“Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được,
nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm,
có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi.” (Mt 13,23)
BÀI ĐỌC I (năm I): Xh 20, 1-17
“Luật do Môsê đã ban ra”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: “Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Ðừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta, và tuân giữ các giới răn Ta.
“Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.
“Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sabbat.
“Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi.
“Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò, lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu”.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời
Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
Xướng: Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.
Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết Chúa chân thực, công minh hết thảy.
Xướng: Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật, và hơn cả mật chảy tự tàng ong.
Tin mừng: Mt 13, 18-23
18 “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.
19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.
20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận.
21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.
22Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.
23Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Hạt giống Lời Chúa được gieo vào lòng mỗi người. Hạt giống ấy đạt kết quả ra sao là tùy thuộc vào thái độ đón nhận của chúng ta. Để sinh hoa trái dồi dào, chúng ta hãy cộng tác tích cực làm cho hạt giống nảy mầm và phát triển phong phú.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nhọc công vỡ đất và gieo hạt vào hồn con. Hạt giống là Lời Chúa và chính Chúa. Chúa giao cho con quyền coi sóc thửa ruộng hồn mình. Ngày qua ngày, con ao ước trở thành thửa ruộng tốt, một thửa ruộng không có gai góc sỏi đá và những con đường mòn dọc ngang chai cứng. Nhưng thực tế thì khác. Đã có lúc con phí phạm đánh mất ơn Chúa, đã có lần con làm ngơ, bịt tai trước lời mời gọi yêu thương. Lần này qua lần khác, tâm hồn con dần dần trở nên chai cứng, khiến hạt giống Nước Trời èo uột, khô héo.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ điều đó. Nhưng lòng quảng đại của Chúa vẫn ban phát cách rộng rãi và lòng nhân từ Chúa vẫn kiên tâm chờ đợi con đáp lời. Con xin dâng lời cảm tạ vì Chúa vẫn một lòng thương con. Tâm hồn con càng tội lỗi, thửa ruộng con càng chai lỳ, Chúa càng ban ơn dồi dào phong phú, con tin chắc rằng không bao giờ Chúa rút lại tình yêu thương ấy.
Xin Chúa giúp con biết săn sóc tâm hồn đã được Chúa cứu chuộc và thánh hóa. Xin đừng để con bóp nghẹt ơn Chúa, bóp nghẹt tình yêu Chúa đang triển nở trong con. Xin Chúa giúp con biết chăm sóc thửa ruộng hồn mình bằng cách nhổ đi những cỏ dại tội lỗi, đốt cháy đi những rơm rác của thói hư tật xấu, để có thể sinh nhiều hoa trái như lòng Chúa ước mong. Amen.
Ghi nhớ:“Kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Chúng ta hãy nghe chính Đức Giêsu giải nghĩa 4 loại đất, tiêu biểu cho 4 thái độ của con người trước Lời Chúa:
– Đất vệ đường: những kẻ chẳng thiết tha gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị quỷ dữ cướp đi.
– Đất lẫn sỏi đá: những người mau mắn đón nhận Lời Chúa nhưng không quý chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó thì bỏ cuộc.
– Đất có nhiều gai: những người cũng đón nhận lời Chúa, nhưng điều họ quan tâm hơn là những đam mê, vui thú, của cải… Các thứ sau này như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa chết ngạt.
– Đất tốt: những người sốt sắng nghe Lời và quảng đại thi hành.
B. Suy gẫm (… nảy mầm)
Mỗi ngày Chúa Nhật chúng ta dự Thánh Lễ, Lời Chúa đều được gieo vào lòng chúng ta.
– Có khi nghe xong chúng ta quên liền. Sau Lễ, nếu có ai hỏi ta bài Tin Mừng hôm nay nói gì, chắc ta không trả lời được. Chúng ta là vệ đường.
– Có khi chúng ta cảm thấy Lời Chúa rất hay và có ý muốn làm theo. Nhưng trở về với cuộc sống nhộn nhịp, vài ngày sau ý muốn ấy đã tắt ngúm. Chúng ta là đất lẫn sỏi đá.
