Trong bối cảnh của xã hội ngày nay, khung cảnh đời đan tu cũng có nhiều sự khác biệt, các đan sĩ không còn sống trong các túp lều nơi sa mạc với những buổi trưa hè nóng bức, mà ở trong tu phòng của mình, các đan sĩ không còn sống ẩn tu mà là nếp sống đan tu cộng đoàn. Vì thế, chúng ta tự hỏi liệu rằng “con quỷ ban trưa” có còn hiện hữu và cám dỗ các đan sĩ hay không? Phải chăng bộ mặt của chú quỷ đã thay đổi?
Khởi đầu đan tu trào Kitô giáo gắn liền với sa mạc nắng cháy hoặc nơi sâu thẳm của rừng xanh ở Palestina, Ai Cập và Syria, với những vị ẩn tu đáng kính như linh phụ Anton, linh phụ Arsenius, linh phụ Agathon, linh phụ Achilles… các ngài là những con người anh dũng, can đảm đương đầu với mọi thử thách gian truân. Đối diện với những cám dỗ, những khó khăn, một số đan sĩ đã chùn bước, tháo lui, nhưng cũng có những đan sĩ khác vững vàng bước theo Chúa Kitô. Đời sống thiêng liêng của các ngài qua đó được tôi luyện thêm vững mạnh, công đức mỗi ngày cao dày hơn, thánh thiện hơn trong sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. Trong giai thoại của các đan sĩ nói về cuộc chiến đấu thiêng liêng thường nhắc đến “con quỷ ban trưa”, mà Jean Cassien đã mô tả lại thật rõ nét trong các tác phẩm của ngài[1].
Trong bối cảnh của xã hội ngày nay, khung cảnh đời đan tu cũng có nhiều sự khác biệt, các đan sĩ không còn sống trong các túp lều nơi sa mạc với những buổi trưa hè nóng bức, mà ở trong tu phòng của mình, các đan sĩ không còn sống ẩn tu mà là nếp sống đan tu cộng đoàn. Vì thế, chúng ta tự hỏi liệu rằng “con quỷ ban trưa” có còn hiện hữu và cám dỗ các đan sĩ hay không? Phải chăng bộ mặt của chú quỷ đã thay đổi?
Chúng ta cùng nhận diện bộ mặt của “con quỷ ban trưa” trong đời đan tu hôm nay và tìm một phương thế để chiến đấu, ngõ hầu vững vàng bước đi trên đường hoàn thiện.
1. Bóng dáng “chú quỉ ban trưa” trong đời đan tu
Viện phụ Anton đã quả quyết: “Người nào chưa qua cám dỗ thì không thể vào Thiên Đàng”[2].
Có thể nói, xác tín của thánh Anton nhằm khẳng định điều này: Cám dỗ trong đời sống người Kitô hữu nói chung và đời tu nói riêng là một thực tại không thể chối cãi. Vì, những ai muốn nên thánh thiện, muốn đến gần Thiên Chúa, thì ma quỷ tìm cách cám dỗ làm cho họ xa rời Thiên Chúa.
Đan sĩ là người “không lấy gì hơn Chúa Kitô” (TL 72). Vì thế, ma quỷ luôn cám dỗ để người đan sĩ lạc xa mục đích của mình. Lịch sử đời đan tu đã ghi nhận và diễn tả lại thật phong phú cơn cám dỗ điển hình của Ma Quỉ đối với người đan sĩ. Điều mà Jean Cassien đã mô tả nó qua chân dung “chú quỷ ban trưa”.
Gọi là chú quỷ ban trưa vì nó xuất hiện và tấn công các đan sĩ, cao điểm là vào chính ngọ, làm cho họ mệt mỏi, uể oải, biếng nhác và không còn muốn cố gắng, khiếp sợ với cảnh đang sống trong sa mạc, hoang vắng và buồn tẻ. Người đan sĩ cảm thấy trống rỗng, tâm trí rối bời và ngao ngán trong túp lều mình đang ở.
