WHĐ (28/9/2024) – Sau khi gặp Tổng thống Indonesia và chào các quan chức cùng ngoại giao đoàn, lúc 11g30 ngày 4 tháng 9 năm 2024, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Phanxicô đã trở lại Tòa Sứ thần tại Jakarta, để gặp khoảng 200 tu sĩ Dòng Tên cùng với cha Giám tỉnh Benedictus Hari Juliawan đang chờ sẵn. Họ đại diện cho hai phần ba số tu sĩ trong Tỉnh dòng Tên này.
ĐGH chào thăm và mỉm cười khi bước vào phòng hội hình chữ T. Lời đầu tiên của ngài là: “Có rất nhiều người trẻ ở đây!” Thật vậy, 1/3 trong số này là các tu sĩ trẻ đang học triết học và thần học hoặc đang trong giai đoạn đào tạo “bắt buộc” hoặc “học viện”, để hoàn thành triết học, thần học và thực tập việc tông đồ. ĐGH Phanxicô ngay lập tức đề nghị đặt câu hỏi để tận dụng thời gian của họ:
“Ai muốn đặt câu hỏi, hãy giơ tay lên!”
Cuộc đối thoại diễn ra bằng tiếng Indonesia, có phiên dịch sang tiếng Ý.
Thưa ĐGH Phanxicô, cám ơn ngài đã đến Indonesia và gặp chúng con. Con là một nghiên cứu sinh thần học. Con có một câu hỏi. Làm thế nào để chúng ta giải quyết những vấn đề quan trọng nhất trong Giáo hội ngày nay? Và đặc biệt, làm thế nào để chúng ta giúp đỡ những người bị gạt ra bên lề và bị loại trừ nhất?
Cha muốn các tu sĩ Dòng Tên lên tiếng. Hãy đọc Công vụ Tông đồ để xem họ đã làm gì vào thời kỳ đầu của Kitô giáo! Thánh Thần dẫn đến “sự náo động”, chứ không phải để mọi thứ đứng yên. Nói tóm lại, đây là cách giải quyết các vấn đề quan trọng. Hãy nhớ rằng các tu sĩ Dòng Tên phải ở những nơi khó khăn nhất, nơi mà chúng ta khó hành động nhất. Đó là cách chúng ta “vượt lên trên và vượt ra ngoài” để làm vinh danh Thiên Chúa hơn. Để tạo ra “tiếng động” tốt dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, chúng ta phải cầu nguyện, cầu nguyện rất nhiều. Cha luôn nhớ đến di sản của cha Arrupe, khi ngài yêu cầu các tu sĩ Dòng Tên không được từ bỏ cầu nguyện. Cha Arrupe muốn các tu sĩ Dòng Tên làm việc với những người tị nạn – một sứ vụ khó khăn ở biên giới – và ngài đã bày tỏ điều này bằng cách đề nghị anh em điều ưu tiên trước hết và quan trọng nhất: cầu nguyện, cầu nguyện nhiều hơn nữa. Bài phát biểu cuối cùng của ngài, đưa ra tại Bangkok, là di chúc ngài gửi đến các tu sĩ Dòng Tên. Ngài nói rằng chỉ trong cầu nguyện, chúng ta mới tìm thấy sức mạnh và nguồn cảm hứng để giải quyết bất công xã hội. Hãy nhìn vào cuộc sống của thánh Phanxicô Xavier, Matteo Ricci và rất nhiều tu sĩ Dòng Tên khác; họ có thể tiến về phía trước nhờ tinh thần cầu nguyện.
Con có một thỉnh cầu: Cha nói về đối thoại liên tôn và tầm quan trọng của sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Các tu sĩ Dòng Tên sống ở Pakistan đang phải liên đới với những người là nạn nhân của sự bách hại. Lời khuyên của cha là gì?
Cha nghĩ rằng con đường của người Kitô hữu luôn là con đường “tử đạo”, tức là làm chứng. Người ta cần phải làm chứng với sự thận trọng và lòng dũng cảm. Đây là hai yếu tố đi đôi với nhau, và mỗi người phải tự tìm ra cách riêng của mình. Nói về Pakistan, cha nhớ đến Asia Bibi, người đã bị bỏ tù gần 10 năm. Cha đã gặp con gái bà, người đã bí mật cho bà rước lễ. Bà đã làm chứng cách can đảm trong nhiều năm. Tiến bước với lòng dũng cảm cẩn trọng! Sự thận trọng luôn mạo hiểm khi cò lòng can đảm. Còn sự thận trọng hèn nhát thì có trái tim nhỏ bé.
Thưa cha, con tự hỏi làm sao cha có thể cầu nguyện giữa những ngày bận rộn?
Cha cần điều đó, con biết mà. Cha thực sự cần điều đó! Cha dậy sớm, vì cha đã già rồi. Sau khi nghỉ ngơi, điều đó tốt cho cha, cha thức dậy vào khoảng 4 giờ sáng, rồi đến 5 giờ, cha bắt đầu cầu nguyện: Cha đọc Phụng vụ Giờ Kinh và nói chuyện với Chúa. Nếu cầu nguyện ít, chúng ta hãy nói là, “nhàm chán”, thì cha sẽ lần hạt mân côi. Sau đó, cha đến Dinh Tông Toà để thực hiện các cuộc tiếp kiến. Rồi cha ăn trưa và nghỉ ngơi một lúc. Đôi khi trước Chúa, cha cầu nguyện thầm. Cha cầu nguyện, dâng Lễ, tất nhiên rồi. Vào buổi tối, cha cầu nguyện thêm một chút. Đọc sách thiêng liêng rất quan trọng đối với đời sống cầu nguyện của một người: chúng ta phải phát triển đời sống thiêng liêng của mình bằng những bài đọc tốt. Cha cầu nguyện như thế này, đơn giản thôi. Thật đơn giản, con biết đấy. Đôi khi cha ngủ quên khi cầu nguyện. Và điều này, khi xảy ra, không phải là vấn đề. Đối với cha, đó là dấu hiệu cho thấy cha đang nghỉ bên Chúa! Cha nghỉ ngơi bằng cách cầu nguyện. Đừng bao giờ bỏ cầu nguyện!
Thưa Đức Thánh Cha, con làm việc trong lĩnh vực đào tạo. Con muốn biết những đề xuất của ngài về việc đào tạo sinh viên trong một cộng đồng quốc tế. Làm thế nào để thúc đẩy tính liên văn hóa, tôn trọng bối cảnh đa văn hóa của những người đang trong quá trình đào tạo?
Này, cha sẽ kể về “sự khôi hài” của Chúa Thánh Thần dành cho anh em. Ngài làm gì? Như cha vừa nói lúc nãy, sau khi Chúa Kitô phục sinh, điều đầu tiên Chúa Thánh Thần làm là tạo ra một “sự xáo trộn”. Cha nhắc lại, anh em phải đọc kỹ Sách Công vụ Tông đồ. Chúa Thánh Thần “sáng tạo” và theo cách này, Ngài đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời. Sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết điều gì? Rằng có những người từ mọi quốc gia ở Jerusalem: có người Parthia, người Medes và người Elamites. Họ đều khác nhau. Và họ đều nói ngôn ngữ riêng của họ. Đây chính là ân sủng của Chúa Thánh Thần: họ tạo ra “tiếng ồn”, họ nói ngôn ngữ riêng của họ và họ đều hiểu nhau. Điều này phù hợp với các tu sĩ Dòng Tên: trở thành công cụ của Chúa Thánh Thần là tạo ra tất cả những “tiếng ồn” này.
Đây là sự hội nhập văn hóa. Các tu sĩ Dòng Tên phải có khả năng hội nhập văn hóa, như rất nhiều nhà truyền giáo đã làm ở các châu lục khác nhau. Điều này ngụ ý rằng các tu sĩ Dòng Tên rao giảng bằng ngôn ngữ phù hợp và theo hình thức phù hợp, tùy theo địa điểm và thời gian. Hai trụ cột là hội nhập văn hóa của Tin Mừng và truyền bá văn hóa. Đây cũng là lý do tại sao các tu sĩ Dòng Tên đều khác nhau, và điều đó là tốt. Không có mô hình duy nhất. Ơn gọi của chúng ta là để Chúa giúp chúng ta rao giảng Tin Mừng với tất cả sự phong phú mà Ngài đã ban cho chúng ta.
Điều này cũng áp dụng cho các điều kiện, tính khí và tính cách cá nhân, ví dụ như tuổi tác. Một thanh niên không thể tự làm mình già đi, cũng như một người già không thể tự làm mình trẻ lại, vì điều đó thật nực cười. Mọi người đều được kêu gọi rao giảng Tin Mừng theo độ tuổi, kinh nghiệm và văn hóa của riêng mình. Cha muốn nói thêm điều này: đó là lý do tại sao sự phân định lại quan trọng đến vậy. Người ta phải có khả năng phân định để hội nhập văn hóa: tìm kiếm và tìm thấy Thiên Chúa ở nơi Ngài cho tìm thấy, nơi Ngài đã hiện diện trong các nền văn hóa. Việc thực hành sự phân định là động lực. Điều này giúp chúng ta không bao giờ có thể núp mình sau câu nói “luôn luôn được thực hiện theo cách này rồi”, cứ tiếp tục như chúng ta vẫn thường làm. Điều này không tốt; chúng ta cần phải phân định mọi lúc, và sự phân định dẫn đến tiến triển.
Điều quan trọng là không phân định một mình, mà còn phải đối thoại với bề trên. Nếu con nhận được một sứ vụ nhàm chán hoặc một sứ vụ mà con cảm thấy không phải của mình, hãy phân định. Sự phân định tốt không phải lúc nào cũng có thể thực hiện một mình: cần có bạn đồng hành. Cha đang nói với cả những người trẻ đang trong tiến trình đào tạo, những người đã được đào tạo, và thậm chí có thể là cả những người lớn tuổi. Tuy nhiên, hãy cẩn thận; những bức tranh biếm họa về sự phân định luôn rình rập! Cha luôn nhớ trường hợp một tu sĩ Dòng Tên đang trong tiến trình đào tạo. Mẹ của thầy mắc ung thư, và thầy đã xin cha Giám tỉnh cho chuyển đến một thành phố khác để ở gần mẹ. Sau đó, thầy ấy đến nhà nguyện để cầu nguyện. Thầy ở đó cho đến rất muộn. Khi trở về, thầy thấy một lá thư từ cha Giám tỉnh. Thầy thấy rằng thư được viết vào ngày hôm sau. Cha Giám tỉnh đã quyết định rằng thầy nên ở lại nơi thầy đang ở và viết cho thầy rằng ngài đã đưa ra quyết định này sau khi suy ngẫm và cầu nguyện. Nhưng điều này không đúng! Ngài đã đưa lá thư có ngày gửi vào hôm sau cho cha phụ tá để chuyển vào sáng hôm sau, nhưng vì giờ đã muộn nên cha phụ tá đã chuyển ngay trong đêm hôm đó. Đây là sự giả hình! Hãy lắng nghe chúng con, những người sẽ trở thành bề trên vào ngày mai! Đừng làm rối loạn sự phân định! Anh em phải lắng nghe Chúa Thánh Thần. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Sự thật luôn phải được nói trực tiếp. Con có hiểu không?
