Trong một cuộc trò chuyện với Vatican News, cha Gilles Berceville, giám đốc Viện Lịch sử Truyền giáo tại Học viện Công giáo Paris, thần học gia Đa Minh và chuyên gia về linh đạo truyền giáo, nhìn lại những đặc điểm và lịch sử truyền giáo tại lục địa đông dân nhất thế giới, tập trung vào những thách đố của thế giới đương đại…
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Vatican News với cha Gilles Berceville.
Thưa cha, Kitô giáo đến châu Á như thế nào?
Truyền thống cho rằng châu Á đón nhận Kitô giáo khi thánh tông đồ Tôma đến Ấn Độ. Thực tế, có thể các cộng đoàn Kitô giáo đã có mặt từ rất sớm ở Ấn Độ. Lịch sử xác lập việc truyền bá đức tin Kitô giáo qua Giáo hội Nestorian đến Trung Quốc từ thế kỷ thứ 6 và thứ 7. Sau khi Đế quốc Mông Cổ chuyển sang Hồi giáo vào thế kỷ 14, sự hiện diện của Kitô giáo ở châu Á đã giảm dần. Vào thời điểm có những khám phá vĩ đại vào thế kỷ 15, một trong những ước mơ của các Kitô hữu là vượt qua trở ngại của Hồi giáo và kết nối các cộng đoàn Kitô giáo xa xưa mà người ta có thể đã không còn thấy ở châu Á. Đây là nguồn gốc của việc Christopher Columbus phát hiện ra châu Mỹ vào cuối thế kỷ 15. Khi đi vòng quanh Cape Magellan, người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đến châu Á và ở đó, đi vào các lãnh thổ, đồng thời chịu trách nhiệm được Đức Giáo Hoàng giao phó để truyền bá đức tin Kitô giáo. Do đó, Kitô giáo hiện diện ở châu Á với con số rất ít từ thế kỷ 16.
Lịch sử truyền giáo của thế kỷ 15 và 16 có mối liên hệ như thế nào với các quyền bính chính trị?
Trong những giai đoạn cuối của thời Trung cổ, tâm linh và thế tục luôn đi với nhau. Do đó, các nhà truyền giáo đầu tiên do các vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha phái đi được hình thành từ Cuộc tái chinh phục trong bối cảnh xung đột với Hồi giáo và ly giáo ở châu Âu cùng với sự lan rộng của Tin lành. Thương mại, chinh phục và truyền bá đức tin Kitô giáo dường như không thể tách rời trong các hoạt động truyền giáo này.
Ở châu Á, hoạt động thăm dò, nghiên cứu và khám phá mang tính khoa học được triển khai cụ thể như thế nào giữa các nhà truyền giáo?
Từ thế kỷ 16, với khuôn mặt vĩ đại là Thánh Phanxicô Xaviê, và các tu sĩ Dòng Tên ở Ấn Độ và đặc biệt là ở Trung Quốc với cha Matteo Ricci, đã cố gắng làm cho Kitô giáo được biết đến qua sách vở và cải đạo giới thượng lưu bằng cách cho thấy mình không phải như những tu sĩ khổ hạnh nhưng là những học giả Nho giáo. Như thế các tu sĩ Dòng Tên đã được các hoàng đế Trung Quốc chấp nhận, trong khi Kitô giáo bị cấm ở đó từ khi Đức Giáo Hoàng không cho phép thờ cúng tổ tiên.
Thánh Phanxicô Xaviê được coi là nhà truyền giáo vĩ đại nhất của thời hiện đại, đã đi khắp châu Á, từ Indonesia đến Nhật Bản. Giá trị chứng từ của ngài đối với sứ vụ truyền giáo ở Viễn Đông là gì?
Ngài đã đánh dấu lịch sử truyền giáo bằng những lá thư, với những lời kêu gọi tham gia cùng ngài trong sứ vụ, và nhờ ngài mà các thế hệ tu sĩ Dòng Tên mơ ước đi truyền giáo. Thánh Phanxicô Xaviê là vị đại diện của Đức Giáo Hoàng theo yêu cầu của Vua Bồ Đào Nha, ở tất cả các vùng đất mà ngài đã khám phá, từ đảo Moluccas đến Nhật Bản. Ngài qua đời trước khi có thể đến Trung Quốc, hoạt động truyền giáo của ngài bao phủ một vùng lãnh thổ đáng kể. Hoạt động này không có tác dụng lớn về việc theo Kitô giáo của dân chúng; chỉ sau ngài, đặc biệt là ở Nhật Bản, các cộng đoàn mới phát triển trước khi bị các quyền bính tại chỗ bách hại và tiêu diệt. Thánh Phanxicô Xaviê là mẫu gương vĩ đại của hoạt động truyền giáo, người đã truyền cảm hứng cho các thế hệ tu sĩ Dòng Tên cống hiến hết mình cho sứ vụ truyền giáo sau ngài và phát triển các hoạt động truyền giáo ở Viễn Đông.
Người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và sau đó người Pháp và người Anh. Động lực nào đánh dấu cuộc canh tân truyền giáo ở châu Á vào thế kỷ 19?
Các sứ vụ của Dòng Tên được phát triển từ thế kỷ 16, và Tòa Thánh đã kiểm soát các hoạt động truyền giáo với việc thành lập Bộ Truyền bá Đức tin vào năm 1622, với mong muốn chấm dứt hệ thống bảo trợ và tách hoạt động chinh phục với hoạt động loan báo Tin Mừng. Vào thế kỷ 19, về các nhà truyền giáo Công giáo Pháp, chúng ta phải đề cập đến Hội Thừa sai Hải ngoại Paris được thành lập vào thế kỷ 17, để thực hiện chương trình này của Bộ Truyền bá Đức tin của Tòa thánh, nhằm tách biệt rõ ràng hoạt động chính trị với loan báo Tin Mừng.
Các nhà truyền giáo Tin lành người Anh đã phát triển hoạt động của họ đặc biệt từ thế kỷ 19. Các nhà truyền giáo này nhấn mạnh đến việc phân phối Kinh Thánh bằng hoạt động mạnh mẽ trong việc in ấn và dịch Kinh Thánh. Họ liên kết hoạt động truyền giáo với hoạt động văn minh hoá, bằng cách mang lại sự thịnh vượng, cố gắng mang lại sự phát triển kinh tế và văn hóa cho các quốc gia nơi họ thành lập, và cũng bằng cách mong muốn rất nhanh, nhanh hơn người Công giáo, đảm bảo quyền tự quản của các Giáo hội thuộc cộng đoàn Kitô giáo mà họ đã thành lập. Về phía Công giáo, có sự nhấn mạnh nhiều hơn đến các bí tích và phụng vụ, một quan niệm về Giáo hội phổ quát tập trung vào Rôma, và thực tế đảm bảo một sự độc lập nhất định khỏi quyền lực chính trị. Đó cũng là thế kỷ của các hoạt động bác ái lớn được thực hiện đặc biệt bởi các dòng tu nữ. Sau đó, vào đầu thế kỷ 20 Giáo hội Công giáo nhấn mạnh, theo giáo huấn của các Giáo hoàng, về quyền tự quản của các Giáo hội và các giáo sĩ địa phương.
Từ quan điểm này, có một sự thụt lùi, bởi vì vào thế kỷ 17, người ta đã rất xác tín, sau sự việc Kitô giáo ở Nhật Bản hầu như biến mất, rằng cần phải hình thành và phát triển một hàng giáo sĩ bản địa, trong khi vào thế kỷ 19, các nhà truyền giáo đến từ châu Âu và trên thực tế đã hình thành một sự bất bình đẳng giữa các giáo sĩ truyền giáo châu Âu và các giáo sĩ bản địa.
Tại sao khi vào châu Á, Công giáo xuất hiện không như một tôn giáo ở châu Âu?
Chúng ta không còn ở vào hoàn cảnh của thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa thực dân châu Âu và các Giáo hội Công giáo địa phương ngày nay có quyền tự quản rất lớn. Các Giáo hội không còn phụ thuộc vào các quốc gia đã gửi các nhà truyền giáo, bắt đầu từ Pháp, dù vẫn tiếp tục có những mối quan hệ thân thiết tồn tại giữa các Giáo hội, với sự bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những nơi đã gửi các nhà truyền giáo và những người đã thành lập Giáo hội trong các xứ truyền giáo.
Trong số các quốc gia đã được Đức Thánh Cha viếng thăm, Giáo hội ở Timor và Papua New Guinea rất hội nhập văn hóa. Họ cũng đã phát triển và được dẫn dắt bởi các giám mục và các giáo sĩ trong nước. Hiện nay chính các Giáo hội châu Á cũng gửi các nhà truyền giáo của mình đến châu Âu, như Giáo hội Việt Nam.
Sự hội nhập văn hóa như thế nào trong các lễ nghi địa phương?
Khi bước vào các nhà thờ Công giáo, ở Singapore, Việt Nam, Timor, chúng ta thấy các nhà thờ, từ quan điểm kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc, hội họa, chịu ảnh hưởng rất nhiều của nghệ thuật phương Tây. Chỉ liên quan đến khía cạnh bên ngoài và kiến trúc này thôi, đó là dấu hiệu của một đức tin vẫn cần phải thực hiện một công cuộc hội nhập văn hóa lớn lao. Đây là vấn đề không phải liên quan đến sự độc lập về mặt pháp lý và hàng giáo sĩ địa phương, mà liên quan đến việc họ đã mang đến cho Giáo hội hoàn vũ những nguồn tài nguyên văn hóa của chính họ trong lĩnh vực hiểu biết đức tin, những cách thể hiện đức tin, đặc biệt là những cách thể hiện kiến trúc tôn giáo hoặc nghệ thuật tôn giáo. Người dân địa phương và các Giáo hội địa phương cần hội nhập đức tin của họ và hiện diện với xã hội một cách thực sự theo tinh thần Tin Mừng, với những thách đố về tình trạng nghèo đói trầm trọng, đặc biệt đối với các quốc gia Đông Timor hoặc Papua New Guinea, các quốc gia trong đó Giáo hội làm chứng cho sự hiện diện rất quảng đại giữa những người nghèo. Điều này mang tính quyết định trong việc người dân địa phương ở các quốc gia như Timor hay Papua New Guinea tiếp nhận Kitô giáo.
Đâu là những thách đố và khó khăn trong công cuộc truyền giáo ở một số Giáo hội địa phương?
Chúng ta phải thực sự coi là lỗi thời cái ý tưởng về các vùng lãnh thổ nơi các nhà truyền giáo từ nơi khác đến, ngay cả khi luôn có một số, đặc biệt là Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, tiếp cận các khu vực xa xôi nơi Kitô giáo không hiện diện. Giờ đây chúng ta có các cộng đoàn địa phương được thiết lập trong xã hội, nền văn hóa của họ và trước hết phải sống Tin Mừng trong chứng tá và niềm hy vọng được ban cho những người nghèo nhất. Và từ đó xuất hiện một đức tin sống động, một đức tin phát triển và tìm ra những cách diễn đạt có khả năng làm phong phú toàn thể Giáo hội.
Có những thách đố sứ vụ khác nhau. Như ở Indonesia về đối thoại liên tôn, đặc biệt giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo; cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo được nhìn nhận dưới hình thức quý trọng và đối thoại lẫn nhau.
Tiếp đến, truyền giáo là sự hiện diện giữa những người nghèo nhất, trong đó có các lãnh thổ, các cộng đồng dân cư đang sống với những khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, bởi tất cả những thảm họa do suy thoái khí hậu gây ra. Đông Nam Á đã mất 15% diện tích rừng tự nhiên kể từ năm 2000, do việc áp dụng độc canh, trong khi người dân địa phương sống bằng nông nghiệp tự nhiên, v.v. Sự hiện diện với người nghèo, sau đối thoại liên tôn, là hình thức hiện diện thứ hai theo tinh thần Tin Mừng do các Giáo hội địa phương đảm nhận.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Tin tức liên quan khác
Talitha Kum ra mắt ứng dụng “Walking in Dignity”
Hơn 1.200 bạn trẻ tham dự Đại hội Giới Trẻ Giáo Hạt Bình Chính Lần thứ III – Năm 2023
Đức Thánh Cha tiếp 2.500 diễn viên trình diễn cảnh Giáng sinh tại Đền thờ Đức Bà Cả
Đức Thánh Cha tiếp các tân đại sứ Iceland, Bangladesh, Syria, Gambia và Kazakhstan
Thứ Bảy tuần 34 Thường niên năm I – Cầu nguyện liên (Lc 21,34-36)
ĐTC Phanxicô gặp các ký giả quốc tế hoạt động tại Vatican
Ơn gọi nên Thánh trong bậc sống Hôn nhân Gia đình
Giáo xứ Tam Tòa khởi công ngôi nhà thờ mới