TGPSG — Con nhớ lúc còn sống, dường như cha là người con viết thư nhiều hơn hết. Con nhận cha là người tri kỉ, là người con tin tưởng nhất và là tình yêu lớn của cuộc đời, nhưng từ nhỏ con cũng không tâm sự với cha một cách trực tiếp nhiều, mà chủ yếu là qua những bức thư, con là con trai mà lại ngại bộc lộ qua ngôn ngữ nói, chỉ thích qua những con chữ câu văn.
Hôm nay, những dòng chữ này cha không đọc được, con cũng không thể bỏ vào phong thư dán con tem gửi tới cha như cách đây hơn hai năm về trước, lúc cha còn hiện hữu trên trần gian này với chúng con. Nhưng chắc chắn, trên thiên đường con biết cha vẫn dõi theo, vì “Cha lúc nào cũng sẽ cùng con bước trên đường đời. Khi con mệt mỏi, khi con sắp gục ngã, khi con chán nản muốn dừng bước trên con đường con đã chọn, khi con muốn quay đầu lại, thì hãy nhớ, cha luôn đồng hành cùng con. Mãi mãi, mãi mãi…” (Trích trong Bố con Cá Gai)
Hơn thế nữa, trong con mắt của một người tin, con biết cha vẫn đang đồng hành cùng con, cha đang sống vì “sự sống không mất mà chỉ là thay đổi”. Ngôn ngữ đời thường nói là cha chết, cha qua đời nhưng thực ra cha chỉ lìa trần gian này để về với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên cha, Đấng là khởi sự của mọi loài và là cùng đích của mọi sự. Đấng mà cha đã dạy con tín thác vào Ngài từ nhỏ qua những giờ kinh gia đình, qua những lời nhắc nhở về việc phụng thờ, về việc tham dự các thánh lễ hằng ngày cũng như biết sống theo tiếng nói lương tâm. Nên khi nghe tin cha qua đời, con không quá bi lụy, không quá đau thương bởi con biết rằng đó là lúc cha trở về quê hương vì “quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl3, 20). Nơi đó, ông bà tổ tiên nội ngoại, bạn bè cùng những người thân yêu đang chờ đợi cha.
Lúc biết cha đối diện với căn bệnh ung thư, con rất buồn, nhất là trong tình cảnh không giúp gì cho cha ngoài việc cầu nguyện. Nhưng cũng trong thời gian chứng kiến cách cha đối diện với bệnh tật, sống những ngày cuối cùng trên trần gian này, con lại càng trân quý và tự hào về cha hơn. Đau bệnh nhưng cha không tỏ ra sầu não, cha không lo cho bản thân mình mà lo lắng cho chúng con, cho mẹ. Cha cũng chuẩn bị mọi sự để ra đi một cách thanh thản, không vướng bận hay nợ nần trần gian, lãnh nhận các Bí tích sau cùng với tâm thế của một người tín thác hoàn toàn. Khâm phục nhiều càng làm con thấy mình có lỗi vì chưa làm được gì cho cha ngoài sự gây phiền muộn lo âu.
Đặc biệt, khi biết cha không còn hiện hữu nhiều thời gian với chúng con trên trần gian này, con đã chuẩn bị tâm lý để ngày tạm biệt “tình yêu lớn nhất đời con”. Nhưng thật sự ngày về để thăm cha, tâm sự với cha coi như lần cuối trên cõi đời này và khi đi vào lại Sài Gòn, con chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Rồi khi nghe tin cha mất, con về lại cũng chỉ khóc một chút lúc đáp xuống sân bay và khi về tới nhà nhìn thấy mẹ, sau đó con không khóc nữa, con thấy một khoảng trống mênh mông, con mới ngẫm lại “Người ta không thể khóc được khi nỗi đau đã chạm đến tận cùng”.
Hôm nay, thế là 2 năm ngày cha rời xa thế gian, cha không còn phải đối diện với những cơn đau do bệnh tật mang lại. Cha không còn phải nghe những trăn trở, những lắng lo của đứa con út này; cha cũng không phải nghe những điều bất hòa giữa anh chị em chúng con, không phải nghe những tiếng dèm pha dị nghị, những thiệt hơn giữa cuộc đời. Cha ra đi bình an trong vòng tay của mẹ và mọi người, một sự ra đi nhẹ nhàng như cách cha hiện hữu trên cuộc đời này.