– Có khi chúng ta thực tâm thi hành lời Chúa. Thế rồi chuyện này chuyện nọ trong cuộc sống xảy đến. Chúng ta quan tâm giải quyết những chuyện ấy hơn. Lời Chúa bị bóp chết. Chúng ta là đất có nhiều gai góc.
– Chỉ cần một câu Tin Mừng thôi nhưng được suy gẫm kỹ và được kiên trì thực hiện thì sẽ sinh kết quả gấp trăm.
Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không ?” Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”…
Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được: Giác ngô đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Ý nghĩa dụ ngôn người gieo giống (Mt 13,18-23)
- Bài Tin mừng là ý nghĩa dụ ngôn người gieo hạt giống, chính Chúa Giêsu đã giải thích cho các môn đệ. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu đưa ra bốn mẫu người khi đón nhận Lời Chúa:
- Đón nhận một cách ơ hờ, lãnh đạm, không tha thiết với Lời Chúa.
- Đón nhận, nhưng nhất thời và hay thay đổi.
- Có lòng tha thiết nghe Lời Chúa nhưng tâm hồn lo toan trăm mối nên cuối cùng cũng không sinh hoa kết quả
- Còn người chăm chú lắng nghe, tìm hiểu, và ra sức đem ra thực hành thì sinh hoa kết quả gấp trăm, sáu mươi hay ba mươi.
Vậy mỗi người chúng ta hãy tự xét xem mình thuộc loại người nào khi đón nhận Lời Chúa.
- Nhận xét của chúng ta qua bài Tin mừng này là dụ ngôn này trực tiếp dạy chúng ta: số phận khác nhau hay kết quả khác nhau của Lời Chúa là tuỳ thuộc vào tâm hồn hay thái độ của thính giả. Bởi vì hạt giống là Lời Chúa thì bao giờ cũng tốt, không bao giờ có hạt giống xấu, cũng như hạt giống, dù được gieo vào chỗ đất nào thì cũng mọc lên, nhưng kết quả khác nhau. Vì thế, đồng ruộng hay đất đai có một vai trò quan trọng không kém cho kết quả thu hoạch, nghĩa là kết quả của Lời Chúa hoàn toàn tuỳ thuộc vào ruộng đất là tâm hồn hay thái độ của người nghe.
- Nên lưu ý, những hình ảnh gieo giống mà Chúa Giêsu dùng trong Tin mừng hôm nay không giống với kỹ thuật canh tác hiện nay. Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, đất Palestine vốn khô cằn, người nông dân thời Chúa Giêsu không cầy bừa dọn đất trước khi gieo trồng, nhưng gieo vãi trước, rồi sau đó mới cầy đất xới bón. Thành ra, có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi trên về đường, có hạt rơi vào bụi gai. Dù kỹ thuật có khác, dù tiến trình canh tác có khác, người nông dân ở bất cứ thời đại nào cũng giống nhau ở chỗ họ có tinh thần lạc quan. Đất đai có tươi tốt hay khô cằn, thiên nhiên có ngược đãi hay thuận lợi, mùa gặt tươi tốt vẫn luôn là lòng hy vọng của kẻ gieo trồng (Mỗi ngày một tin vui).
- Chúa Giêsu xếp thính giả vào bốn hạng người theo những tâm trạng khác nhau. Bốn hạng người này thì có ba hạng người làm cho Lời Chúa thất bại, và chỉ có một hạng người để Lời Chúa được thành công.
Ba hạng làm cho Lời Chúa thất bại vì những lý do khác nhau:
+ Hạng đường đi: lý do khách quan, vì do ma quỉ đến cướp đi bằng cách quyến rũ người ta chạy theo thú vui xác thịt, những vẻ đẹp của văn minh hưởng thụ, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật làm cho người ta trở nên chai đá đối với những thực tại siêu nhiên.
+ Hạng đá sