TGPSG – Chắc trong đời, ai cũng có lần bị trầy xước. Trầy xước thể lý, tâm lý hay tình cảm. Có những trầy xước để lại những tổn thương. Ngược lại có những trầy xước làm cho ta được thành toàn trong nhân cách. Có một câu chuyện trầy xước làm nao lòng người kể cũng như người nghe. Chuyện kể như sau:
Trên quãng đường vắng một chiều đông, người ta thấy một cậu bé khoảng 12 tuổi đứng bên lề đường vẫy tay cho những chiếc xe chạy qua. Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc, bốn chiếc, năm chiếc… sáu…bảy…tám… không chiếc nào dừng lại! Quá thất vọng, cậu bé bỏ chiếc ba lô xuống, lượm những cục đá nhỏ để chọi vào xe, hy vọng bác tài sẽ chú ý ngừng lại hỏi bé cần gì.
Đợi một hồi lâu, có một chiếc chạy qua. Băng! Cục gạch ném trúng bánh xe nhưng tài xế chạy luôn. Đợi thêm một lát nữa, lại Băng! Lần này cục gạch ném trúng vào cánh cửa xe rất mạnh, làm thành một vết xước khá to. Chiếc xe còn mới toanh, mới lấy từ hãng xe Mercedes ra. Anh kỹ sư tài xế tức giận dừng xe, mở cửa tiến đến đứa bé đang đứng khoanh tay nhìn mình. Anh giận lắm, định tát cho nó mấy cái vì tội đùa nghịch làm trầy xước chiếc xe mới của mình, chiếc xe mà anh đã ki cóp bao năm trời mới tậu được. Nhưng anh chưa kịp làm gì thì cậu bé đã cúi đầu lễ phép nói:
– Cháu xin lỗi chú vì làm trầy xước cửa xe của chú, nhưng cháu đã vẫy tay cầu cứu mà không có xe nào dừng lại. Chú có thấy dưới bờ dốc của lề đường không? Một mình cháu không làm gì được, cháu cần sự giúp đỡ của chú ạ!
Anh kỹ sư nhìn theo hướng tay cậu bé và thấy rõ ràng một chiếc xe lăn lật úp, cạnh đó là một phụ nữ đang ôm mặt khóc. Anh chợt hiểu và vội vàng chạy tới chiếc xe, mở cốp lấy một ít dụng cụ, rồi ngoắc cậu bé chạy theo mình.Tới bờ dốc anh đưa cho cậu đầu một sợi dây thừng, bảo cậu đứng đó nắm dây thật chặt. Còn anh thì thoăn thoắt lần theo sợi dây tiến về phía người phụ nữ. Hì hục kẻ kéo người đẩy, cuối cùng người phụ nữ cũng được đưa lên mặt đường an toàn với chiếc xe lăn. Bà lên tiếng cám ơn rồi lặng lẽ lăn xe đi về hướng ngược lại. Cậu bé cũng rối rít cám ơn chú kỹ sư và chậm rãi đi bộ về nhà cách đó không xa.
Hóa ra 3 người xa lạ đã là anh em của nhau trong cơn hoạn nạn. Người phụ nữ bị trầy xước tay chân do trượt xe chỗ dốc, nhưng ngược lại bà cảm nhận được sự ấm áp của tình người trong một chiều đông lạnh giá. Cậu bé bị các vết hằn trên đôi tay nhỏ bé, nhưng đó chính là vết tích của niềm vui biết tìm cách giúp người trong cơn hoạn nạn. Còn anh kỹ sư lòng vừa vui, vừa hối hận vì lúc ban đầu đã nổi cơn nóng giận với cậu bé. Anh muốn giữ chiếc xe với vết trầy xước này không đem sơn sửa lại vì nếu cậu bé không ném đá thì anh đã vô tình bỏ rơi một hoàn cảnh đáng thương bên lề đường. Vết trầy xước nhắc anh phải biết làm chủ cảm xúc và sẵn sàng chừa chỗ trống cho người khác bước vào “quấy rầy” mình, khi họ cần giúp đỡ.
Sự hiểu biết cũng giống như “ánh sáng”. Nó như cây đèn cháy sáng giúp mình nhìn thấy con đường phải đi. Còn khi đã giác ngộ, thì chính mỗi người sẽ trở thành một cây đèn cháy sáng dẫn đường cho người khác. Tin Mừng hôm nay mời gọi hãy trở nên “Ánh Sáng và Muối Đất”. Đó cũng là lệnh Chúa Giêsu truyền cho mọi Kitô hữu. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,13-16).
Maria Trần thị Nhan (TGPSG)
Tin tức liên quan khác
ĐTC mời gọi các tín hữu Hàn Quốc tái khám phá ơn gọi “tông đồ hoà bình”
Thánh Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023
Thứ Bảy tuần 1 Thường niên năm I – Đồng cảm (Mc 2,13-17)
Tháng 5: tản mạn câu chuyện về những người mẹ
Ta nói gì khi đau khổ?
Hoa Mân Côi Cuối Mùa: Xin Dâng Lên Mẹ!
Giáo Hội – Người Lữ Hành Của Niềm Hy Vọng
Giáo xứ Thủy Vực: Thánh lễ trong Tuần Chầu Đền tạ