DẪN NHẬP
Đời Sống Thánh Hiến cắm rễ sâu trong gương mẫu và giáo huấn của Chúa Kitô, là một ân huệ Thiên Chúa ban cho Giáo hội Người qua trung gian Chúa Thánh Thần[1]. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để làm nên Đời Sống Thánh Hiến là sự quy tụ của thành viên để làm nên đời sống cộng đoàn. Quả vậy, đời sống cộng đoàn là một sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho những ai muốn hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho Ngài, để minh họa lại sự sống thần linh và tình yêu của Cộng Đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa[2] và minh họa cách sống động đức khôn ngoan muôn mặt của Người (x. Eph 3,10).
Trong thế giới của một cộng đoàn thánh hiến, thật lạ lùng khi những con người bình thường lại cùng nhau chia sẻ một lối sống rất phi thường. Thế giới ấy có xương sườn là linh đạo của Đấng Sáng Lập, có bộ khung là trật tự cấu trúc, có Ba Lời Khuyên Phúc Âm làm nguyên lý, có các thành viên làm nên thịt da, có tình liên kết làm nên máu huyết và có Chúa Thánh Thần làm Nguồn Sống[3]. Vì cộng đoàn tu trì vừa mang tính thánh thiêng vừa chứa đựng những đặc thù trần thế nên không ngạc nhiên khi nó có sự pha trộn giữa những điểm sáng và điểm tối. Thật vậy, đời sống cộng đoàn của những người độc thân thánh hiến là mảnh đất tràn chảy niềm vui Tin Mừng nhưng cũng là nơi xuất hiện những chướng ngại vật cản trở dòng chảy thánh thiêng ấy.
GÓC SÁNG CỦA NIỀM VUI
Trước tiên, phải khẳng định rằng đời sống cộng đoàn là nơi đong đầy những niềm vui thánh thiêng qua cuộc đời chiếu tỏa vẻ đẹp của lối sống theo Tin Mừng và việc đi theo Chúa Kitô của các tu sĩ[4]. Niềm vui tiên vàn nhất mà người tu sĩ nhận được qua đời sống cộng đoàn là niềm vui có Chúa, bởi cộng đoàn là nơi Thiên Chúa hiện diện vì “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Ta, thì có Ta ở đó giữa họ” (Mt 18,20). Còn gì hạnh phúc hơn khi ánh mắt của mỗi người luôn hân hoan hướng về Thiên Chúa và nhìn người khác bằng ánh mắt nhân hậu của Ngài. Còn gì vui hơn khi sáng dậy, trưa đến, chiều lại và tối về, cộng đoàn được quy tụ bên nhau trong các giờ Phụng Vụ Thánh, những giờ chia sẻ chung để chúc tụng Chúa là Đấng đem đến cho họ niềm vui đích thực và vĩnh cửu. Ngoài ra, chính nhờ cộng đoàn, trong cộng đoàn và cùng cộng đoàn, người tu sĩ sẽ cảm thấy hạnh phúc vì được “thuộc về” một gia đình thánh thiêng. Chính tại nơi này, tình yêu được thăng hoa qua những cử chỉ yêu thương, nâng đỡ, cảm thông, chia sẻ cho nhau cách vô vụ lợi. Mỗi người đều cố gắng thoát khỏi những bóng tối của cái tôi ích kỉ để hướng tha nhiều hơn và cùng giúp nhau tiến bước trên hành trình ơn gọi. Cũng chính nơi đây, các thành viên ý thức sống tinh thần “Vui với người vui, khóc với người khóc”, để rồi có những niềm vui được tìm thấy trong nỗi buồn, có những nụ cười được tìm thấy qua những dòng lệ, nỗi niềm ấy không còn của riêng ai nhưng là của tất cả mọi người trong một gia đình. Hòa vào những niềm vui lớn lao trên, có lẽ, mỗi tu sĩ ai cũng cảm nhận được niềm vui ý nhị về sự âm thầm lớn lên của bản thân trên nhiều phương diện, qua từng ngày tháng được Thiên Chúa nuôi nấng, dạy dỗ trong chiếc nôi cộng đoàn. Nơi đây không chỉ đơn thuần là một nơi để mỗi người có thể sống, học tập và theo đuổi ơn gọi mà còn là nơi giúp mỗi người bào mòn đi những góc cạnh, những cái sần sùi của phận người, góp phần hoàn thiện nhân cách và đi sâu vào căn tính đời tu. Quả vậy, không gì hạnh phúc hơn khi có thể cảm nhận được sự “lột xác” và trưởng thành của bản thân cùng với việc ngày càng nên giống Thiên Chúa hơn.
GÓC KHUẤT CỦA THÁCH ĐỐ
Bên cạnh những nguồn vui tràn chảy từ đời sống chung, chúng ta không thể phủ nhận rằng, có những thách đố lớn đến từ thế giới bên ngoài, từ chính cộng đoàn hay bởi chính bản thân người tu sĩ, làm nên những mối nguy hại cản trở sự triển nở của đời sống cộng đoàn.
Trước tiên, một trong những thách đố lớn lao mà một cộng đoàn thánh hiến ngày nay phải đương đầu đó là sự lây nhiễm lối sống phóng túng từ các trào lưu thế tục, làm cho những căn bệnh thời đại dễ dàng lây lan giữa các thành viên trong cộng đoàn và tạo nên những chướng ngại trong việc tuân giữ các Lời Khuyên Phúc Âm. Chủ nghĩa vật chất đang dần len lỏi sâu vào lối sống của người tu sĩ và trở nên nguyên nhân cội rễ chống lại đức Khó Nghèo. Chủ nghĩa cá nhân thì lại nhân danh tự do, góp phần làm cho tinh thần độc lập bị “biến tính”, trở thành môi trường thuận lợi nuôi dưỡng cái cái tôi cố hữu trong bản thân người tu sĩ và thôi thúc họ đi ngược lại với đức Vâng Phục. Chủ nghĩa hưởng thụ thì dung túng cho sự “thả lỏng” về vấn đề phái tính, khiến cho người tu sĩ “khi thì sa lầy lúc thì mắc cạn”. Có những thành viên phải kéo lê đời tu trong bóng đêm dục tình, có những người khác lại phải đứt gánh giữa đường, làm cho cả cộng đoàn đau đớn và day dứt.
Ngoài những khó khăn đến từ ngoại tại thì những khác biệt của các thành viên trong cộng đoàn lại trở thành thách đố nội tại dẫn đến nhiều vấn đề nhức nhối trong đời sống chung. Trong một cộng đoàn, có hàng chục hay hàng trăm con người hoàn toàn khác biệt nhau về quê quán, hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, trình độ văn hóa, tính tình, tuổi tác, khả năng, và còn biết bao “sự lệch pha” khác. Chính vì thế, những xung đột, căng thẳng và bất hòa không thể tránh khỏi trong cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, dù những khó khăn trên có lớn đến đâu thì kẻ thù lớn nhất cản trở sự phát triển của cộng đoàn vẫn là những bản năng của mỗi cá nhân. Người tu sĩ từ bỏ thế gian, long trọng tuyên bố buông bỏ mọi thứ và tưởng rằng mọi sự đã được giải quyết cho đến trọn đời. Thế nhưng, càng tu thì những bản năng mà mỗi người có trong mình lại càng nổi dậy. Đó là bản năng tình cảm phái tính, bản năng sở hữu, bản năng vị kỷ, những thay đổi bất thường trong tâm sinh lý và còn biết bao trái khuấy khác. Một khi người tu sĩ chiều theo những yếu đuối của kiếp nhân sinh mà không can đảm cắt tỉa bản thân, thì sẽ làm cho căn tính đời tu bị thoái hóa và đánh mất bầu khí thánh thiện, an vui của cộng đoàn.
Như vậy, các cấp độ thách đố từ khách quan đến chủ quan đều “mạnh tay” góp phần cướp đi niềm vui sung mãn của đời sống cộng đoàn và làm cho bức tranh đời sống cộng đoàn trở nên tối tăm hơn. Thiết nghĩ, chúng ta phải tìm ra những phương thế hiệu quả để bảo toàn và phát huy bầu khí an bình và vui tươi trong đời sống chung.
HƯỚNG ĐẾN MỘT VIỄN TƯỢNG
Để một cộng đoàn thánh hiến trở nên vững mạnh và không bao giờ vơi cạn niềm vui Tin Mừng nếu cộng đoàn ấy biết đi sâu vào đời sống cầu nguyện, khéo léo dung hoà sự khác biệt của các thành viên và giúp mỗi người nội tâm hoá Hiến Pháp của Hội Dòng mình.