Đó là tình trạng của một tâm hồn đang bị ma quỷ cám dỗ. Khi đã làm chủ tâm trí người đan sĩ, chú quỉ sẽ khơi lên trong lòng họ một viễn cảnh về cuộc sống nơi thành thị, ở đó có lời mời gọi của thế gian với những thú vui, ở đó họ như được là mình với sự thỏa thích của đam mê, ở đó họ cảm thấy mình có ích hơn cho người khác. Thế rồi những suy nghĩ đó làm cho người đan sĩ mệt mỏi với nhịp sống thường nhật nơi sa mạc, sợ hãi sự tĩnh lặng của thế giới xung quanh, buồn chán với nhịp điệu của cuộc sống. Dần dần họ có thể ngã lòng và tháo lui, trốn chạy, rời bỏ sa mạc.
Chú quỷ ban trưa này thật ra là một “căn bệnh” trong đời đan tu. Đó là bệnh “nguội lạnh thiêng liêng”. Căn bệnh này có còn hiện hữu trong thời đại hôm nay nơi các đan sĩ không? Bộ mặt của chú quỷ ban trưa này có khác thời xưa không?
Trả lời cho những câu hỏi trên, chúng ta đồng ý với nhau rằng cơn cám dỗ của chú quỷ ban trưa vẫn tồn tại, người đan sĩ vẫn phải đương đầu với nó. Có khác chăng là sự xuất hiện của nó không dừng lại ở buổi ban trưa mà là mọi lúc, từ sáng đến tối, lúc ẩn lúc hiện, khi quyết liệt lúc chậm rãi.. .Vì vậy ta có thể gọi nó là “chú quỷ thời đại”.
2. Bộ mặt “chú quỷ thời đại” hay “cơn cám dỗ thời đại” trong đời đan tu
Người đan sĩ đang sống dưới sự thống trị của “chú quỷ ban trưa” là người đang mang trong mình căn bệnh “nguội lạnh thiêng liêng”. Sự nguội lạnh thiêng liêng đưa tới một nếp sống nửa vời. Hệ quả của sự nửa vời đó chính là sự buông lỏng đời tu. Người đan sĩ nào đang sống trong sự “nguội lạnh thiêng liêng” có nguy cơ đào tẩu khỏi “trường phụng sự Thiên Chúa” (TL. Lời mở), như một chiến binh thất trận.
Tình trạng nguội lạnh thiêng liêng là hệ quả của những cơn cám dỗ lâu dài, phát xuất từ sự thờ ơ, thiếu cố gắng của bản thân trong việc cầu nguyện, chểnh mảng việc đọc Lời Chúa, không tích cực đón nhận các bí tích, cùng những cám dỗ bên ngoài nội vi. Với thời gian, chúng làm cho người Đan Sĩ quên đi mục tiêu của đời tu là chiêm ngắm và kết hợp với Thiên Chúa. Chiêm ngắm sự siêu việt của Thiên Chúa là kết quả của sự tìm Chúa liên lỉ trong cô tịch và yêu mến.
Điều này thấy rõ qua kinh nghiệm của các tâm hồn thiện chí đến gõ cửa đan viện, khởi đầu là sự hồ hởi, với lòng nhiệt thành buổi ban đầu, họ cảm thấy vui tươi phấn khởi, nhịp sống đan tu nhẹ nhàng, êm đềm, với những đan xen giữa cầu nguyện và lao tác. Sự quân bình giữa kinh nguyện và hoạt động tay chân mang lại cho họ sự bình an, chẳng còn lo lắng gì… Vì thế, kẻ này người nọ đã từng thốt lên: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ”.
Thế nhưng, với thời gian, có kẻ bắt đầu cảm thấy khó khăn để giữ nhịp sống đan tu với 7 giờ kinh, 3 giờ cơm, nhiều lần chuông kẻng. Không ít người bị cám dỗ “ngủ nướng” khi phải tỉnh giấc để đọc kinh sáng, kẻ thì mệt mỏi khi bắt đầu công việc tay chân, và lắm người thật sự uể oải khi thức dậy sau giờ nghỉ trưa ngắn ngủi. Cảm giác nặng nề dường như làm cho họ hết sức sống, sự phấn khởi đến thờ phượng Chúa không còn, thay vào đó là ý nghĩ phải làm vì bổn phận.
Tình trạng đó đưa người đan sĩ đến một thực tại là sự trống rỗng của tâm hồn, khiến họ bị lôi kéo ra khỏi tu phòng và tìm khỏa lấp sự trống rỗng trong lòng bằng sự ồn ào bên ngoài. Sự tĩnh mịch của nếp sống đan tu trở nên nặng nề đối với kẻ này người kia, nhiều khi trở nên phi lý, khó giải thích đối với con người thời đại. Đối với một số đan sĩ, thinh lặng là điều dường như làm cho họ không thực sự sống và thể hiện hết giá trị của bản thân. Cho nên, nhiều người cảm thấy nặng nề khi phải thinh lặng. Họ tìm niềm vui, sự ồn ào bên ngoài để giải tỏa sau những giờ phút học tập và làm việc căng thẳng hơn là đến với Chúa để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Họ tìm cách giải khuây bằng sự sôi động của thế giới âm thanh, qua phim ảnh, ca nhạc trên những phương tiện truyền thông hiện đại. Cái nguy của việc sử dụng những phương tiện tốt đó là sử dụng thiếu chọn lọc, để cho cả điều tốt, ích lợi, cũng như cái xấu pha trộn vào đó làm cho người tu sĩ bị “nhiễm độc”.
Một khía cạnh khác cũng diễn tả thái độ trốn chạy sự tĩnh lặng, đó là người đan sĩ thích nói, thích hàn huyên tâm sự với nhau, thích trao đổi thông tin với nhau hơn là đi vào trong sự cô tịch để gặp gỡ và nói chuyện với Thiên Chúa. Không chỉ là sự trao đổi với người bên trong đan viện mà qua những phương tiện thông tin hiện đại, một số người tạo ra những “kênh trao đổi trực tuyến” với những người ngoài nội vi, để chia sẻ những buồn vui của đời tu, mong được cảm thông hay chỉ là để lấp đầy sự trống vắng của cõi lòng.
Bên cạnh những cám dỗ này, có những đan sĩ bị cám dỗ phải tìm một giá trị khác, và sâu xa hơn nữa, họ cần phải thể hiện giá trị bản thân nơi những hoạt động thấy được, đó là cám dỗ về công việc. Đây là một cám dỗ cũng quyết liệt đối với người đan sĩ hôm nay. Thực tế cho thấy nơi một số đan sĩ, công việc đang lấn chiếm thời gian của đời sống thiêng liêng. Đan sĩ là người tìm Chúa. Họ vào đan viện để tìm Chúa, nhưng thực tế họ lại để cho công việc chi phối suốt cả ngày sống của mình. Vì chọn sai nên nhiều tâm hồn thiện chí lâm vào cuộc khủng hoảng, mắc căn bệnh “nguội lạnh thiêng liêng”. Có những đan sĩ bị cơn cám dỗ về sự thành công trong công việc mà thiếu vắng trong giờ kinh Nhật tụng, thụ động khi tham dự Thánh lễ, ơ hờ với việc Nguyện ngắm, bỏ lần chuỗi Mân côi, không đọc sách thiêng liêng.Bởi đó, đời sống thiêng liêng suy giảm dần vì thiếu nguồn dinh dưỡng từ Lời Chúa và bí tích Thánh Thể. Hậu quả là sự ngao ngán trong đời tu, đưa tới tình trạng nguội lạnh thiêng liêng.
Đi liền với cám dỗ về công việc, sự hưởng thụ cũng là một cám dỗ của chú quỷ thời đại. Người đan sĩ hôm nay dễ dàng rơi vào cơn cám dỗ triền miên của thái độ sống hưởng thụ vật chất. Họ lặng lẽ đi vào dòng chảy của hưởng thụ nhằm thỏa mãn những đam mê ước muốn tầm thường của mình. Vì mải mê với các phương tiện vật chất mà một số đan sĩ không tìm được niềm vui khi gặp gỡ Thiên Chúa.
