Tìm hiểu gốc tích Tháng Hoa kính Đức Mẹ Maria

Là người Công giáo Việt Nam, nhất là những người đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung hoặc Nam, có lẽ họ không lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ. Khi ngàn hoa xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời. Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài “Đây Tháng Hoa” của nhạc sĩ Duy Tân với tiết tấu 2/4 nhịp nhàng…

Tìm hiểu gốc tích Tháng Hoa kính Đức Mẹ Maria
Tìm hiểu gốc tích Tháng Hoa kính Đức Mẹ Maria

ĐK. Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

1. Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời. Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

2. Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời.

Nếu có ai tự hỏi: “Tháng Hoa có từ đời nào, do ai khởi xướng?” thì câu trả lời cũng không khó khăn gì. Gốc tích như thế này:

Vào những thế kỷ đầu, hằng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân. Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên. Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Có nơi người ta tổ chức các “Cuộc Rước xanh.” Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philíphê Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ XIX, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

– ĐGH Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa,” cho rằng “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ.”

– ĐGH Phaolô VI, trong Thông Điệp Tháng Năm, số 1, viết: “Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ.” (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, p. 236)

Một câu truyện cũ (Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10) đáng suy nghĩ:

Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianney.

Cha Vianey là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người tặng là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:

– Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên Đàng.

Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.

Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hy sinh, đau khổ, bệnh hoạn,… chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa? Vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của lòng Mến, hoa Trắng của lòng Trong Sạch, hoa Tím của sự Hãm Mình, hoa vàng của Niềm Tin, hoa Hồng của kinh Kính Mừng lắm.

Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: “Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ thì tôi chắc chắn được lên Thiên Đàng.”

Thánh Bênađô diễn tả văn vẻ hơn: “Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ. Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng. Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ.”

Lm. ĐOÀN QUANG (CRM – Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc)

CHUYỆN VỀ MẸ

 

Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê.” (Hc 3:2 và 11)

1. MẸ HIỀN TỪ

Tháng Năm là Tháng Hoa biệt kính Đức Mẹ, và có Ngày Hiền Mẫu – ngày tôn vinh những người mẹ, đề cao vài trò người mẹ và thâm tình Mẫu Tử. Quả thật, tầm ảnh hưởng của người mẹ rất quan trọng trong xã hội, từ ngàn xưa tới nay.

Ngày Hiền Mẫu được người Mỹ khởi xướng. Ngày này có trên thế giới hàng ngàn năm trước, chẳng hạn người Hy Lạp có ngày tưởng niệm Cybele, người Rôma có lễ hội Hilaria.

Ngày Hiền Mẫu được cử hành lần đầu tiên vào năm 1908, khi bà Anna Jarvis dựng đài tưởng niệm cho người mẹ của bà ở Hoa Kỳ. Hoa cẩm chướng trở thành biểu tượng của Ngày Hiền Mẫu từ khi bà Anna Jarvis phân phát 500 bông hoa này trong Ngày Hiền Mẫu đầu tiên vào năm 1908. Sau đó bà vận động cho Ngày Hiền Mẫu là ngày nghỉ tại Hoa Kỳ. Điều này trở thành hiện thực vào năm 1914. Thế giới đã làm theo cách của bà Jarvis. Theo truyền thống này, người ta mua quà, thiệp, hoa,… để tặng cho mẹ và cho bà của mình vào Ngày Hiền Mẫu.

Có nhiều cách nhớ tới người mẹ đã có tại Hoa Kỳ từ thập niên 1870 và thập niên 1880, nhưng không được phổ biến. Thập niên 1870, bà Jarvis vận động “Ngày Hiền Mẫu Vì Hòa Bình.”

Năm 1912, bà Jarvis đề nghị “Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Năm là Ngày Hiền Mẫu,” và khởi xướng Hiệp Hội Quốc Tế Ngày Hiền Mẫu. Bà nói rằng Ngày Hiền Mẫu nên là ngày để mọi người trong gia đình nhớ tới công sức của người mẹ, người vợ, người bà. Tổng thống Woodrow Wilson của Hoa Kỳ đã ra luật nghỉ việc trong Ngày Hiền Mẫu. Quốc hội Hoa Kỳ cũng có luật tương đương. Nhiều tổng thống khác của Hoa Kỳ cũng quan tâm Ngày Hiền Mẫu.

Anh quốc cũng có Ngày Hiền Mẫu nhưng cử hành vào ngày khác, còn ở Hy Lạp, Chính Thống giáo cử hành Ngày Hiền Mẫu là ngày lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ – tức là ngày 2 tháng Hai.