Một tu sĩ Dòng Tên mà cha rất yêu mến là một trong những người bạn đồng hành đầu tiên của Thánh Ignatius, Phêrô Faber. Với con, có vẻ như cha đề cập đến cha Faber nhiều hơn cả chính cha Ignatius. Vì vậy, con đã đào sâu vào tính cách của ngài và nhận ra rằng ngài có khả năng lắng nghe và dựa vào Chúa Thánh Thần rất lớn. Đó có phải là lý do tại sao cha yêu mến ngài nhiều như vậy không?
Đúng vậy. Cha đã đọc Nhật ký thiêng liêng của cha Faber nhiều lần và đã xuất bản một ấn phẩm khi cha còn là Giám tỉnh. Có một số câu chuyện trong nhật ký của ngài phản ánh sự khôn ngoan sâu sắc của trái tim. Và ngài đã chết “trên con đường này”. Tuy nhiên, ngài vẫn là một “á thánh”. Khi cha trở thành Giáo hoàng, cha đã tuyên thánh cho ngài. Có những nghiên cứu rất cảm động về cuộc đời của ngài mà anh em có thể đọc. Cha muốn nói là ngài “chăm sóc mục vụ bằng trái tim”, một phẩm chất mà chúng ta rất cần ngày nay.
Chúng con là những sinh viên và đôi khi chúng con tham gia vào các cuộc biểu tình. Con đồng hành cùng gia đình các nạn nhân từng bị vi phạm nhân quyền. Con xin gửi cho cha một lá thư do bà Maria Katarina Sumarsih viết, mẹ của một trong những nạn nhân của thảm kịch Semanggi năm 1998, khi những người dân thường biểu tình bị giết. Bà là một trong những người khởi xướng Kamisan, lấy cảm hứng từ các bà mẹ của Plaza de Mayo ở Argentina. Nhóm này kêu gọi chính phủ tiết lộ những vụ vi phạm nhân quyền trong quá khứ và trả lại công lý cho các nạn nhân và gia đình của họ. Cha có thể cho chúng con lời khuyên gì?
Con có biết rằng chủ tịch của phong trào Plaza de Majo đã đến gặp cha không? Cha đã rất xúc động và cuộc nói chuyện với bà đã giúp ích rất nhiều cho cha. Bà đã truyền cho cha niềm đam mê để lên tiếng cho những người không có tiếng nói. Đây là nhiệm vụ của chúng ta: lên tiếng cho những người không có tiếng nói. Hãy nhớ rằng: đây là nhiệm vụ của chúng ta. Tình hình dưới chế độ độc tài của Argentina rất khó khăn, và những người phụ nữ này, những người mẹ này, đã đấu tranh cho công lý. Hãy luôn thúc đẩy lý tưởng công lý!
Đức Giáo hoàng Phanxicô đọc bức thư và thấy tên của Marta Taty Almeida và nói thêm:
Đúng vậy, Marta Taty Almeida! Bà ấy đã đến gặp cha trước khi bà ấy mất!
Con đến từ Myanmar. Chúng con đã trải qua một tình trạng khó khăn trong ba năm. Cha khuyên chúng con nên làm gì? Chúng con đã mất cuộc sống, gia đình, ước mơ và tương lai. Làm sao chúng con không mất hy vọng?
Tình hình ở Myanmar rất khó khăn. Con biết rằng người Rohingya rất gần gũi với trái tim cha. Cha đã đến Myanmar và nói chuyện ở đó với bà Aung San Suu Kyi, người từng là thủ tướng và hiện đang ở trong tù. Sau đó, cha đã đến thăm Bangladesh và gặp những người Rohingya đã bị trục xuất. Hãy xem, không có câu trả lời chung nào cho câu hỏi của con. Có những người trẻ tốt đang chiến đấu vì quê hương của họ. Ở Myanmar ngày nay, con không thể im lặng; con phải làm gì đó! Tương lai của đất nước con phải là hòa bình, dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và quyền của tất cả mọi người, tôn trọng trật tự dân chủ cho phép mỗi người đóng góp vào lợi ích chung. Cha đã kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và đón con trai bà tại Roma. Cha đã đề nghị Vatican làm nơi tị nạn cho bà. Ngay bây giờ, người phụ nữ này là một biểu tượng và các biểu tượng chính trị cần được bảo vệ. Con có nhớ nữ tu quỳ gối với hai tay giơ lên trước quân đội không? Hình ảnh của sơ đã lan truyền khắp thế giới. Cha cầu nguyện cho những người trẻ tuổi sẽ dũng cảm như vậy. Giáo hội ở đất nước con rất can đảm.
