Khi “Chị Yagi” đi qua

Những ngày Hè oi bức đến như là dịp để nhà nhà cùng nhau tìm đến chốn thanh tịnh để “chữa lành” và an dưỡng. Một cách tổng quan, con người ngày nay đã biết nhìn các biến cố xảy đến một cách tích cực hơn. Từ đó, họ đã dám chọn lựa các cách thế để “sống với hoàn cảnh mới”.

Sau những ngày Hè oi bức, những luồng gió mát từ Biển Đông bắt đầu tràn về để xua đi cái bĩ cực của tiết trời. Âu, mọi sự cũng thuận theo quy luật. Thế nhưng, trong tích tắc của thời gian và trên địa hạt của không gian, Chị Yagi đã đến, đã đi qua và “gởi lại” cho bà con Miền Bắc và bà con cả nước nhiều thổn thức…

Khi những tâm tình này đến với nhiều người thì những thống kê liên quan đến Chị Yagi không ngừng nhảy múa. Dường như, Chị Yagi tác động một cách sâu rộng trên mảnh đất Bắc Bộ. Những con số biết nói được cập nhật mỗi giây mỗi phút vì nó liên quan đến Hồng Ân Sự Sống của tất cả mọi người. Cùng với đó, “việc sống với hoàn cảnh mới” khiến mọi người xích lại gần nhau hơn. Trong cái tang thương và lạnh lẽo của đất trời, hơi ấm tình người đã và đang truyền lửa và sưởi ấm cõi nhân sinh.

Từ xa tít của miền Nam, bà con vẫn nghe được tiếng khóc bi ai của những người cha người mẹ mất con; tiếng rên la sầu não của những người con “lạc mất” gia đình và người thân. Có thể nói, tiếng “âm” đúng nghĩa đang bủa vây lòng người nhưng… tạ ơn Chúa và cám ơn nhau, tiếng Thanh Cao của sự sống vẫn cứ ngân nga. Lúc này đây, bỏ qua “những cái tôi khác biệt”, tất cả trở nên “chúng tôi” để chung tay tái thiết. Xã hội, Giáo hội xót xa, đồng cảm và đồng hành. Tình thương và Lòng Thương xót khởi nguồn từ Thiên Chúa nối nhịp mọi tâm hồn.

Những con đường xưa nay chẳng mấy ai đi nay lại in đậm dấu chân của những nhà hảo tâm. Đã qua rồi cái thời của thiện nguyện mang tính phô trương, chúng ta cần phải chân nhận lòng thiện tâm của biết bao tổ chức và cá nhân. Đâu đó, Lời Chúa luôn vang vọng; “Chính anh em hãy cho họ ăn” (x. Mt 14,16).

Trong cái hạn điểm của kiếp nhân sinh, đứng trước Thiên Chúa cao cả và trước sự uy hùng của thiên nhiên, con người bỗng hóa nên nhỏ bé. Để rồi từ đó, chúng ta phải nhận ra sự mỏng manh của chính cuộc đời chúng ta. Như đã nói ở đầu bài viết, trong cái tích tắc của thời gian, tiếng cười vui nên cảnh sầu thương bi ai; sự đoàn tụ kề bên sự li tán; trong địa hạt của không gian, những gì là chắc chắn, những gì là “an cư” cũng hóa nên đống tro tàn. Vậy, chúng ta còn lại gì?

Chúng ta luôn còn cơ hội….

Trước hết, chúng ta phải tạ ơn Chúa vì Ngài còn ban cho chúng ta cơ hội để chia sẻ và yêu thương. Đây là món quà tuyệt vời khi chúng ta không ở lại trong sự oán trách thiên nhiên, nhưng đã biết thay đổi để thích ứng với các biến chuyển của cuộc sống.  

Thứ đến, đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại cách thế đối xử với người bạn thiên nhiên hùng vĩ của chúng ta. Đức Giáo hoàng Phanxi cô nói “Thiên nhiên không thể bị coi là một điều gì đó tách ra khỏi bản thân chúng ta hoặc như chỉ là một bối cảnh trong đó chúng ta sống. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, được bao gồm trong đó và do đó ở trong một mối tương tác liên lỉ với môi trường” (Laudato Si 139). Thế giới này là một tặng phẩm chúng ta đón nhận trong tự do, và phải chia sẻ cho những người khác. Điều này gồm cả những thế hệ tương lai. “Thế giới chúng ta đón nhận cũng thuộc về những thế hệ tiếp theo sau chúng ta”. Như các Giám mục Bồ Đào Nha đã nói, môi sinh “được vay mượn từ mỗi thế hệ, và rồi mỗi thế hệ lại phải trao lại cho thế hệ kế tiếp” (x. Laudato Si 159).

Cuối cùng, sau những gì có thể làm để kiến tạo và cả để sửa sai, chúng ta hãy dành phần còn lại cho Thiên Chúa. “Anh em hãy cầu nguyện không ngừng.Đây luôn là lời mời gọi chân tâm nhất trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Lời cầu nguyện liên lỉ chúng ta dâng lên Thiên Chúa vì biết bao đau thương mà anh chị em chúng ta đã, đang và sẽ phải oằn mình để gánh chịu. Lời cầu nguyện liên lỉ chúng ta dâng lên Thiên Chúa vì bao mảnh đời đã ngã gục, bị chôn vùi và ra đi trước chúng ta. Và lời cầu nguyện liên lỉ chúng ta dâng lên Thiên Chúa vì một tương lai tốt đẹp hơn.

“Chị Yagi” đã đi qua và có lẽ, sẽ có rất nhiều Chị Yagi khác sẽ lại đến “thăm viếng” chúng ta. Trong cái thụ động của chính mình, chúng ta hãy dám chủ động một cách mạnh mẽ và đầy tràn ý nghĩa. Có những cơn bão mà chúng ta chỉ biết bất lực đứng nhìn, nhưng cũng có rất nhiều “cơn bão” mà chính chúng ta là chủ nhân tạo ra. Sóng gió của ai oán, sóng gió của lòng người đôi khi cũng “lặng thầm” tạo ra sự li gián và chết chóc cách đau thương. Sóng biển ập vào, sóng người vùi dập: lẽ nào chúng ta chấp nhận?

Lạy Thiên Chúa tối cao và vinh hiển, xin chiếu sáng cảnh tối tăm lòng chúng con, để chúng con biết mở rộng con tim và đôi tay; sẵn lòng chung chia với nỗi đau của những ai cùng cực và cùng nhau kiến tạo một thế giới an hòa. Amen.

Bài: Phêrô Nguyễn Bảo, Ofm (TGPSG)