Ai cũng có mẹ. Hạnh phúc cho những ai còn mẹ, nhưng buồn thay cho những ai không còn mẹ. Người ta có thể chọn được nhiều thứ nhưng không ai có thể chọn người làm mẹ mình. Dù mẹ có thế nào thì cũng là mẹ mình.

2. MẸ HY SINH

Bác học Thomas A. Edison nói: “Mẹ tôi là nguyên nhân thành công của tôi, là người mà tôi không phải thất vọng. Ký ức về Mẹ tôi luôn là phúc lành đối với tôi.” Ông giỏi giang nhưng vẫn là người con chí hiếu. Có một truyện về “Những Lời Nói Dối của Mẹ” đáng suy tư của một tác giả nào đó. Câu chuyện thế này…

Khi tôi còn là một đứa bé trai và được sinh ra trong một gia đình nghèo, thậm chí đến những bữa ăn còn không đủ. Tới bữa, khi không đủ cơm ăn, mẹ thường lấy ở chén của mình rồi chia đều cho các con.

Mẹ bảo: “NÀY CÁC CON, ĂN NHANH ĐI, MẸ KHÔNG ĐÓI!” Đó là lần đầu tiên mẹ nói dối!

Khi tôi lớn dần lên, mẹ tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần đến đầm hồ gần nhà bắt thêm ítt cá làm bữa ăn. Món canh cá của mẹ thật ngon. Khi anh em tôi xì xụp ăn, mẹ ngồi bên cạnh nhìn chúng tôi cười, rồi ăn những phần thịt còn sót lại trong miếng đầu cá mà chúng tôi chê bỏ ra. Thấy vậy, tôi liền lấy chút cá để vào bát mẹ nói: “Mẹ ăn đi.” Nhưng ngay lập tức mẹ từ chối và bảo: “CON CỨ ĂN ĐI, MẸ CHỈ THÍCH ĂN ĐẦU CÁ THÔI.” Tôi ngây thơ tin rằng mẹ nói thật cho đến mãi sau này. Đó là lần thứ hai mẹ nói dối!

Khi lên cấp II, để nộp đủ tiền học phí cho tanh chị em tôi, mẹ phải đến một xưởng nghề nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi mà dán vào mỗi tối. Việc này có thể giúp mẹ trang trải thêm một chút cho việc học của chúng tôi. Vào một tối đông, nửa đêm tôi tỉnh giấc, thấy mẹ vẫn còng lưng dán vỏ bao diêm bên cạnh chiếc đèn dầu nhợt nhạt. Tôi nói: “Mẹ à, mẹ đi ngủ thôi, sáng ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa mà.”

Mẹ chỉ cười: “CON CỨ NGỦ ĐI, MẸ BỊ MẤT NGỦ NÊN KHÔNG BUỒN NGỦ.” Đó là lần thứ ba mẹ nói dối!

Ngày tôi thi vào trung học, mẹ xin nghỉ làm để có thể chăm sóc tôi tốt hơn. Đúng vào mùa hạ, trời nắng như đổ lửa, mẹ mong ngóng từng khắc phía ngoài phòng thi. Tiếng chuông hết giờ đổ vang. Mẹ dang rộng cánh tay ôm đứa con trai bé nhỏ, trong tay mẹ là bình trà pha sẵn mẹ đã ướp hoa từ độ tuần trước. Nhìn thấy bờ môi khô nẻ và khuôn mặt lấp lánh mồ hôi của mẹ, tôi liền đưa bình trà nhỏ bằng thủy tinh nhỏ trong suốt, một trong những thứ tài sản quý giá nhất trong nhà, bảo mẹ cũng uống đi.

Mẹ bảo: “UỐNG ĐI CON. MẸ KHÔNG KHÁT.” Đó là lần thứ tư mẹ nói dối!

Sau khi cha lâm bệnh qua đời, mẹ vừa làm mẹ vừa làm cha. Vất vả với chút thu nhập ít ỏi từ nghề chính, mẹ phải tự lo các chi phí trong nhà một mình. Cuộc sống của gia đình chúng tôi trở nên phức tạp hơn, không có ngày nào được bình yên. Nhìn thấy điều kiện gia đình tôi ngày một khó khăn, một người chú họ sống gần đó đã tới giúp chúng tôi, từ việc lớn cho đến những chuyện nhỏ. Những người hàng xóm quanh đó khi nhìn thấy cảnh không may của gia đình tôi họ đều khuyên mẹ hãy tái hôn. Nhưng mẹ tôi – một người cứng rắn, không quan tâm tới lời khuyên của mọi người.