3. Phương thế chống lại cám dỗ của “chú quỷ thời đại” trong đời đan tu
Chúng ta vừa trình bày bộ mặt con quỷ thời đại hiện diện trong đời sống đan tu, chúng tìm đủ mọi cách để cám dỗ các đan sĩ. Hậu quả của sự cám dỗ đó là đời sống người đan sĩ hóa ra nửa vời, nói như tác giả sách Khải huyền: “Chẳng lạnh cũng chẳng nóng” (Kh 3,15). Người đan sĩ nào sống trong tình trạng “hâm hẩm” – không nóng không lạnh; đó là người đang mang trong mình căn bệnh “nguội lạnh thiêng liêng”. Vì thế, cần một phương thuốc chữa trị đặc biệt bởi một vị lương y cao tay, hầu có thể chữa lành căn bệnh hiểm nghèo này, mang lại sức sống mới cho người bệnh. Vị lương y của chúng ta chính là Đức Giêsu, Ngài nói: “Giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng lời cầu nguyện mà thôi.” (Mc 9,29)
Chúng ta xác tín rằng đời sống thiêng liêng là linh hồn của đời tu trì, và cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Nếu thiếu vắng cầu nguyện, đời tu trở nên vô nghĩa, không còn giá trị. Bởi vì, thiếu vắng cầu nguyện, linh hồn không tiếp nhận được sức sống của Thiên Chúa để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, linh hồn không có được sức mạnh để vượt thắng mọi trở ngại trên đường. Khi ấy, đời sống người tu sĩ trở thành mồi ngon cho Ma Quỉ, chúng tấn công và kéo đến cư ngụ, rồi phá đổ đời tu dưới mọi hình thức. Ngược lại, bao lâu người đan sĩ còn biết cầu nguyện, lúc đó họ còn ở lại trong sự gắn bó với Đấng là nguồn của sự sống thật. Chính sự sống của Thiên Chúa sẽ chữa lành mọi bệnh tật: bệnh thờ ơ, chán nản, bệnh nguội lạnh thiêng liêng… những thứ bệnh này là hệ quả của sự thống trị của Ma Quỉ trên đời sống người đan sĩ, chúng làm tê liệt và chết dần chết mòn thiện chí tốt lành của họ, và thế là đời sống của họ không đơm hoa kết trái.
Việc cầu nguyện phải được thực hiện trước hết qua sự trung thành với những giờ phút cầu nguyện chung với cộng đoàn. Việc cử hành các giờ kinh Thần vụ chung cũng như tham dự việc cử hành các bí tích là dấu chỉ hữu hình, diễn tả sống động đời sống cầu nguyện của người môn đệ Chúa Kitô. Bên cạnh đó, việc cầu nguyện cá nhân qua những giây phút gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể nơi Nhà Tạm, chuyên cần suy niệm Lời Chúa mỗi ngày trong sự an tĩnh và cô tịch, sẽ mang lại cho người đan sĩ niềm vui của sự gặp gỡ Đấng mà họ yêu thương và khát khao gắn bó. Nhờ đó, họ có thể tống khứ chú quỉ ban trưa ra khỏi đan viện và cuộc đời của mình.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải xác tín rằng: căn bệnh “nguội lạnh thiêng liêng” của một cá nhân cũng có thể được chữa lành nhờ một cộng đoàn tràn đầy tình huynh đệ.
Thật vậy, nếu những xung khắc trong đời sống cộng đoàn là một vật cản không nhỏ trong hành trình tâm linh của mỗi cá nhân, thì ngược lại, một cộng đoàn chan hòa tình huynh đệ cũng giúp chữa lành bệnh tật tâm linh nơi cá nhân mỗi người. Vì cộng đoàn khi đó thành nơi tràn đầy hạnh phúc, thành chốn an vui, sẽ giúp người đan sĩ vượt thắng cám dỗ muốn trốn khỏi nơi cô tịch buồn tẻ của tu phòng.
