“Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói;
ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.
(Ga 6,35)
BÀI ĐỌC I: Cv 8, 1-8
“Đến đâu, họ cũng rao giảng lời Thiên Chúa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Ngày ấy, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ tợn. Ngoài các tông đồ, mọi người đều phân tán đi các miền Giuđêa và Samaria. Còn những người đạo đức lo chôn cất Têphanô; họ than khóc ông rất nhiều. Lúc đó Saolô tàn phá Hội Thánh; ông vào nhà này sang nhà nọ, bắt đàn ông lẫn đàn bà và tống ngục họ.
Những người bị phân tán, đã đi khắp nơi rao giảng lời Thiên Chúa. Phần Philipphê thì đi xuống một thành thuộc xứ Samaria rao giảng Đức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cùng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm, quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a
Đáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Ngài, hãy kính dâng Ngài lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa. -Đáp.
2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Ngài thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! – Đáp.
3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Ngài thống trị tới muôn đời. – Đáp.
Tin mừng: Ga 6,35-40
35 Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ.
36 Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. 37 Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài.
38 Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. 39 Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại.
40 Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh. Ai tin vào Chúa và đến với Chúa, sẽ được hạnh phúc trọn vẹn.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay quả thực là tin mừng lớn lao cho con. Là tin mừng, vì Chúa đến để thỏa mãn mọi khát vọng sâu xa của đời người. Là tin mừng, vì khi con đến với Chúa, Chúa không xua đuổi, nhưng luôn mở rộng vòng tay đón nhận con. Là tin mừng, vì khi con tin vào Chúa, Chúa không để mất con, nhưng Chúa sẽ cho con được sống muôn đời. Chúa là tin mừng, vì Chúa là hạnh phúc đích thực của con. Con dâng lời cảm tạ Chúa.
Lạy Chúa, cuộc sống con đầy giới hạn và thiếu thốn, nên con đói khát thật nhiều. Con đói khát cơm bánh hằng ngày. Con mong ước được nhiều của cải vật chất. Con thèm khát thú vui xác thịt. Con đói khát bồi dưỡng kiến thức và đời sống văn hoá. Con khao khát có được một địa vị. Con đói tình yêu và sự cảm thông. Con khát vọng có được hạnh phúc bền vững.
Nhưng lạy Chúa, để thỏa mãn những cơn đói ấy, nhiều lúc con đã chẳng kể gì đến Chúa, thậm chí con đã gạt Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Nhưng chính lúc con gạt bỏ Chúa, thì con lại càng đói khát hơn. Dù con có đáp ứng được một vài khát vọng nào đó, nhưng khát vọng hạnh phúc lại càng được khơi sâu thêm, vì con vẫn chưa có Chúa là niềm hạnh phúc duy nhất của đời con.
Xin Chúa giúp con biết tin vào Chúa và đến với Chúa. Con sẽ có Chúa là Bánh Trường Sinh. Con tin Chúa sẽ ban tặng cho con niềm vui, sự bình an, sự no thoả sâu xa trong tâm hồn.
Lạy Chúa, khi con tìm kiếm của ăn cho thân xác, thì xin giúp con cũng biết quan tâm đến đời sống tâm linh nữa. Amen.
Ghi nhớ:“Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Nhắc lại bài Phúc Âm hôm qua: nghe Chúa Giêsu nói tới một thứ lương thực quý trọng hơn cả Manna ngày xưa nữa, dân Do Thái tưởng đó là thứ thức ăn đặc biệt no lâu nên xin Chúa ban cho họ thứ thức ăn đó mãi.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với họ rằng “Chính Ta là bánh ban sự sống”.
Chúa Giêsu trở thành Bánh Sự Sống cho loài người thế nào ?
Khi người ta đến với Ngài: “Ai đến với Ta, sẽ không hề đói”.
Khi người ta tin vào Ngài: “Ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.
Thực ra theo luật của cú pháp sóng đôi, “Đến với” và “Tin vào” không phải là hai việc khác nhau mà chỉ là hai cách diễn tả cùng một sự việc: Tin vào Chúa Giêsu, thể hiện ở thái độ đến với Ngài. Kết quả của công việc đó là không hề đói không hề khát.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Đức tin vào Chúa Giêsu phải thể hiện vào việc đến với Ngài. Một ngày tôi dành bao nhiêu thời gian để “đến với” Chúa.
2. Chúng ta “đến với” Chúa bằng nhiều cách: tưởng nhớ, cầu nguyện, suy gẫm, và nhất là tham dự Thánh Lễ. Hãy xét mình xem khi chúng ta làm những việc trên, lòng chúng ta có thực sự “đến với” Chúa không ?
3. Khi tâm hồn tôi cảm thấy đói khát, tôi đã “đến với” ai, với cái gì ? Có “đến với” Chúa không ?
4. Buổi sáng bà lão ra ngoài. Buổi chiều bà trở về, bà không tìm thấy chìa khóa.
Không biết làm thế nào ?! Bà chạy sang hàng xóm, mượn chìa khóa của họ mở thử, chẳng có cái nào hợp.
Cuối cùng một người góp ý: cứ mở then cài ra xem sao! Bà mở then và cánh cửa mở toang. Thì ra khi đi ra bà không khóa cửa.
Câu chuyện trên mô tả phần nào thái độ của chúng ta trước Chúa. Ta đứng ngoài, lòng đầy băn khoăn lo sợ. Ta nghĩ phải làm việc này việc nọ mới đáng đến với Chúa. Trong khi đó, cánh cửa nhà Chúa luôn mở rộng và ưu ái đón ta vào. (Góp nhặt)
5. “Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất”.
…Chúa Giêsu và Hội Thánh bấy giờ xuất hiện với tôi như một cái gì khô cứng, sự khô cứng của những khái niệm thần học, những bổn phận “phải” làm hơn là một tình yêu thiết tha tung cánh… Rồi chẳng biết từ đâu, Triết lý phương Đông và Phật Giáo len lỏi vào tâm hồn tôi, phất phơ nhẹ nhàng nhưng sao có sức giật tung những gì tôi mòn mỏi. Tôi nằng nặc đòi nhà Dòng một năm phép, cho ra độc cư trên núi, sống với nắng, gió, mưa, đói, khát, và sự sợ hãi nữa. Nhưng mỗi lần tôi nhất tâm thất niệm thì vấn đề về Chúa Giêsu lại vang lên, đeo bám tôi mãi… Một năm phép đã hết, thân tàn ma dại, tôi thua cuộc, trở về nhà Dòng một cách trắng tay. Nhưng Chúa Giêsu vẫn cứ đeo bám tôi mãi. Đang trong một năm nổi loạn, thất bại và hư hỏng cùng cực đó, tôi được gọi làm linh mục. Hoang mang và sợ hãi, tâm hồn rối bời, tan nát, tôi vào ngồi thẫn thờ trong nhà nguyện như sự đay nghiến, một sự nức nở và đền tội…
Một đêm trước khi làm linh mục vài hôm, tôi thử tiến lên đứng sát Nhà Tạm Thánh Thể. Có cái gì đó khác hơn là cảm giác, hơn cả sự rung động, mà là sự bao phủ lấy toàn bộ cuộc đời và con người tôi. Ngay giây phút đó, tôi “hiểu” rằng cho dù có là hòn đá hòn sỏi, dù tôi đã lấm bùn bê bết, dù tôi đã thân tàn ma dại, dù tôi đã hỏng hết cả cuộc đời, thì Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn tôi, làm tâm hồn tôi bừng sáng huy hoàng. Và tôi gọi Ngài là Chúa, Cứu Chúa của đời tôi…
Lạy Chúa, chứng từ này giúp con nghiệm ra rằng, dù phận hèn yếu đuối đến đâu, con vẫn được Ngài yêu thương vì Ngài là Đấng khoan dung bền vững muôn đời. (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Hãy tin vào Đức Kitô (Ga 6, 35-40)
- Bài Tin mừng này cho chúng ta thấy: từ đầu bài giảng về Bánh hằng sống, Đức Giêsu có ý để thính giả đi từ phép lạ manna đến phép lạ hóa bánh ra nhiều; và từ phép lạ hóa bánh ra nhiều đến mầu nhiệm về Chúa và sứ mạng của Ngài. Khi thấy dân chúng chưa tin Ngài, Ngài lại hướng họ về Chúa Cha. Hôm nay, Đức Giêsu giải thích về ý nghĩa của lời Ngài nói: “Chính Ta là bánh trường sinh”.
- Như chúng ta biết, đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu là chỉ để được ăn uống no nê. Họ chỉ biết có của ăn cho thân xác. Như thánh Phaolô nói: “Đạo của họ là cái bụng”. Là Đấng toàn năng, Đức Giêsu có thể vung chiếc đũa thần lên để thoả mãn tất cả tất cả mọi nhu cầu thể lý của con người. Bằng chứng là với 5 chiếc bánh và 2 con cá, Ngài có thể nuôi sống một đám đông trên 5000 người.
Nhưng Đức Giêsu đã không đến trong trần gian để cung cấp một thức ăn chóng hư nát như thế. Ngài đến làm cho con người được sống và sống sung mãn, và sự sống sung mãn ấy chính là sự sống vĩnh cửu. Của ăn dư dật mà Ngài đã dâng lên từ 5 chiếc bánh và 2 con cá là dấu chỉ của bánh trường sinh mà Ngài sẽ ban cho con người trong phép Thánh Thể, chỉ có bánh này mới làm cho con người được thoả mãn trong nỗi khát vọng mà không một lương thực nào trên trần gian này có thể lấp đầy.
- Tin vào Đức Giêsu có nghĩa là đến với Ngài. Không chỉ dừng lại ở đó, mà chúng ta còn được mời gọi đi xa hơn nữa để đón nhận, tức là thông dự vào sự sống thần linh của Ngài bằng việc đón nhận chính Ngài. Đây cũng chính là lời mời gọi của Chúa trong bài Tin mừng hôm nay: “Ai thấy người Con và tin vào người Con ấy thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40)
Tại sao Đức Giêsu phải tuyên bố như vậy? Thưa, bởi vì Ngài thấy lòng chai dạ đá nơi những người Do thái và họ đi tìm Ngài vì của ăn hư nát, chứ không phải là của ăn tinh thần, tức là sự sống đời đời.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống đức tin cách trưởng thành. Tức là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Quả thật: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn nhờ Lời miệng Thiên Chúa phán ra”.
- Người tin Chúa Kitô, là người để Chúa Cha lôi kéo và giao hoà, nhưng trong thực tế, chúng ta sống tin thật sự hay chúng ta để các thực tại quyền lực trần gian chiếm hữu. Tuy môi miệng tuyên xưng “Tin” Đức Kitô, nhưng con tim và khối óc hướng theo tiền bạc, danh lợi, vì nó mà ta có thể bất chấp tất cả, chà đạp anh em bạn hữu để được cái bánh to, lợi lộc trần thế. Tâm tư của ta như thánh Phaolô đã từng ví von: Chúa của họ thờ là cái bụng, tức là mọi sự quyến rũ thấp hèn của thế gian (x.Pl 3, 19)
Sống đức tin sâu sắc, như thánh tông đồ Giacôbê xác quyết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Thật thế, phải được xây dựng và đặt nền tảng trên đức tin.
- “Tất cả những người Chúa Cha đã ban cho Ta đều sẽ đến với Ta”
Câu nói trên đây của Đức Giêsu có thể gây ra một vấn nạn: Phải chăng có những người Chúa Cha không ban cho Đức Giêsu?
Chúng ta nhớ lại chân lý bắt nguồn từ Thánh kinh: Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi. Về phía Thiên Chúa, đó là tuyệt đối không luật trừ. Nhưng về phía con người, chúng ta cần phân biệt:
Chúa Cha đã ban cho Đức Giêsu toàn thể nhân loại, là những con người có tự do. Và tất cả, cách này hay cách khác, đều được mời gọi để chọn lựa: chấp nhận hoặc từ chối Đức Giêsu. Chính trên bình diện tự do trách nhiệm này, sẽ có tách biệt giữa những người “đến” hay “không đến” với Đức Giêsu. Nói cách khác, giữa cộng đoàn nhân loại, có người tự do đáp trả “vâng” với ân huệ đức tin, đức tin này đưa họ đến với Đức Giêsu, và đã có những người trả lời “không”, những người này đã từ chối Đức Giêsu.
- Truyện: Lạy Chúa của con
Vào những ngày cuối tháng 6 năm 1848, cuộc nội chiến xảy ra ác liệt trên những đường phố của kinh thành Paris. Tiếng la hét om sòm vang lên khắp nơi. Nằm trên giường bệnh, nhà văn Chateaubriand nghe rõ mồn một. Ông cầm lấy cây thánh giá và cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa mới cứu vãn được xã hội hiện tại này”.
Rồi dán chặt đôi mắt một cách trìu mến vào tượng Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá, nhà văn thốt ra những lời cuối cùng đầy xúc động: “Đây chính là Chúa của con. Đây chính là vua của con”.
Tin tức liên quan khác
Con đang tìm gì?
Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Lương thực Thế giới năm 2024
Vì lý do sức khoẻ Đức Thánh Cha không đi Dubai tham dự COP28
Suy gẫm về thiên tai & san sẻ
Thứ quý giá nhất của cuộc đời
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng năm học 2022-2023
Hội nghị thường niên Hội đồng Giám Mục kỳ I/2024: Ngày III