Mẹ nói: “MẸ KHÔNG CẦN TÌNH YÊU, CHỈ CẦN CÁC CON THÔI.” Đó là lần thứ năm mẹ nói dối!

Sau khi anh, chị tôi tốt nghiệp và đi làm. Mẹ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục làm những việc lặt vặt ở chợ, nhưng một thân một mình, cũng có tuổi, mẹ mắt đã kém, chân tay cũng còn dẻo dai như trước, việc cũng dần ít đi. Các con biết chuyện thường xuyên gửi tiền về để phụng dưỡng mẹ. Mẹ kiên quyết không nhận, tất cả tiền con gửi về mẹ đều gửi trả.

Mẹ bảo: “CÁC CON MỚI RA ĐỜI, CẦN NHIỀU KHOẢN CHI TIÊU. MÀ MẸ BÂY GIỜ THÁNG ĐI CHỢ CŨNG CÓ THIẾU GÌ TIỀN CẢ. CỨ CẦM LẤY.” Đó là lần thứ sáu mẹ nói dối!

Còn tôi ở lại trường dạy hai năm, sau đó thi đỗ học bổng học thạc sĩ ở một đại học danh tiếng của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp tôi ở lại làm việc tại một công ty chuyên về nghiên cứu. Khi đã có chút điều kiện, tôi muốn đưa mẹ qua Mỹ sống để phụng dưỡng. Nhưng mẹ không muốn làm phiền tới con trai mình.

Mẹ nói: “MẸ SỐNG Ở ĐÂY QUEN RỒI. MẸ KHÔNG MUỐN ĐI ĐÂU CẢ.” Đó là lần thứ bảy mẹ nói dối!

Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng bệnh, phải vào viện điều trị. Khi tôi đáp máy bay từ nơi xa xôi về thăm mẹ, mẹ đã già và tôi đau đớn vì thương xót mẹ.

Mẹ mở mắt, cố gượng thều thào bảo: “CON ĐỪNG LO, MẸ CHẲNG ĐAU CHÚT NÀO ĐÂU CON…” Đó là lần thứ tám mẹ nói dối, và cũng là lần cuối cùng!

Sau lần đó, mẹ tôi đã nhắm mắt ra đi mãi mãi…!

Một câu chuyện thật thấm thía và thật buồn, phải không? Rất có thể đó là câu chuyện thật của ai đó. Bạn có cảm giác thế nào? Bạn có thấy cay mắt hoặc nhói lòng hay không? Bạn đã nói gì với mẹ? Bạn có thật lòng cầu nguyện cho mẹ bao giờ? Có người bảo mẹ như bà tiên, nhưng chỉ thích chữ TIÊN thêm dấu huyền mà thôi. Mẹ không nhỏ mọn như vậy đâu, đừng nghĩ về Mẹ như thế!

3. MẸ CỦA TÔI

Mẹ tôi là một phụ nữ rất bình thường, có thể nói là bình thường nhất trong những người bình thường, cho nên đôi tay mẹ tôi cũng rất bình thường, thậm chí là… xấu (về hình dáng). Tôi không “chê” tay mẹ tôi mà tôi luôn trân trọng đôi tay thô ráp mà kỳ diệu đó. Tại sao lại xấu?

Gia đình ông bà ngoại tôi nghèo lắm, do đó mà mẹ tôi khổ từ nhỏ, đó là điều hiển nhiên và tất yếu. Mẹ tôi phải lam lũ, phải vất vả, phải đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng. Ở vùng quê hầu hết mọi người đều làm nghề nông, một nghề cha truyền con nối.

Mẹ tôi không được học hành nhiều nhưng mẹ tôi lại khéo léo trong những việc thường nhật. Hết trồng lúa, trồng rau, trồng cà, trồng khoai, và nhiều loại hoa màu khác, mẹ lại gặt lúa, đập lúa, sàng sảy rất khéo léo và nhanh nhẹn. Thực sự tôi đã cố bắt chước mẹ và thử sàng sảy mà tôi không thể nào làm được gọn gàng như mẹ. Mẹ tôi làm đủ thứ việc ngoài nương đồng rồi việc nhà, hầu như không lúc nào ngơi tay, thế nhưng mẹ tôi vẫn im lặng làm việc, không lời than thân trách phận. Đối với tôi, mẹ vừa khéo tay vừa khéo sống, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác và biết chịu đựng.

