Có lẽ, nhiều lần trong cuộc sống, con tim lạc lối dẫn chúng ta tới việc nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, hoặc chúng ta phải tự thân lo cho vận mệnh và sự sống còn của mình. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra rằng ngay giữa những trăn trở như vậy, thì tận thâm tâm, chúng ta luôn có một khao khát sâu xa là muốn được lắng nghe, được đón nhận, và đây chính là chân lý triệt để về tình yêu bao la của Thiên Chúa chân thật duy nhất dành cho mỗi chúng ta. Cũng chính bởi tình yêu cao sâu này mà chúng ta được tạo dựng và được kêu gọi để thông phần vào tình yêu này trong suốt cuộc đời và thậm chí cho đến mãi ngàn đời.
Như Đức Bênêđictô XVI đã dạy:
“Chúng ta không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên và vô nghĩa của sự tiến hóa. Mỗi chúng ta là kết quả của tư tưởng của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta đều được mong muốn, mỗi chúng ta đều được yêu thương, và mỗi chúng ta đều cần thiết”.
Bất cứ khi nào cầu nguyện, là chúng ta đang thực hiện một hành vi đức tin, đó là tin vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho chính chúng ta. Chúng ta thể hiện ước muốn, dù là yếu ớt hay mạnh mẽ, để liên kết với Thiên Chúa và đón nhận cũng như sống theo giao ước mà Ngài đã thiết lập với chúng ta.
Vì lý do này, Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo nhấn mạnh rằng, cầu nguyện là một giao ước và sự hiệp thông với Thiên Chúa:
“Trong Giao Ước Mới, cầu nguyện là mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha của mình, Đấng nhân lành vô biên, với Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài và với Chúa Thánh Thần”.
Cuộc chiến đấu để cầu nguyện là cuộc chiến đấu để tin vào tình yêu.
Sách Giáo lý nhấn mạnh điểm này:
“Thiên Chúa kêu gọi con người trước. Con người có thể quên Đấng Tạo Hóa hoặc lẩn tránh nhan Ngài; Con người có thể chạy theo ngẫu tượng hoặc buộc tội Thiên Chúa đã bỏ rơi mình; nhưng, Thiên Chúa hằng sống và chân thật không ngừng mời gọi mỗi người đến với cuộc gặp gỡ mầu nhiệm được gọi là cầu nguyện”.
Nhận thức rõ như vậy về sự cầu nguyện có thể đảo lộn mọi thứ đối với nhiều tín hữu. Trong một thế giới bị ám ảnh bởi tiền bạc, bởi não trạng thương nghiệp, bởi tính hám lợi và các mối tương quan được xác định bởi nguyên tắc có qua có lại lạnh lùng và khắc nghiệt, thì việc nhận thức rằng cầu nguyện không phải là để đạt được điều gì đó hoặc yêu cầu điều gì đó khiến người ta bối rối.
Chúng ta có thể tự hỏi liệu cầu nguyện có ích lợi gì nếu chúng ta không đạt được điều gì từ cầu nguyện. Ngay chính khi tự vấn như vậy cũng đã là dấu cho thấy chúng ta đã chấp nhận về tình yêu và các mối tương quan.
Nếu nhìn nhận về lợi ích, thì một trong những lợi ích đầu tiên của việc cầu nguyện đó là giúp chúng ta tái hiểu biết về tình yêu và đào sâu hơn về giá trị và ý nghĩa của những mối tương quan đích thực.
Sách Giáo lý tuyên bố rõ ràng và mạnh mẽ rằng các chiều kích của cầu nguyện là “các chiều kích của tình yêu Đức Kitô”.
Do đó, cầu nguyện không thể bị giảm thiểu hoặc tối thiểu hóa thành việc đạt được những gì chúng ta muốn, đưa ra một danh sách những nguyện vọng, hoặc đề bạt tối hậu thư với Thiên Chúa. Trái lại, cầu nguyện là một lời mời gọi chúng ta giảm bớt những căng thẳng, ngừng lại những kỳ vọng và đòi hỏi thế tục, để sống chậm lại, để mở lòng ra, để thanh thản, bình an đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta.
Thực tại của cầu nguyện rất nhân bản, nguồn mạch mang lại sự tươi mới tâm linh đến nỗi nhiều người bị cám dỗ để chối bỏ tính chân thực của cầu nguyện. Họ giả định rằng chắc chắn cầu nguyện phải là một cái bẫy, một khúc mắc, một số động cơ, hoặc sự lừa dối thầm kín nào đó.
Tuy nhiên, cầu nguyện là tất cả những gì như nó là. Không có nghị trình giấu ẩn của Thiên Chúa. Không có gian lận hoặc lừa dối. Cầu nguyện thực sự là lời Thiên Chúa mời gọi chúng ta ở lại trong mối tương quan sống động và thiết yếu với Ngài.
Chắc chắn, cầu nguyện sẽ mang lại những khoảnh khắc hoán cải. Chúng ta sẽ thay đổi lối nghĩ, nhìn mọi thứ từ nhãn quan khác, biến đổi con tim và cảm thấy bắt buộc phải sống cuộc đời mình theo một cách thế mới. Cầu nguyện sẽ hạ bệ thần tượng, giúp tương đối hóa những thứ mà chúng ta từng cho là siêu phàm. Cầu nguyện sẽ tái định hướng các ưu tiên, và mở rộng sự đa dạng của chúng ta.
Cầu nguyện sẽ dẫn chúng ta đến gặp tình yêu vô điều kiện và được hoán cải nhờ tình yêu đó. Chúng ta sẽ trải nghiệm tình yêu đích thực trong tất cả chiều sâu và chiều rộng của nó. Chúng ta sẽ học để biết yêu thương và cảm thấy được thúc đẩy để chia sẻ tình yêu thương với người khác.
Có được như thế, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi bị bỏ lại để tự tạo ra thế giới và ý nghĩa cuộc sống cho riêng mình. Thật vậy, chúng ta là con của Cha nhân từ, Đấng muốn dạy dỗ, hướng dẫn chúng ta hiểu được vẻ đẹp của cuộc sống, ý nghĩa của sự tốt lành, và sức mạnh của tình yêu.
Lm. Jeffrey F. Kirby
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: cruxnow.com (21. 5. 2023)
Nguồn: WHĐ
Tin tức liên quan khác
Thứ Ba tuần 4 Phục sinh – Mục tử (Ga 10,22-30)
Đức Thánh Cha: Văn chương giáo dục trái tim và tâm trí, mở ra lắng nghe người khác
Giáo xứ Mân Côi: Thánh Lễ Công Bố Thành Lập Xứ, Khánh Thành Nhà thờ Giáo họ Vĩnh Điền – Ban Bí Tích Thêm Sức
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc ngày 22/8/2024
Thứ Năm tuần 6 Phục sinh – Ý nghĩa của thời gian (Ga 16,16-20)
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ IV năm 2024
Tiếp Kiến Chung (06.09.2023) – Hãy là ngôi nhà thương xót cho tha nhân
Giáo xứ Tam Tòa cử hành Thánh Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội