-
Viếng Thánh Thể là gì?
Viếng Thánh Thể là hành vi tôn thờ Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.
Giáo hội Công giáo kể từ thời các Tông đồ đã tin rằng, trong Thánh lễ, sau khi linh mục chủ tế đọc lời “truyền phép”, bánh và rượu trên bàn thờ thực sự trở nên Thịt Máu Chúa Giêsu. Vì thế, sau lời “truyền phép”, linh mục đã nâng cao “bánh thánh” và “chén thánh” cho cộng đoàn thờ lạy.
Ban đầu, vào thuở sơ khai của Giáo hội, các bánh thánh được truyền phép trong Thánh lễ thường được rước hết ngay lập tức, hoặc được phân phát cho người đau ốm nằm liệt giường. Nhà Tạm rất hiếm có và thường cách xa nhà thờ chính, không được thiết kế cho sự sùng kính cá nhân.
Việc thực hành viếng Thánh Thể, để các tín hữu cung kính thờ lạy và trìu mến ngắm nhìn Mình Thánh Chúa chỉ được phát triển sau này.
Vào thế kỷ 11, sau khi một phó tế ở Pháp và một số người khác công khai phủ nhận sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, Đức Giáo hoàng Gregory VII và các vị giáo hoàng sau này đã hô hào cổ võ việc Viếng Thánh Thể, Chầu Phép lành Thánh Thể và Rước kiệu Thánh Thể để giúp các tín hữu thể hiện niềm tin, thờ lạy và sống thân mật với Chúa Giêsu hiện diện thực sự dưới hình bánh trong Nhà Tạm.
-
Tầm quan trọng và sự ích lợi của việc Viếng Thánh Thể
Đã có rất nhiều vị thánh và các nhà linh đạo nói về việc Viếng Thánh Thể. Đức Giáo hoàng Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh rằng, cần quỳ im lặng trước Nhà Tạm để:
-
Hiểu biết Chúa
Nhờ viếng Thánh Thể mà hiểu được chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa:
“Đắm mình thờ lạy Thánh Thể trong im lặng là bí quyết để nhận biết Chúa. Người ta không thể biết Chúa nếu không có thói quen thờ phượng Chúa trong thinh lặng… Thờ phượng Thiên Chúa có nghĩa là thừa nhận rằng chỉ một mình Ngài là Chúa. Cuộc sống của ta, cùng với con đường lữ hành của Giáo hội, cũng như kết quả cuối cùng của lịch sử, tất cả đều phụ thuộc vào tình yêu dịu dàng của Ngài. Ngài mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của ta.”
-
Hiểu biết chính mình
Nhờ viếng Thánh Thể mà hiểu rõ bản thân của mình hơn dưới ánh sáng của Người:
“Khi một người đặt mình ngoan ngoãn và khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa, họ sẽ nhận được sự hiểu biết rất cụ thể về ý nghĩa đời mình. Chính trong lời cầu nguyện trung thành không ngừng nghỉ, đặc biệt trong việc tôn thờ, mà mọi sự có được sự hài hòa. Người ta nắm bắt rõ ràng hơn mục tiêu của đời mình, tìm thấy nơi Chúa sức mạnh và ánh sáng để thực hiện chúng theo kế hoạch của Ngài… để cho hạt giống Nhập Thể nở hoa, giúp họ cộng tác vào công việc của Chúa, là Đấng giống như men đang làm thay đổi thế giới. Thờ phượng là cầu thay, là đền tạ, để Thiên Chúa sắp xếp lại lịch sử. Khi thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy mình được tự do, thoát được mọi hình thức tôn thờ ngẫu tượng, và hướng về Chúa Giêsu chứ không chỉ hướng về chính mình. Chỉ trước sự hiện diện của Chúa, chúng ta mới được thanh tẩy, được đổi mới nhờ ngọn lửa Thánh Thần của Người, và Lời Chúa mới trở nên sống động trong tim ta.”
-
Hiểu biết tha nhân và loan báo Tin Mừng
Nhờ viếng Thánh Thể mà hiểu biết tha nhân với cái nhìn của Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các giám mục, giáo sĩ và những nhân viên mục vụ của Giáo hội ở Mông Cổ trong chuyến viếng thăm đất nước này vào tháng 9 năm 2023:
“Khi chúng ta tiếp xúc với khuôn mặt của Chúa Kitô, tìm kiếm Người trong Kinh thánh và chiêm ngưỡng Người trong sự thờ phượng thầm lặng trước Nhà Tạm, chúng ta sẽ nhìn thấy Người trên khuôn mặt của những người chúng ta phục vụ và cảm nghiệm được niềm vui nội tâm, ngay cả giữa khó khăn, mang lại an bình cho tâm hồn chúng ta. Một Kitô hữu là người có khả năng tôn thờ, thờ phượng trong thinh lặng. Và rồi từ việc tôn thờ này sẽ phát sinh ra hoạt động loan báo Tin Mừng.”
-
Những việc có thể làm khi âm thầm viếng Thánh Thể
Khi một mình đến viếng Chúa Giêsu Thánh Thể, ta có thể:
- Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ: Hiệp cùng Giáo hội và toàn thể triều đình thiên quốc dâng lên Chúa những lời kinh được chính Chúa Thánh Thần linh hứng trong Kinh Thánh.
- Đọc Kinh Thánh và suy niệm Lời Chúa: Lắng nghe Chúa nói với mình qua Thánh Kinh và Thánh Thể.
- Lần hạt Mân Côi: Cầm lấy tràng hạt như cầm lấy bàn tay của Đức Mẹ để cùng Mẹ chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể qua cuộc đời của Chúa được diễn tả trong các mầu nhiệm Mân Côi.
- Lần hạt Lòng Chúa Thương Xót: cảm nhận Chúa thương xót mình cho dù mình có yếu đuối và tội lỗi đến đâu đi nữa.
- Nhớ đến từng khuôn mặt những người mình có trách nhiệm chăm sóc và cầu xin Chúa Giêsu Thánh Thể ủ ấp cuộc đời của họ.
- Im lặng tôn thờ Chúa, chìm đắm trong sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể nhờ đó mà hiểu Chúa, hiểu bản thân của mình và hiểu biết tha nhân trong ánh sáng của Chúa Giêsu Thánh Thể.
Lm Vi Hữu (tổng hợp từ Aleteia & CatholicExchange)
Tin tức liên quan khác
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 07/2024: Cầu cho việc Chăm sóc mục vụ bệnh nhân
Quy định mới về các hiện tượng siêu nhiên
Bầu khí tiếp đón Đức Thánh Cha tại Điện Quốc Gia Mông Cổ sáng thứ Bảy ngày 02.09.2023
Tâm tình bên Mẹ Maria
Thứ Sáu tuần 19 Thường niên năm II – Hôn nhân bất khả phân ly (Mt 19,2-12)
Mùa Chay – Mùa xét mình
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc
🛑 Trực Tiếp Thánh Lễ Truyền Chức Linh mục | Giáo Phận Hà Tĩnh | Lúc 7:30 Thứ Ba ngày 20.6.2023