“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa,
vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” (Lc 4,43)
BÀI ĐỌC I (năm I): Cl 1, 1-8
“Lời chân thật đã đến với anh em, như đã đến trong khắp thiên hạ”.
Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Phaolô, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô do ý định của Thiên Chúa, và anh Timôthêu, kính gửi các thánh ở Côlôxê, và anh em tín hữu trong Ðức Giêsu Kitô. Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô, ở cùng anh em.
Chúng tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa, là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, khi chúng tôi cầu nguyện cho anh em, bởi nghe biết lòng tin của anh em vào Ðức Giêsu Kitô, và lòng yêu mến của anh em đối với tất cả các thánh. Chúng tôi cảm tạ vì niềm hy vọng dành cho anh em trên trời, mà anh em đã nghe biết trong lời chân thật của Tin Mừng. Tin Mừng đó đã đến với anh em, như đã đến trong khắp thiên hạ, sinh hoa kết quả và gia tăng nơi anh em, từ ngày anh em đã nghe và nhận biết ơn Thiên Chúa trong chân lý. Như anh em đã thụ giáo cùng Êpaphra là đồng liêu rất yêu dấu của chúng tôi, là kẻ trung tín giúp việc Ðức Giêsu Kitô thay cho chúng tôi. Ông cũng đã tỏ cho chúng tôi biết lòng yêu mến của anh em trong Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 51, 10. 11
Ðáp: Tôi tin cậy vào lượng từ bi Chúa tới muôn đời
Xướng: Phần tôi như cây ô-liu xanh tốt trong nhà Thiên Chúa; tôi tin cậy vào lượng từ bi Chúa tới muôn đời.
Xướng: Tôi sẽ ca ngợi Chúa muôn đời vì Chúa đã hành động, và tôi sẽ chúc tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo trước mặt chư tín hữu.
Tin mừng: Lc 4, 38-44
38 Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. 39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất : tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài. 40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. 41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng : “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.
42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. 43 Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” 44 Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.
Bài giảng của linh mục Giuse Bùi Công Trác
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã tỏ cho mọi người biết chính mình là ai khi chữa lành các bệnh tật và khử trừ ma quỷ. Ngài không cần ma quỷ tuyên xưng Ngài. Chính việc làm sẽ làm chứng cho Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi đọc Tin Mừng, con thấy các phép lạ Chúa làm được kể lại một cách rất bình thường, lời văn bình dị, đơn sơ, vắn gọn, khác xa với cách tường thuật về một sự kiện lạ lùng, ly kỳ như con thường đọc thấy.
Qua cách diễn tả đó, con nhận ra cách Chúa đang can thiệp vào cuộc sống của chúng con. Phép lạ Chúa làm không chú trọng vào kẻ kỳ dị bên ngoài, mà phép lạ chính là lúc Chúa đến tiếp xúc với con người và để cho con người tiếp xúc, gặp gỡ Chúa. Chúa đã cầm tay bà nhạc mẫu của thánh Phêrô để nâng đỡ bà dậy và bà đã khỏi sốt. Chúa đã gặp gỡ con người để đưa con người đến tình trạng tốt hơn. Phép lạ chính là việc Chúa làm để tác động lên đời sống thường nhật của chúng con.
Lạy Chúa, nhìn vào phương cách Chúa làm phép lạ, con nhận ra Chúa đã thực hiện bao nhiêu phép lạ trong cuộc sống con: những điều may lành con nhận được hằng ngày, các khó khăn nguy hiểm con đã vượt qua, những bất hoà trong gia đình được hàn gắn…, tất cả đều là sự can thiệp lạ lùng của Chúa: lạ lùng nhưng quá bình dị đơn sơ nên nhiều lúc con không nhận ra.
Chúa làm phép lạ không phải vì muốn được nổi danh nhưng chỉ vì thương xót chúng con. Điều Chúa muốn chính là cầm tay bà nhạc thánh Phêrô để bà được khỏi bệnh. Và bà đã chỗi dậy để tiếp đón, mời Chúa và các môn đệ dùng bữa ở nhà mình.
Trong cuộc sống của con, xin Chúa giúp con nhận ra những lần Chúa đến gặp gỡ con, nâng đỡ con, để con biết mau mắn chỗi dậy đón tiếp Chúa. Amen.
