thái độ của mỗi người

Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ bạn chỉ sống đúng một ngày nữa thôi ?” Đó chính là câu hỏi của một nhà giáo đã đặt cho 625 học sinh người Đức trong 12 trường, và có kết quả:

20% được hỏi liền trả lời: Chúng tôi sẽ dùng thời giờ còn lại, để uống say sưa, hút ma tuý, để vui chơi cho thoả thích. Cuối cùng một nữ sinh 18 tuổi trả lời rằng: Tôi sẽ dùng thời gian còn lại, để chuẩn bị cho giờ cuối cùng của tôi. Tôi sẽ dành buổi tối cuối cùng, để gặp Chúa và cảm tạ Chúa đã ban cho tôi một đời sống hạnh phúc và đầy đủ.

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

“Dưới cái nắng 12 giờ trưa, tôi hối hả đi bộ từ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ra Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Trên đường, một cô bé chừng 16 – 17 tuổi kéo tôi lại với bịch tăm tre nhỏ xíu và nói: “Đây là sản phẩm của các em khuyết tật trường Chu Văn An, mời chị mua ủng hộ”. Chẳng cần suy nghĩ, tôi khoát tay từ chối và vội bước đi, tự nhủ: “Mình lạ gì mấy trò này nữa, chủ yếu là xin tiền chứ mua bán gì”. Tôi đã không ít lần bị lừa ở phòng trọ, cũng như được bạn bè cảnh báo về mấy người “giả mạo” này.

Nhưng, tôi cũng cố ngoái lại nhìn xem cô bé đó còn ở đó không ? Nắng giữa trưa, tôi bịt hai lớp khăn che mặt vẫn còn thấy rát, vậy mà cô bé tiếp tục đứng đầu trần và mời một bạn sinh viên khác và người ấy đã mua. Tôi thấy mình xấu hổ. Tôi nhớ thầy tôi từng nói: “Biết có thể bị lừa vì những người giả bộ bị móc túi, lỡ đường để xin tiền nhưng thầy vẫn cho. Biết đâu gặp người cần giúp đỡ, có vậy lòng mình mới thanh thản…”. Tôi định quay lại mua cho cô bé bịch tăm nhưng lại ngại, đành tiếp tục đi, lòng suy nghĩ bứt rứt. Chắc cô bé là học sinh tình nguyện hay đang là tình nguyện viên cho mái trường ấy.

Vậy mà tôi vô cảm… (Theo Tuổi Trẻ Online).

Suy niệm

Người phú hộ không làm gì sai trái, không vi phạm đức công bằng: Ông không gian tham của ai, không trộm cắp của người và không bớt xén tiền bạc của tha nhân. Với Ladarô khốn khó, ông đâu có khinh miệt và sai gia nhân xua đuổi nhưng tội của ông là không quan tâm, hững hờ trước tình trạng bi đát của Ladarô, người nghèo khó và bệnh tật bên hiên nhà mà chính ông gặp hàng ngày. Trong khi người phú hộ áo ấm, dư thừa “ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19), còn Ladarô “thèm được những mảnh vụn trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho no” (Lc 16,21). Ladarô không chỉ đói vì thiếu cơm bánh mà còn đau đớn hơn khi anh thiếu tình thương của đồng loại. Chẳng ai quan tâm đến anh “chỉ có bầy chó đến liếm láp”. Người phú hộ không có tội gì khác, chỉ có tội hững hờ vô cảm trước tha nhân và sống chỉ cho riêng mình. Tội của ông ta là dửng dưng, coi như không có sự hiện diện của Ladarô thống khổ đang cần sự giúp đỡ.

Ngôn sứ Amos đã tuyên sấm trước hậu quả với những người phú quý giàu sang rằng vì họ xưa kia đã được sung sướng no đầy nên nay phải bị lưu đày (Am 6,1a.4-7): “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samari” (Am 6,1a). Ăn uống no nê nhưng lại hững hờ với sự đau đớn của dân tộc: “Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ!” (Am 6,6). Cho nên, hậu quả là họ lãnh nhận kiếp vong quốc lưu đày: “Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày” (Am 6,7). Lời tuyên sấm này được làm trọn vẹn nơi giáo huấn của Đức Kitô qua dụ ngôn người phú hộ sang trọng và Ladarô nghèo khó: Kẻ hững hờ trước nỗi đau của anh em sẽ như số phận người phú hộ: Sự giàu sang mà vô cảm với anh em đã trở nên khốn khổ trong ngày sau (x. Lc 16,23).

Với hình ảnh của người phú hộ, sứ điệp Tin Mừng chuyển tải đến tôi và bạn: Không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa rời Thiên Chúa và ngăn cách với tha nhân. Khi mắt tôi và bạn không để ‎ý sự đau khổ, tâm hồn chúng ta không chút xót thương đến những số phận đen đủi, lòng trắc ẩn không hề rung động trước cảnh bi đát của anh em đồng loại sẽ tạo nên hố sâu ngăn cách giữa người và người như sự ngăn cách giữa người phú hộ và Ladarô rộng lớn đến nỗi không thể qua được, dù sống sát bên nhau hàng ngày. Chính vì không thể qua bức ngăn trong cuộc sống hàng ngày, cả cuộc sống mai sau cũng ngăn cách sâu thẳm (x. Lc 16,26).

Hãy nuôi trong lòng mình ý nghĩ “yêu thương” tinh thần sẻ chia. Trong tình thương không bao giờ tồn tại sự so đo, tính toán: Yêu thương hết mình, chia sẻ hết tình khi người anh em tôi có nhu cầu cần đến bàn tay tôi giúp đỡ. Hãy để con tim luôn sẵn sàng: Chia nụ cười, sẽ nhận về vô số niềm vui… Chia vòng tay, sẽ nhận về mênh mông ấm áp… Chia quan tâm – sẽ nhận về bao la yêu thương… Chia yêu thương, sẽ nhận về rất nhiều hạnh phúc…

“… Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ ” (Nhã Nam, Cuộc đời có bao điều mà…, Nxb Trẻ 2009), mong con tim tôi và bạn mang nhịp đập yêu thương, luôn nhạy cảm với nỗi đau của người anh em!

Ý lực sống

“Chúa là Ðấng trả lại quyền lợi cho người bị ức,
và ban cho những người đói được cơm ăn”.
(Tv 146,7)