Hai năm nhưng con vẫn chưa hết sự trống trải, bên ngoài con tỏ ra mạnh mẽ và ai hỏi gì cũng nói không sao, nhưng thẳm sâu bên trong con rất dễ tổn thương, con rất dễ buồn và cáu gắt vì con chưa quen cảm giác không còn cha trên trần gian. Từ lúc bước vào lớp 1, người dạy cho con chữ o đầu đời là cha, người dạy cộng trừ nhân chia cũng là cha, những lời chào, lời cảm ơn, những cách sống “biết lẽ trước sau” cũng là cha…
Con lớn lên giữa một sự bình yên lạ thường, khi nào cũng biết có cha ở cạnh. Những lúc chông chênh nhất, những lúc con như thấy cuộc sống bế tắc, thì cha luôn là chỗ dựa cho con, luôn lắng nghe con qua những cánh thư, và một điều hạnh phúc nhất là cha luôn tôn trọng mọi quyết định của con dù đó là quyết định bồng bột của tuổi trẻ. Dù không phải là một người thể hiện tình cảm cách vồn vã, nhưng cha luôn sâu sắc, hiểu biết và là một người cảm thông với con, cho con được sống là chính mình. Nhưng hai năm qua, hành trình của con không còn cha, không còn người bạn lớn nhất đời con, con như đang nghe lời cha nói năm xưa “Giống như cái cây tự đâm rễ, tự vươn cành, tự mọc lá rồi trổ thành tán lá, giống như cái cây mà dù cho không có ai chăm sóc cũng chẳng khóc hu hu, dù không ai biết đến mình thì cũng chả la hét hay thể hiện, cứ âm thầm tự nhủ trong lòng, hãy chỉ sống như thế mà thôi.” (Trích trong Bố con Cá Gai).
Tháng 11, tháng trời se lạnh bắt đầu kéo về làm cho lòng người lữ khách như con dễ chùng xuống hơn và cũng là tháng mà con nhớ về cha nhiều hơn, vì đây là tháng cha rời xa con và cũng là tháng mà Mẹ Giáo Hội dành riêng để tưởng nhớ những người đã khuất.
Tưởng nhớ đến cha và mọi người đã khuất, cho con thấy được sự mỏng manh của thân phận con người, sự mỏng dòn của kiếp nhân sinh nay còn mai mất. Sự hữu hạn của con người dù có tình yêu khăng khít thế nào nữa, dù có hứa với nhau đi đến cuối cuộc đời nhưng đó là điều không thể, mà chỉ có Thiên Chúa mới trường tồn, chỉ có Ngài mới là sự vĩnh cửu đích thực của sự sống và “Những ai trông cậy vào Người sẽ am tường sự thật; những ai trung thành sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.” (KN 3,9)
Tưởng nhớ đến người đã khuất cũng nói lên một sự hiệp thông giữa Giáo hội lữ hành với Giáo hội vinh thắng và Giáo hội thanh luyện một sự hiệp thông trọn vẹn và sâu sắc. Trong mầu nhiệm hiệp thông, con và cha vẫn là một sự kết hiệp mật thiết, chúng ta dù xa mặt nhưng không cách lòng. Cha đi trước con để chờ con về với cha và mọi người trong ngôi nhà chung dành cho những người tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng đã khẳng định “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em (Ga 14. 1-2).
Tưởng nhớ cha và mọi người đã khuất cũng cho con niềm hi vọng của một người tín thác trong bàn tay của Thiên Chúa tình yêu. Vì đến bây giờ, cũng như những người khác đã lìa xa cõi trần gian, thì chỉ còn lại cha với Chúa và chỉ có Ngài mới quyết định được vận mệnh của cha. Cũng như cha, con hay ai khác rồi cũng thế, dù có thế nào đi nữa, thì phía sau cuộc sống trần gian này là sự trở về đối diện với Thiên Chúa. Khi về bên Chúa, con sẽ đối diện với Ngài bằng những hành trang là những việc lành phúc đức đã làm, những lỗi phạm dã mắc phải, những việc không làm được dù có cơ hội, những bổn phận chưa chu toàn. Nhưng thật hạnh phúc, vì con biết Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, giàu tình thương, điều cốt yếu nơi chúng ta là tin tưởng vào Con của Ngài là Đức Giêsu thì sẽ được cứu rỗi, như lời Đức Giêsu đã bảo đảm: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6, 40). Nghĩ đến đây, con cảm tạ Thiên Chúa và cầu nguyện cùng Ngài cho cha cũng như mọi người tin đã khuất sớm được về hợp cùng đoàn các thánh trên trời để ngợi khen Thiên Chúa cũng như cầu bầu cho chúng con là những người đang lữ hành nơi trần thế.
F.X Hoàn Phạm, Hội Thừa Sai VN (TGPSG)
Tin tức liên quan khác
Thứ Năm tuần 3 Phục sinh – Bánh Từ Trời (Ga 6,44-51)
Họp báo về chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Luxembourg và Bỉ
20 tín hữu đạp xe nhiều ngày đến tham dự Đại hội GTTG Lisbon
Hoa nở Mùa Chay
Tuyên bố của Tòa thánh tại Diễn đàn Liên Hiệp Quốc về Văn hóa Hòa bình năm 2023
Tuần Tĩnh tâm linh mục Giáo phận Hà Tĩnh bước sang ngày thứ tư
Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên thăm và sẻ chia cùng người dân vùng lũ
ĐTC Phanxicô: Hãy cầu nguyện luôn luôn, bằng những lời nguyện ngắn