Ghi nhớ:“Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích
Luca tiếp tục tường thuật một ngày hoạt động bận rộn của Chúa Giêsu: sau khi giảng dạy và chữa một người bị quỷ ám trong hội đường, Ngài đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô và chữa bệnh sốt cho bà. Chiều đến, người ta vẫn còn mang đến rất nhiều bệnh nhân, Chúa Giêsu “đặt tay trên từng bệnh nhân” và chữa cho họ. Sáng hôm sau dân chúng lại tìm Ngài. Nhưng Ngài đành phải ra đi vì “còn phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho những thành khác”.
B. Suy niệm
1. Khi có người nào đó giống Chúa Giêsu biết quan tâm cứu giúp những người đau khổ, thì người đau khổ vây quanh bám lấy người ấy như một đám đông gần chết đuối bám lấy chiếc phao duy nhất.
Tội nghiệp cho nhân loại khốn khổ. Xin cho có nhiều người mang tâm hồn bao la như Chúa, trong số đó cũng có con.
2. Phần cuối của bài Tin Mừng này khiến tôi hơi thất vọng: những người khốn khổ vẫn bám theo Chúa Giêsu, “Họ cố cầm giữ Người lại”, nhưng Ngài bỏ họ mà đi, vì “còn phải rao giảng Tin Mừng cho những thành khác”.
Nhưng tôi đã hiểu: Chúa không nhắm cứu hết tất cả những đau khổ phần xác (bởi vì đã mang thân xác tất phải đau khổ. Trần gian là thế!), nhưng Ngài nhằm đem lại cho nhân loại Tin Mừng, một thứ thuốc tiên giải thoát những đau khổ tinh thần.
3. “Đến sáng ngày, Ngài ra đi vào hoang địa”: Đó là lúc Chúa Giêsu múc lấy nguồn lực cho tất cả những hoạt động nhộn nhịp suốt cả ngày. Ngài múc lấy nguồn lực từ việc cầu nguyện. Nơi Chúa Giêsu, cầu nguyện là hoạt động được phối hợp rất quân bình, không phải vì bận việc mà Ngài bỏ cầu nguyện. Trái lại, càng làm nhiều việc thì Ngài lại cầu nguyện nhiều hơn.
4. “Chúa Giêsu nói với dân chúng: tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt là để làm việc đó” (Lc 4:43).
Tại một xứ nhỏ ở một miền quê nước Pháp, có một người đàn ông ngoài 50 tuổi bị chứng bất toại. Chân không đi đứng gì được, và hai tay cũng không làm gì được hơn. Suốt ngày ông chỉ biết than thân trách phận. Mặc dù ông không phải là người công giáo nhưng cha sở thỉnh thoảng đến thăm ông và mời gọi nhiều người đến thăm, chia sẻ và giúp đỡ ông. Mỗi tuần có một bác sĩ tình nguyện đến chăm sóc cho ông. Mỗi Chúa nhật có một thiếu nhi đến đọc truyện cho ông nghe, kể chuyện vui cho ông bớt cô đơn. Sau một thời gian, ông xin lãnh bí tích Thánh Tẩy. Ông nói: “Thưa Cha, trước đây con không tin có Chúa, nhưng từ ngày con được Cha đến thăm, được bác sĩ giúp đỡ, và các em giúp vui, con cảm thấy mình như gặp được Thiên Chúa, và chính Chúa đã gởi Cha, bác sĩ và các em đến với con và bày tỏ tình thương đối với con. Con tin như thế”.
Gặp gỡ Thiên Chúa trong nhà thờ đã đành, nhưng gặp gỡ Ngài trong tha nhân và trong cuộc sống hằng ngày mới thiết thực. Có những giây phút thầm lặng để cầu nguyện nhưng là cầu nguyện để được tỉnh thức hơn, hầu gặp gỡ yêu thương và phục vụ người anh em trong cuộc sống hàng ngày. Con đường nào cũng phải dẫn đến nhà thờ, nhưng nhà thờ nào cũng có lối thông cho cuộc đời. Người tín hữu Kitô gặp gỡ Chúa để múc lấy sức sống và trở lại trong cuộc sống hàng ngày, hầu gặp gỡ và yêu thương người anh em mình nhiều hơn.
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Hành động và cầu nguyện (Lc 4,38-44)
- Thánh Luca tiếp tục tường thuật một ngày hoạt động bận rộn của Chúa Giêsu: sau khi giảng và chữa một người bị quỉ ám trong hội đường, Ngài đến nhà nhạc mẫu của ông Simon Phêrô và chữa bệnh sốt cho bà. Chiều đến, người ta vẫn còn mang tới rất nhiều bệnh nhân. Chúa Giêsu “đặt tay trên từng bệnh nhân” và cứu chữa họ. Sáng hôm sau dân chúng lại tìm Ngài, nhưng Ngài đành phải ra đi, vì “còn phải rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa cho những thành khác”.
- Chúa Giêsu đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô và chữa bệnh sốt cho bà. Ngài xua trừ quỷ dữ ra khỏi nhiều người, và trong rất nhiều trường hợp khác, đối với nhiều bệnh nhân mắc đủ thứ chứng bệnh, Ngài cũng chữa lành. Tất cả đều chứng tỏ lòng nhân từ yêu thương của Chúa. Nói rõ hơn, với tư cách là Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu đến trần gian để giải cứu con người khỏi mọi khốn khổ phần hồn, nhưng Ngài cũng cứu giúp con người về phần xác nữa: Ngài cảm thông với những đau yếu bệnh tật của con người và chữa lành họ.
- Chúa Giêsu không bao giờ quên việc chính yếu là phải loan báo một Tin mừng. Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Tôi còn phải loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43). Phải loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, đó là công việc hàng đầu, ưu tiên và số một của Chúa. Sau khi Chúa về trời, các Tông đồ đã tiếp tục thi hành công việc này. Các ngài đã hoàn thành nhiệm vụ Chúa trao phó một cách rất tốt đẹp.
Rao giảng Tin mừng luôn là một việc cấp bách và liên tục, không dừng lại ở một nơi hay một nhóm người nhất định, mà phải từ nơi này đến nơi khác, cho bất cứ ai chúng ta gặp gỡ và đi đến. Cần ý thức sứ vụ của tất cả Kitô hữu chúng ta là truyền giáo, truyền giáo trong cả lời nói và hành động thiết thực qua đời sống yêu thương, bác ái và xả thân phục vụ.
- Dân chúng mộ mến Đức Giêsu vì Ngài làm cho họ biết bao điều tốt đẹp: chữa bệnh, trừ quỷ, rao giảng. Thật dễ hiểu khi họ muốn giữ Ngài ở lại với họ. Điều đó không sai. Nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận một tầm nhìn hạn hẹp như vậy. Ngài nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó”. Để thắng cơn cám dỗ đi sai lệch trọng tâm của sứ mạng loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu vẫn luôn kết hợp với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện: Từ sáng sớm, Người đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện, để sống thân mật với Chúa Cha, để lắng nghe Chúa Cha và nói lại cho dân chúng. Cầu nguyện trước đã rồi mới loan báo Tin mừng, hai thực hành này hoà quyện với nhau trong con người và hoạt động của Chúa Giêsu (5 phút Lời Chúa).
- Nhiều lần các Tin mừng kể việc Chúa Giêsu cầu nguyện, chẳng hạn như: “Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23), hoặc: “Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Chúng ta để ý đến hai chi tiết: sáng sớm thức dậy Chúa Giêsu đi cầu nguyện và chiều đến sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu đi cầu nguyện.
Cầu nguyện đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Mọi người có thể cầu nguyện mọi lúc mọi nơi với nhiều phương cách. Tuy nhiên, nơi mỗi xứ đạo chúng ta từ xưa đến nay vẫn giữ được thói quen tốt là đến nhà thờ vào lúc khởi đầu và kết thúc mỗi ngày: ban sáng dâng Thánh lễ và buổi tối đọc kinh chung, nhất là kinh Mân Côi.
- Theo như đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có viết trong cuốn sách Đường Hy Vọng như sau: “Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa”.
Dù là Con Thiên Chúa, với thân phận làm người, Chúa Giêsu vẫn không bỏ qua việc cầu nguyện. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận: giảng ở hội đường; giảng xong, chữa một người bị quỷ ám; rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon Phêrô; chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa. Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng, để cầu nguyện và bắt đầu một ngày mới cũng rất bận rộn. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ để cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.
- Truyện: Phải cộng tác với Chúa
Đức cha Tihamer Toth kể: Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư hơn, nhưng càng bớt cầu nguyện đi. Khi được hỏi lý do thì người học trò đáp:
– Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai, Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba, Ngài là Đấng vĩnh cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi được Ngài.
Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã, người học trò hỏi:
– Tại sao thầy buồn thế?
– Người bạn của thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa.
– Bộ ông ta khùng ư?
– Không đâu. Ông còn khôn nữa là khác. Ông nói: Thiên Chúa yêu thương vô cùng, Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ tôi cần, thế nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu dư đầy.
– Như thế nghĩa là thử thách Chúa rồi còn gì nữa?