Con là Giám tỉnh và con muốn cảm ơn cha vì những gì cha đã nói với chúng con và vì sự khôn ngoan của cha. Con không đặt câu hỏi, nhưng con muốn giới thiệu với cha một hoạt động mà chúng con thực hiện ở đây, đó là một phần của Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng. Chúng con sẽ giới thiệu cho cha “Utusan”, một tạp chí nổi tiếng ở Indonesia. Hợp tác với “Rohani”, một tạp chí dành cho những người theo đạo, tạp chí này đã mời độc giả viết thư cho cha. Nhiều người đã viết thư, bao gồm cả một số người theo đạo Hồi. Những lá thư sau đó đã được xuất bản trên “Utusan” và “Rohani”, và cũng được xuất bản trong một cuốn sách có tựa đề “Những lời thì thầm hy vọng: Những lá thư từ trái tim chúng con gửi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Ngoài ra còn có một món quà từ chúng con, một chiếc khăn choàng do tù nhân làm theo họa tiết batik, một kỹ thuật trang trí của Indonesia. Đây là món quà tượng trưng cho lòng thống hối của họ.
Xin gửi lời chào đến các tù nhân thay cha; hãy gửi lời chào đến họ! Khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, vào Thứ Năm Tuần Thánh, cha không rửa chân trong nhà thờ chính toà mà là trong nhà tù. Và ở đó, cha đã học được cách luôn cầu nguyện khi vào tù, “Lạy Chúa, tại sao lại là họ mà không phải là con?” Chúng ta sẽ thấy cầu nguyện như vậy rất tốt khi gặp những người đã thất bại, đã sa ngã, “Tại sao lại là họ mà không phải là con?”
Cuối cùng, vị Giám tỉnh trao cho Đức Giáo hoàng một bức tượng gỗ có biểu tượng IHS của Dòng Tên, nói rằng, “Với những món quà này, chúng con hy vọng Đức Thánh Cha sẽ luôn nhớ đến chúng con, những người Dòng Tên của Indonesia.” Đức Giáo hoàng đáp lại bằng một nụ cười rồi nói:
Quá nhiều quà tặng! Cảm ơn tất cả. Hãy cầu nguyện cho cha và cho Dòng được can đảm… Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ bằng một Kinh Kính Mừng, mỗi người bằng ngôn ngữ của mình.
Cuối buổi gặp mặt, Đức Phanxicô đã chào tất cả những tu sĩ Dòng Tên hiện diện, từng người một, tặng cho mỗi người một món quà là chuỗi Mân Côi.
(Còn tiếp)
Đình Chẩn chuyển ngữ
Nguồn: laciviltacattolica.com; truy cập ngày 26/09/2024.
Tin tức liên quan khác
Ngày 06/08: Chúa Giêsu Hiển Dung năm B – Đến với Chúa (Mc 9,2-10)
ĐHY Zuppi đi Nga ngày 28 và 29/6 để tìm con đường cho một hoà bình công bằng
Học viện Công giáo Việt Nam: tiếp tục mở các khóa học ứng dụng chương trình Ngôn ngữ 2023
Phong thánh “tương đương”, một đặc trưng của Đức Giáo hoàng Phanxicô?
Hội đồng Giám mục khai mạc Hội nghị thường niên kỳ I/2024
Cánh Hạc Nhói Lòng Nhìn Bến Quê
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 – Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua
Diễn từ Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho tham dự viên green&blue festival 2023