Trước hết, cầu nguyện chính là mạch nguồn và cầu nối mọi người gặp gỡ nhau tại tâm điểm là Đức Kitô – Đấng đã quy tụ mọi thành viên trong cộng đoàn trở thành một gia đình linh thiêng. Từ kinh nghiệm sống niềm hạnh phúc viên mãn với Chúa, người tu sĩ mới có thể mở ra niềm vui cho nhau như lời thánh Augustinô đã nói: “Để sống hạnh phúc với nhau, chính Chúa là Đấng chúng ta phải chiếm hữu”[5]. Vì thế, giữa trăm ngàn thách đố nội tại cũng như ngoại tại phát xuất từ đời sống chung, cầu nguyện vẫn luôn có thể xoa dịu một trái tim đau khổ, góp nhặt niềm vui từ những điều nhỏ nhặt và kiến tạo một bầu khí yêu thương.
Thêm vào đó, việc dung hoà những nét khác biệt trong tinh thần hiệp nhất với nguyên tắc “lắng nghe – đối thoại – chia sẻ” cũng là một con đường tuyệt vời để xây dựng một cộng đoàn thánh hiến. Lắng nghe để hiểu biết người khác, đối thoại để gặp gỡ nhau bằng một tiếng nói chung và chia sẻ để trao ban “những nét đặc biệt” làm phong phú đời sống cộng đoàn. Như thế, kết quả mà nguyên tắc này mang lại là sự lan toả niềm vui từ trái tim đến trái tim của những tâm hồn cùng chung một chí hướng.
Cuối cùng, việc nội tâm hoá Hiến Pháp và vui vẻ thi hành trong sự tự do là bệ đỡ vững chắc cho sự sung mãn của một cộng đoàn thánh hiến[6]. Một khi người tu sĩ “cưu mang và đón nhận” bộ luật tối thượng này với sự tự do, ắt hẳn cộng đoàn sẽ tự động đi vào nề nếp, sự bình an và sự thanh thoát trong tinh thần.
Thiết tưởng, với những phương thế vừa mang chiều kích siêu nhiên lẫn tự nhiên ở trên, không có gì có thể đánh đổ sự vững chắc hay có thể lấy mất niềm hạnh phúc đong đầy của một cộng đoàn được thánh hiến cho Thiên Chúa.
LỜI KẾT
Nói tóm lại, khi sống trong cộng đoàn, người tu sĩ không nên quá lý tưởng hóa những niềm vui, cũng không nên bi quan hóa những thách đố nhưng hãy biết quân bình đời sống chung bằng việc tìm kiếm và thực thi những phương thế hữu hiệu. Đời sống cộng đoàn tuy có nhiều chấm đen, nhưng chính nó lại giúp người tu sĩ đánh giá được sự trưởng thành của bản thân, bởi bản lĩnh và sự thánh thiện của một tu sĩ được thể hiện nơi đời sống cộng đoàn. Hy vọng những ai đang được diễm phúc sống trong các cộng đoàn tu trì sẽ có cái nhìn mới hơn, sâu sắc hơn về đời sống cộng đoàn và ngày càng nổ lực hơn trong việc kiến tạo bầu khí hạnh phúc, bình an và thành thiêng trong đời sống cộng đoàn của mình.
Nt. Maria Trần Thị Diệu Huyền,
Dòng Mến Thánh Giá Vinh
WHĐ (08.10.2022)
[1] Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, (25/03/1996), 1.
[2] Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Perfectae Caritatis, (28/10/1965), 1.
[3] Phêrô Lê Hoàng Nam, S.J, Những Lợi Ích Của Đời Sống Cộng Đoàn, 2018, https://dongten.net/2018/05/24/nhung-loi-ich-cua-doi-song-cong-doan/
[4] Phanxicô, Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, (21/11/2014), II.1.
[5] Thánh Augustinô, Thành Đô Thiên Chúa, 8.8.
[6] Bộ Giáo Luật, 1983.đ.598.
Tin tức liên quan khác
Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Toà Thánh thăm Việt Nam
Chúa nhật 16 Thường niên năm B – Chạnh lòng thương (Mc 6,30-34)
Diễn từ Đức Thánh Cha Dành cho các nữ Đan sĩ Dòng Cát Minh Nhặt phép năm 2024
ĐTC hy vọng Ngày GTTG tại Lison tiếp tục là ký ức sống động về tình yêu Chúa giữa dân Người
ĐTC Phanxicô và các lãnh đạo Kitô giáo sẽ cử hành Canh thức đại kết khai mạc Thượng Hội đồng
Chúa nhật 11 Thường niên năm A (Mt 9,36-10,8)
Giáo xứ Tam Tòa Khai giảng năm học giáo lý 2022-2023
Chúa nhật 12 Thường niên năm B (Mc 4,35-41)