Cộng đoàn huynh đệ này trở thành một cộng đoàn chứng nhân của Tin Mừng, nơi đó mỗi phần tử được mời gọi khám phá lại căn tính sâu xa của đặc sủng, đồng thời nỗ lực đổi mới để sống và hướng đến tương lai bằng nỗ lực xây dựng cộng đoàn trở thành một cộng đoàn ngôn sứ diễn tả những giá trị Nước Trời: Say mê tìm kiếm duy mình Thiên Chúa trong cô tịch và thanh vắng, sống liên đới bằng tình yêu huynh đệ chân thành, nỗ lực trung thành cách bền bỉ với những giá trị của Tin Mừng qua sự trung tín với ơn gọi độc thân vì Nước Trời, sống đời nghèo khó đơn sơ, giúp cá nhân mỗi người đạt tới sự tự do đích thực, tự do nội tâm qua sự vâng phục.
Kết Luận
Đan sĩ trước hết là người tìm Chúa, thuộc về Chúa, luôn sống với Chúa. Tìm Chúa trong cầu nguyện, qua lao tác (Ora et Labora), tìm Chúa trong tha nhân, qua sự âm thầm phục vụ và hoan hỷ hy sinh… Ơn gọi này được hỗ trợ và lớn lên nhờ cộng đoàn; nghĩa là đan viện cũng phải trở thành một cộng đoàn tìm Chúa, một cộng đoàn dám thể hiện triệt để hơn nữa lời mời gọi “không quí gì hơn lòng mến Chúa Kitô” (TL, chương 4).
Trong nỗ lực sống triệt để ơn gọi này, cá nhân người đan sĩ và cộng đoàn đan viện gặp không ít thách đố: thách đố phải xây dựng một đời sống thánh hiến làm chứng về sự sống Thiên Chúa nơi mình, có sức biến đổi con người, mang lại niềm vui, sự giải thoát khỏi những cái tầm thường, chứ không phải là một sự cằn cỗi của cuộc sống bị tê liệt do bởi sự mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, do bởi sự nửa vời của cuộc sống.
Nhờ nỗ lực “Canh Tân và Đổi Mới” đời sống tu, theo tinh thần của Giáo hội được nói đến trong Công đồng Vaticano II, mà cơn cám dỗ của “chú quỷ ban trưa” dần dần biến mất. Nói cách khác, chính chú quỷ ban trưa không còn đủ mạnh để lôi kéo và chi phối đời sống người đan sĩ. Nhờ đó, mỗi đan sĩ có thể noi gương thánh Phaolô mà nỗ lực “quên đi chặng đường đã qua mà lao mình về phía trước, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu.’’ (Pl 3,13-14)
Nguồn: xitothanhgia.com
[1] “Những bài thuyết trình về đan tu” (Conferences, Cerf 1955); “Những qui chế cộng tu” (Institutions cenobitiques, Cerf 1965). Xc. Đời Thánh Hiến và lời khấn dòng, HD Xitô TGVN, 1995, trang 158. [2] xc. Giai thoại và danh ngôn của các Đấng tu rừng, Ngọc Đính chuyên ngữ, Nxb Tôn Giáo, 2009, p. 39.
Tin tức liên quan khác
Phỏng vấn Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại giao Tòa Thánh
Ban Caritas Giáo phận Bắc Ninh cứu trợ vùng lũ
Thứ Năm tuần 15 Thường niên năm I – Hãy đến với Ta (Mt 11,28-30)
Tình trạng sức khỏe của ĐTC Phanxicô khá hơn; ngài không bị nhiễm trùng phổi
Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu viếng thăm Singapore
Đức Phanxicô tập trung vào Kinh Thánh và lòng thương xót – Tại sao nhiều người Công giáo khó chịu?
Truyền hình trực tiếp Buổi Tiếp kiến chung thứ Tư 13/09/2023
Thứ Ba tuần 21 Thường niên năm II (Mt 23,23-26)