Những lúc nông nhàn, mẹ tôi lại ra ruộng bắt cua, mò ốc giữa cái nắng gay gắt buổi trưa hè oi ả. Chỉ đi một lúc là mẹ tôi xách về một thùng đầy cua và ốc, ăn không hết thì mẹ tôi lại đem cua muối ăn dần, rồi làm nước mắm cua cho cả nhà ăn. Không chỉ vậy, có ai kêu làm gì, mẹ tôi lại đi làm thuê để kiếm ít tiền chi tiêu trong gia đình. Mẹ tôi nhỏ con nhưng lại có sức khỏe thật dẻo dai.

Một buổi trưa nọ, khi tôi nằm võng đưa thật mạnh, đứa em con bà cô cầm khúc gỗ kê thẳng vào đầu tôi, thế là tôi bị rách da ở đuôi chân mày mắt trái, máu chảy lênh láng. Ngay lúc đó mẹ tôi đi làm về, mẹ không la rầy hay trách mắng ai, mà chỉ lặng lẽ ôm tôi vào lòng và chăm sóc vết thương cho tôi. Tôi thuộc loại “lì” nên dù có đau mà tôi không hề khóc, nhưng mẹ vừa ôm tôi vừa khóc vì thấy tôi bị thương như vậy…

Đôi tay mẹ tôi chẳng có gì đặc biệt, rất đơn giản, rất bình thường nhưng không tầm thường. Đôi tay ấy đã cho tôi tất cả những gì cuộc đời tôi cần để làm hành trình và kim chỉ nam xuyên suốt cuộc sống. Tôi cảm ơn mẹ thật nhiều, và cũng phải xin lỗi mẹ nữa. Nỗi buồn trong tôi cứ miên man, bởi vì tôi chưa làm được gì cho mẹ thì mẹ đã xa vĩnh viễn rồi!

Lạy Thiên Chúa, xin nhân từ xót thương cho những người mẹ đã qua đời được hưởng hạnh phúc miên trường nơi Thiên Quốc, xin chúc lành và nâng đỡ những phụ nữ đang thi hành thiên chức làm mẹ. Xin cho chúng con cũng được đoàn tụ trong Vương Quốc Yêu Thương của Ngài để ca tụng Lòng Thương Xót của Ngài muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

KÍNH MỪNG MẸ NGÀN HOA

Tháng Năm hoa nở đẹp tươi
Cho người nhìn ngắm mà vui, quên buồn
Kính mừng Đức Mẹ từ nhân
Xin mưa những đóa hồng ân nhiệm mầu
Cho gian trần bớt khổ đau
Bởi vì đại dịch còn nhiều, Mẹ ơi!
Cúm Tàu xuất hiện khắp nơi
Bao người khốn khổ, chơi vơi đau buồn
Lại còn nhiều dịch tràn lan
Tham lam, áp bức, vô thần, bất công,…
Cầu xin Đức Mẹ xót thương
Làm cho thế giới thật lòng với nhau
Như ngàn hoa rực rỡ màu
Hoa Mân Côi nở sớm chiều Tháng Năm.

GIỌT THÁNG NĂM

Giọt tháng Năm lạ lùng
Gội trái tim lầm lạc
Đóa hoa nào thanh khiết
Dâng Mẹ Ma-ri-a?

Nghe chuông vọng ngân xa
Điệp khúc yêu xao động
Khúc nhã nhạc trầm bổng
Tha thiết chiều tháng Năm.

Dâng lên Mẹ từ nhân
Đơn sơ niềm yêu mến
Dù cho không trọn vẹn
Nhưng thành kính, Mẹ ơi!

Niềm tin chưa nhạt phai
Xin Mẹ thương nâng đỡ
Vững tâm vượt sóng gió
Khi có Mẹ chở che.

HOA BAY

Bay lên, bay tới Thiên Đàng
Hoa bay từng đóa yêu thương theo mùa
Vui, Thương, Mừng, Sáng diệu kỳ
Mân Côi nở đẹp chan hòa Tháng Năm
Hoa bay tới Đỉnh Thiên Ân
Nương theo Đức Mẹ từ nhân đưa đường
Gặp Giê-su, Đấng xót thương
Hoa thơm thánh đức kính dâng trọn tình
Hoa bay thắm sắc lung linh
Muôn màu, muôn sắc, hoa kinh tuyệt vời!

TRẦM THIÊN THU
Chào Tháng Năm – 2021

Nguồn: Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *