Giáo xứ Tam Tòa có nhà thờ tọa lạc trên tả ngạn sông Nhật Lệ, nay là đường Nguyễn Du, thành phố Ðồng Hới. Vào khoảng thế kỉ XVII, giáo họ Đồng Hới được thành lập. Họ đạo này cũng có tên là họ Lũy vì gần Lũy Trường Dục hoặc Lũy Thầy do Đào Duy Từ xây cất. Mãi đến năm 1886 mới đổi tên là họ Tam Tòa.
Giáo họ Đồng Hới (Tam Tòa) do các cha dòng Tên thành lập. Năm 1615, cha Phanxicô Buzomi, dòng Tên, người Ý từ Áo Môn qua xứ Nam. Cha được chúa Sãi cho tự do mở đạo từ Phú Yên đến sông Gianh. Các cha dòng Tên thường giảng đạo ở những dân tập trung. Lúc bấy giờ ở Quảng Bình, không có chỗ nào đông người bằng cửa Nhật Lệ nên các ngài đã lập nên ở đây bốn giáo xứ là Đại Phong, Trung Quán, Dinh Mười và Đồng Hới.
Năm 1659, Tòa Thánh lập địa phận Đàng Trong (xứ Nam) và đặt Đức Giám Mục Lambert de la Motte cai quản, tuy nhiên, lúc này ngài vẫn đang ở Thái Lan. Các giáo xứ ở Quảng Bình được giao cho các ban chức việc coi sóc, họ là những người đã được các thừa sai ban bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Giáo dân nơi đây phải chịu nhiều thiệt thòi vì con số các cha quá ít, địa hình lại cách xa với Huế nên việc đi lại của các cha cũng hạn chế. Hơn nữa, từ năm 1698 trở đi, Minh vương cấm đạo quá ngặt nên mọi việc truyền giáo cũng đình trệ, con số giáo hữu ngày một giảm.
Vào năm 1690, linh mục Lôrensô Lân được đặt làm quản xứ tiên khởi Quảng Trị và Quảng Bình. Là một linh mục sinh trưởng ở Đồng Nai, ngài được học tại chủng viện Thái Lan, có tiếng thông minh xuất chúng. Chính ngài đã để lại nhiều tài liệu quý giá về các giáo họ tại Quảng Bình nơi ngài coi sóc. Năm 1733, ngài bị bệnh và qua đời tại bệnh xá Phủ Cam, từ đây Quảng Bình vắng bóng linh mục Việt Nam.
Trải qua thời gian cấm đạo (1833-1862), các giáo xứ vùng Quảng Bình gặp nhiều khó khăn trong việc giữ đạo, các linh mục không được phép hoạt động tại đây. Các công việc trong các giáo xứ chủ yếu nhờ vào các chức sắc chức việc. Họ Sáo Bùn (Tam Tòa) là một giáo họ ở gần quan quân tỉnh Đồng Hới nên phải dè dặt hơn các nơi khác. Lúc này, nhà thờ được làm bằng cột kèo tranh tre, khi tĩnh thì để vậy nhưng khi động thì hạ xuống để một đống. Các linh mục nếu có đến đây phải lén lút cử hành thánh lễ lúc ban đêm và ban các bí tích tại tư gia.
Qua thời cấm đạo này, tại Đồng Hới, quan quân đã chọn một địa điểm không xa họ Sáo Bùn để làm pháp trường xử các vị tử đạo. Dưới thời Minh Mạng, ngày 28/11/1838, quân lính đã xử Đức Cha Cao (Borie), cha Vincente Điểm và cha Phêrô Khoa, ba vị thuộc Giáo phận Vinh. Ngày 10/7/1840, nơi đây là pháp trường đã xử ông Antôn Quỳnh Năm và thầy Tự. Linh mục Launay trong cuốn “52 Tôi Tớ Chúa” đã ghi rằng: “Ngày đó, tất cả các giáo dân họ Sáo Bùn và họ Sáo Cát cùng với một số đồng bào lương dân đến mục kích cái chết của hai vị tử đạo”. Dưới triều Tự Đức, ngày 26/5/1861, tại pháp trường này cũng đã xử hai vị tử đạo là cha Gioan Đoàn Trinh Hoan và ông trùm họ Matthêô Nguyễn Văn Phượng. Về sau, giáo dân đã xây một tượng đài để kỷ niệm tại đây để kính nhớ 7 vị tử đạo, tuy nhiên qua thời gian đã mất và địa điểm pháp trường hiện nay vẫn khó xác định.
Những năm 1880, Sáo Bùn có 200 nóc nhà với khoảng 1.200 giáo hữu, tại đây có Viện Dục Anh để giúp nuôi trẻ em nghèo và có tu viện Mến Thánh Giá phục vụ từ thiện và giáo dục. Năm 1886, Văn Thân đột kích giáo xứ Sáo Bùn, giết chết 52 giáo dân, đốt phá nhà thờ nên số giáo dân chạy về Ðồng Hới lánh nạn. Sau khi được sự cho phép của chính quyền bảo hộ và các cơ quan hữu trách, cố Claude Bonin và giáo dân Tam Tòa chuyển nhà thờ về ở rẻo đất bên bờ sông Nhật Lệ, sát cửa thành thuộc đất làng Mỹ Lệ và đổi tên thành giáo xứ Tam Tòa. Đây chính là nơi hiện nay còn ngọn tháp nhà thờ. Năm 1850, khi giáo phận Huế được thành lập, Tam Tòa thuộc sự quản lý của giáo phận Huế. Nhà thờ Tam Tòa lần đầu tiên được xây dựng năm 1887 và năm 1940, được tái thiết khang trang và hoàn chỉnh hơn.
Năm 1954, sau hiệp định Genève, hầu hết giáo dân Tam Tòa, cùng với rất nhiều dân cư ở đây và giáo dân các xứ thuộc hạt Nam Quảng Bình di cư vào Ðà Nẵng sinh sống và thành lập giáo xứ Tam Toà ở Ðà Nẵng. Từ đó, số giáo dân còn lại ở đây được coi sóc bởi 2 linh mục Trần Quang Nghiêm và Lương Minh Thể. Ðến năm 1962, cha Thể qua đời và năm 1964, chiến tranh lại bùng phát, cha Nghiêm rời đi, Tam Tòa không còn linh mục coi sóc.
Năm 1968, nhà thờ Tam Tòa bị máy bay Mỹ oanh kích, đổ nát và được duy trì trong tình trạng này cho đến ngày xây dựng nhà thờ mới như hôm nay. Mặc dầu số giáo dân còn lại quá ít ỏi, không đủ khả năng tái thiết, nhưng tổng giáo phận Huế cũng như bà con Tam Tòa vẫn luôn ước mong tái thiết nhà thờ mà cha ông họ đã dày công xây dựng.
Theo chứng tích lịch sử qua dải đất Tam Tòa (Đồng Hới), chúng ta chỉ nhìn thấy một ngọn tháp nhà thờ bên bờ sông, bị bom đạn làm sứt mẻ quá nặng nề. Tuy nhiên, đó là chứng tích cho chúng ta biết rằng, tại chốn này đã từng có một giáo xứ Tam Tòa sum vầy, phồn thịnh. Ngoài ra, nơi đây còn có tu viện Mến Thánh Giá, Viện Dục Anh, trường Trung Học Chân Phước Phượng và nghĩa trang giáo xứ.
Ngày 26/3/1997, UBND tỉnh Quảng Bình tự động ra quyết định đưa nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích lịch sử như một di chứng tội ác chiến tranh, không thông qua ý kiến của chủ sở hữu là tổng giáo phận Huế và bà con giáo dân giáo xứ Tam Tòa.
Ðến ngày 15/5/2006, tổng giáo phận Huế chuyển giáo hạt Nam Quảng Bình cho Giáo phận Vinh, trong đó có giáo xứ Tam Tòa. Ngay sau đó, Ðức Cha Phaolô Maria Cao Ðình Thuyên đã bổ nhiệm linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng về quản xứ Sen Bàng, kiêm xứ Tam Tòa, phục vụ hơn 1,000 giáo dân sinh sống tại địa bàn thành phố Ðồng Hới, quanh nhà thờ Tam Toà. Ngày 01/10/2010, cha Phêrô Lê Thanh Hồng chính thức được bổ nhiệm quản xứ Tam Tòa. Đã nhiều lần giáo dân yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Bình trao trả lại nhà thờ Tam Tòa nhưng không được chấp thuận. Căng thẳng nhất là sự kiện 20/7/2009. Mọi sinh hoạt tôn giáo đang phải nhờ nhà của ông Trần Công Lý tại đường Nguyễn Du, cách nền nhà thờ Tam Tòa khoảng 100m về phía tây bắc.
Về với Tam Tòa hôm nay, chúng ta sẽ thấy một Tam tòa khác hẳn. Qua 7 năm cha quản xứ Phêrô Trần Văn Thành cùng bà con giáo dân nỗ lực xây dựng đến nay ngôi thánh đường mới được hoàn thành.
Nguồn : giaophanhatinh.com
Tin tức liên quan khác
Những bữa ăn nghĩa tình
Cột lửa trong đêm tối: Xuất Hành 14
Nhân Công nghị của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ucraina tại Roma
Cha Wilfrid Stinissen giải thích về đêm tối thiêng liêng
Trái tim mục tử không bao giờ đóng cửa
Ý cầu nguyện của ĐTC trong tháng 2: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y
Thứ Hai tuần 23 Thường niên năm I – Vui với người vui (Lc 6, 6-11)
Liệu Chúa có còn trong lòng bạn không?