– Thì con cũng thế thôi.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Soeur Marie Simon Phêrô, dòng Tiểu Muội bảo sanh viện (Công giáo Congrégation des Petites Soeurs des Maternités) tại nước Pháp mang bệnh Parkinson, cùng một loại bệnh mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II mắc phải. Soeur đã không đi đứng được, thân mình đau nhức và hai tay bị run đến nỗi không cầm bút viết được nữa. Mẹ bề trên đề nghị chị hãy cầu nguyện và viết tên của Đức Gioan Phaolô II lên một mảnh giấy, theo bà “vì ngài cũng mắc chứng bệnh Parkinson này, nên soeur cảm thấy có một mối liên hệ mật thiết với ngài”. Soeur đã cố gắng nhưng chữ viết chỉ nguệch ngoạc không đọc được. Các chị em trong dòng đã cầu nguyện không ngừng cho Soeur qua lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II.
Hai tháng sau khi Đức Gioan Phaolô trở về nhà Cha, một buổi sáng chị thức dậy lúc 4h30 sáng, đi ra khỏi giường thì không còn đau đớn. Chị rất ngạc nhiên khi thấy những chữ mình viết ra rất dễ đọc. Buổi sáng hôm sau, Soeur nhảy ra khỏi giường: Bệnh Parkinson đã biến mất, một việc kỳ lạ được kiểm chứng và xác nhận bởi một nhóm các bác sĩ y khoa tại địa phương. Soeur Marie Simon Phêrô, bây giờ đang làm việc tại một bệnh xá ở Paris…
Suy niệm
Chúa Giêsu cầm lấy tay nhạc mẫu của Phêrô đang nằm trên giường vì sốt, nâng bà “trỗi dậy”. “Cơn sốt dứt ngay, và bà phục vụ các ngài”.
Sau khi chữa lành cho nhạc mẫu của Phêrô, khi mặt trời lặn, đối với người Do Thái là lúc kết thúc ngày cũ và bắt đầu một ngày mới, họ dẫn mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến với Đức Giêsu để Ngài chữa lành những ai đau bệnh và trục xuất thần ô uế trong những ai bị chúng ám. Hình ảnh đó như mang một hy vọng mới trong ngày mới: Được chữa lành, mạnh khỏe đời sống tinh thần và thể xác, nhưng không chỉ mạnh khỏe để sống cho mình mà mạnh khỏe để tiến bước trong tinh thần phục vụ.
Thật thế, trong đời sống hằng ngày, chúng ta đang phải chiến đấu, vật lộn với những thứ bệnh, ngay trong bản thân mình, những căn bệnh của thể xác, những căn bệnh về tinh thần như lo âu, đau khổ như Gióp đã đại diện con người nói lên tâm trạng đó (x. G 7,1-4.6-7). Hơn nữa, do mang thân phận mỏng giòn yếu đuối của kiếp người, chúng ta mang đủ thứ tội lỗi, những tính hư nết xấu, những khuynh hướng xấu, những đam mê, dục vọng mệt mỏi làm chúng ta sống vô vọng như muốn buông xuôi tất cả. Chúng ta lại đang bị hành hạ bởi bệnh sốt của những kẻ không chịu lắng nghe tiếng Chúa và thiếu hay không chăm chú thực hành những điều răn của Người (x. Tl 28,15.22), đó là căn bệnh tâm linh của mọi thời đại… Con người chỉ có thể được chữa lành và được mạnh khỏe khi nhìn nhận bệnh tình của mình và mang thái độ tin vào Đức Kitô, Đấng luôn yêu thương và sẵn sàng cứu chữa chúng ta như Ngài đã chữa lành cho nhạc mẫu của Phêrô và các người bệnh nhân chạy đến xin Người cứu chữa…
Khi chúng ta được chữa lành, chúng ta mau mắn trỗi dậy ra đi phục vụ anh em, đặc biệt những người bé nhỏ, cô thân cô thế, những người neo đơn, ốm đau tật nguyền… những người trong chính gia đình mình.
Ý lực sống
Xin chữa lành, đỡ con dậy và con tiến bước phục vụ…
Tin tức liên quan khác
“Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”: Ký ức, Văn hóa và Bí tích
Đôi đũa tre
Thông báo tin giả: “Bất ngờ Tòa Thánh lên tiếng tình hình cha Antôn Đặng Hữu Nam”
Thập giá gắn liền với tình yêu
Thứ Bảy tuần 21 Thường niên năm II (Mt 25,14-30)
Ý cầu nguyện của ĐTC trong tháng 7: Một đời sống Thánh Thể
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
Đức Thánh Cha ca ngợi Rabbi Skorka vì những dấn thân cho đối thoại liên tôn