TỰ DO CÓ NGHĨA LÀ ĐÓNG ĐINH CÁI TÔI CỦA CHÚNG TA
Constance T. Hull
WHĐ (12.01.2023) – Trong mỗi chúng ta đều có một cuộc chiến đang diễn ra mỗi ngày. Chúng ta chiến đấu với sự khao khát sâu xa về quyền lực, quyền kiểm soát, niềm vinh dự và sự ca ngợi. Tất cả những điều mà chúng ta lầm tưởng sẽ mang lại cho chúng ta sự an nhàn, tình yêu và sự bình yên. Trong vô thức, chúng ta không ngừng tìm cách thỏa mãn những khía cạnh này của cái tôi bằng những cách thức lớn nhỏ khác nhau. Cuộc chiến này khiến chúng ta phải trải qua những ngày mắc bẫy trong vòng xoáy sợ hãi.
Tất cả chúng ta đều như vậy. Đó là một phần bản tính sa ngã của chúng ta. Đây chính là lý do tại sao Chúa chúng ta đã chiến đấu chống lại những khuynh hướng này trong sa mạc khi ma quỷ đến cám dỗ Ngài sau 40 ngày ăn chay và cầu nguyện. Chúng ta cũng được kêu gọi chiến đấu chống lại những cám dỗ này, nhưng chúng ta thường không nhận ra rằng chúng ta cần phải loại bỏ những khuynh hướng này trong con người mình đến mức độ nào.
Chúng ta được tạo ra bởi tình yêu và cho tình yêu. Chúng ta khao khát sâu xa được những người chung quanh yêu thương và chấp nhận. Chúng ta tìm đến người khác để được xu nịnh, vinh danh và khen ngợi. Chúng ta muốn được thừa nhận trong mọi việc chúng ta làm. Chúng ta bắt đầu tìm kiếm ý kiến của người khác thay vì ý định của Thiên Chúa. Chúng ta bắt đầu nhầm lẫn những ý kiến đó là ý kiến của Thiên Chúa. Điều này đảo ngược những gì Thiên Chúa đang yêu cầu chúng ta. Chúng ta phải tìm kiếm Ngài và đường lối của Ngài cho cuộc sống của mình, chứ không phải tiên quyết dựa vào ý kiến của người khác.
Một phần lý do khiến mạng xã hội trở thành thói nghiện ngập của quá nhiều người là vì đó là thế giới mà chúng ta tạo ra dựa trên cái tôi của chính mình. Chúng ta có thể chia sẻ bất cứ suy nghĩ nào chúng ta có và đưa nó ra cho công chúng tiêu dùng. Mỗi lần bấm nút “like” là mỗi lần chúng ta tự khẳng định mình, có lẽ là một sự khẳng định mình mà chúng ta chưa bao giờ đạt được trong quá trình trưởng thành, trong sự nghiệp hoặc trong các mối tương quan khác với mọi người. Chúng ta tìm kiếm những người khác để củng cố những gì chúng ta tin tưởng, ngay cả khi điều đó sai trái hoặc lầm lạc. Chúng ta tìm kiếm sự xác nhận đó mà lại không quay về với Thiên Chúa.
Trở thành môn đệ của Chúa Kitô là theo đuổi một con đường rất khác với phần còn lại của thế gian. Trên thực tế, đó là một con đường hoàn toàn trái ngược với những khuynh hướng sa ngã của con người chúng ta. Bản tính sa ngã mách bảo chúng ta rằng chúng ta cần nắm lấy quyền lực, vinh dự, sự công nhận, niềm vui và sự thoải mái. Chúa Kitô yêu cầu chúng ta chấp nhận một Mạo gai, đứng trước Philatô – quyền lực thế gian – và chấp nhận bản án tử hình. Chúng ta được kêu gọi từ bỏ chính mình và bất cứ mong muốn nào được nâng lên thành quyền lực thế gian vì đó là cái giá phải trả khi bước theo Chúa Kitô.
Mối nguy hiểm cho tất cả chúng ta khi ham muốn vinh dự, quyền lực, sự an nhàn và khen ngợi của thế gian là chúng ta sẽ từ bỏ và lên án Chúa Kitô và đứng về phía Philatô. Thực ra, tất cả chúng ta đều làm như vậy khi phạm tội, nhất là khi chúng ta muốn đi theo đám đông hơn là đứng một mình với Đấng Cứu Thế bị đánh đòn. Tìm kiếm sự thánh thiện thường là đứng một mình. Đó là sẵn sàng chịu sự lên án, bị chối bỏ và phản bội vì chúng ta chọn kết hợp với Chúa Kitô thay vì thế gian. Cân đo đời sống tâm linh bằng tiêu chuẩn đám đông là mối nguy hiểm lớn cho tâm linh.
Chúng ta được mời gọi tìm kiếm vinh dự và giá trị của mình nơi Cha Trên Trời. Chúng ta là con cái yêu dấu của Ngài. Ngài là Đấng trước sau như một, thương xót và đầy yêu thương. Ngài không để chúng ta một mình. Chúng ta có thể nghỉ ngơi trong Ngài vì Ngài yêu thương chúng ta trọn vẹn. Tình yêu của con người vốn không hoàn hảo, hời hợt và có xu hướng tội lỗi. Chúng ta có xu hướng tìm kiếm sự thừa nhận ở những nơi sai trái. Tình yêu mà chúng ta được kêu gọi tới và vì đó mà chúng ta được tạo thành có một cái giá phải trả, chính bởi vì chúng ta cần phải được luyện lọc và thanh tẩy khỏi cái tôi cũng như sự phụ thuộc quá mức vào ý kiến của những người khác.
Đó là con đường chất đầy gỗ nặng của Thập Giá, nơi Thiên Chúa hoàn tất việc thanh luyện này để chúng ta có thể thực sự yêu mến Ngài và những người khác như Ngài yêu thương. Thập giá là tự do, mặc dù thập giá đồng thời cũng đầy đau khổ vì qua thập giá chúng ta chết đi cho chính mình và sống lại với Chúa Kitô. Chúa dạy chúng ta phải theo Ngài trên Con Đường Thập Giá để được sự sống đời đời. Không có cách nào khác.
Điều này có nghĩa là chúng ta không được mời gọi đi trên con đường của sự công nhận, vinh danh, xu nịnh và khen ngợi. Thay vào đó, chính con đường từ bỏ bản thân, khiêm tốn và thường bị từ chối mới thực sự dẫn đến tình yêu. Tất cả các vị thánh đều hiểu được điều này trong suốt cuộc đời của họ. Thánh Faustina nói: “Đau khổ là một ân sủng lớn lao; qua đau khổ linh hồn trở nên giống Đấng Cứu Thế; trong đau khổ tình yêu trở nên kết tinh; đau khổ càng lớn thì tình yêu càng thuần khiết.”
Để tìm thấy sức mạnh trong sự kết hợp với Chúa Kitô trên Con đường Thập giá, chúng ta phải bắt đầu đưa ra những lựa chọn vô cùng đau đớn lúc ban đầu. Những lựa chọn này hình thành thói quen có thể tìm thấy trong Kinh Cầu Khiêm Hạ. Kinh cầu này xin Thiên Chúa sắp xếp lại cõi lòng, tâm trí, cái tôi, linh hồn và thể xác của chúng ta chỉ dành cho một mình Ngài mà thôi. Kinh cầu bắt đầu như sau:
Lạy Chúa Giêsu! Hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin hãy nghe tiếng con cầu.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi ước muốn được ngưỡng mộ.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi ước muốn được mến thương.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi ước muốn được tán dương.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi ước muốn được vinh danh.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi ước muốn được khen ngợi.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi ước muốn được ưa thích hơn người.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi ước muốn được người khác hỏi ý kiến.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi ước muốn được tán đồng.
Kinh cầu đi vào trọng tâm ước muốn của chúng ta là được suy tôn giữa những người đồng hàng với chúng ta. Lý do chúng ta cần thoát khỏi những ham muốn này là vì chúng cản trở chúng ta yêu Chúa và yêu người khác thực sự. Chúng ta lợi dụng người khác và phớt lờ Thiên Chúa. Chúng ta đặt mình vào trung tâm vũ trụ, điều này cản trở sự thăng tiến của chúng ta trên con đường thánh thiện.
Chúng ta biết đây là tình trạng của chúng ta vì những xu hướng này là lý do khiến chúng ta sống phần lớn cuộc đời mình trong tê liệt sợ hãi. Chúng ta sợ bị bỏ rơi, bị từ chối, bị chỉ trích và không được yêu thương. Nền văn hóa của chúng ta đã trở nên mong manh vì cái tôi thống trị đến mức chúng ta không còn khả năng bầy tỏ quan điểm bất đồng nữa. Điều này biến chúng ta thành những kẻ bạo chúa luôn tìm cách bảo vệ cái tôi của mình đứng trên mọi người khác. Nếu ai đó không tán thành chúng ta, không thừa nhận chúng ta trong mọi việc hoặc không khen ngợi chúng ta, thì chúng ta sẽ loại bỏ họ. Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa hét lên “Đóng đinh nó đi!” Để đáp lại những lời khiêu khích nhỏ nhất.
Gốc rễ của tất cả những điều này là sự sợ hãi. Nỗi sợ bị loại bỏ và bị từ chối. Trong đáy lòng chúng ta sợ không được người khác ưa thích. Chúng ta sợ Thập Giá và sự đóng đinh. Thiên Chúa muốn bước vào chính nỗi sợ hãi này để giải thoát chúng ta, để Ngài có thể làm cho tâm hồn chúng ta bừng cháy tình yêu của Ngài. Một tình yêu giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi vì sự an toàn và giá trị của chúng ta bắt nguồn từ Ngài chứ không phải từ ý kiến của những người khác.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con khỏi nỗi sợ bị sỉ nhục.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con khỏi nỗi sợ bị khinh thường.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con khỏi nỗi sợ bị quở trách.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con khỏi bị vu khống.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con khỏi nỗi sợ bị quên lãng.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con khỏi nỗi sợ bị chế nhạo.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con khỏi nỗi sợ bị đối xử bất công.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con khỏi nỗi sợ bị nghi ngờ.
Lớn lên trong sự khiêm nhường và tin cậy có nghĩa là để cho Ngài chữa lành chúng ta khỏi những nỗi sợ hãi mà chúng ta trở thành nạn nhân của nó vì cái tôi của mình. Khi chúng ta được bảo đảm trong tình yêu của Chúa Kitô, chúng ta sẽ thấy rằng tình yêu thực sự có thể chịu đựng những đau khổ này vì tình yêu Chúa Kitô và để hoán cải những người làm tổn thương chúng ta. Chúng ta không còn bị tê liệt bởi cái tôi bạo ngược của mình nữa. Chúng ta nghỉ ngơi an toàn trong tình yêu của Chúa Kitô. Chúng ta biết mình được yêu thương, ngay cả khi người lân cận từ chối chúng ta.
Trong quá trình này, chúng ta phải đối mặt với niềm tin sai lầm đang lan tràn khắp Kitô giáo phương Tây rằng đời sống Kitô giáo sẽ là một cuộc sống được anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô và những người khác chấp nhận và tán thành; rằng đám đông sẽ ở bên chúng ta. Ngay cả chỉ cần đọc lướt qua cuộc đời các vị thánh chúng ta cũng thấy thứ niềm tin này bị bác bỏ. Càng theo Chúa Kitô, chúng ta càng gặp nhiều khó khăn. Đầy tớ không lớn hơn Chủ mình. Thầy chúng ta đã bị tra tấn, bị bỏ rơi, bị phản bội và bị đóng đinh một cách tàn bạo.
Chúa Giêsu muốn chúng ta hoàn toàn hiệp nhất với Ngài. Điều này có nghĩa là đi theo Ngài trong sự phản bội, chối từ, ruồng bỏ, chỉ trích và cuối cùng là bị đóng đinh. Có một tình trạng rất thực tế là nếu chúng ta không gặp trở ngại và được mọi người yêu mến thì chúng ta đang ở xa Chúa Kitô vì chúng ta đã từ bỏ Thập Giá để chọn đi theo Philatô.
Một khi chúng ta đã chiến đấu trong trận chiến vĩ đại chống lại cái tôi của chính mình nhờ sự khiêm nhường và tình yêu của Chúa Kitô, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc sống này không phải là chuyện nhận được vinh dự, quyền lực hay lời khen ngợi của thế gian. Đó là vui mừng với người khác và đau khổ với người khác như Chúa Kitô đã làm. Đây là bản chất của tình yêu. Và rồi chúng ta có thể vui mừng cầu nguyện phần còn lại của Kinh Cầu:
Xin cho người khác được yêu thương hơn con,
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn ước ao điều đó.
Xin cho người khác được quý trọng hơn con,
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn ước ao điều đó.
Xin cho những người khác được chọn và con bị gạt sang một bên,
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn ước ao điều đó.
Xin cho người khác được khen ngợi và con không được chú ý tới,
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn ước ao điều đó.
Xin cho người khác được ưa thích hơn con trong mọi sự,
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn ước ao điều đó.
Xin cho người khác có thể trở nên thánh thiện hơn con, miễn là con có thể trở nên thánh thiện như con phải làm.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn ước ao điều đó. Amen.
Hồng y Merry del Val
Đây là con đường dẫn đến tự do. Cùng với sự tự do đó là tình yêu đích thực và sự chấp nhận bởi vì chúng ta tìm thấy nguồn vui của mình trong Chúa Kitô và trong việc trao ban tình yêu thương cho người khác. Chúng ta không còn bám víu vào quyền lực và vinh dự vì sợ hãi và bất an. Thay vào đó, chúng ta tìm cách cho đi chính mình mặc dù điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ bị hiểu lầm, bị từ chối và bị phản bội giống như Chúa chúng ta đã chịu những nỗi đớn đau tương tự. Cuối cùng, sự kết hợp với Chúa Kitô là điều quan trọng nhất bởi vì Ngài là nguồn cứu độ của chúng ta. Chỉ có Ngài mới có thể ban bình an, yên ổn và tình yêu chứ không phải ý kiến hay mong muốn của người bên cạnh chúng ta. Con đường này là cách chúng ta tìm thấy sức mạnh trong Chúa Kitô để yêu thương thậm chí kẻ thù của mình. Con Đường Thập Giá là con đường khiêm hạ.
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (17.03.2022)
Tin tức liên quan khác
Chúa nhật 7 Phục sinh năm B (Mc 16,15-20) – Chúa Thăng Thiên – Niềm hy vọng Nước Trời
Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho phái đoàn Hội đồng Rabbi Âu Châu
Biên bản Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam
Gặp gỡ Đức Kitô
Ngày 29/07: Thánh nữ Martha, Maria và Ladarô
Làm sao để biết mình đang kinh nghiệm về Thiên Chúa?
Hội đồng Giám mục: Hội nghị thường niên kỳ II/ 2023 – Ngày II
Tân Giáo hạt Hương Phố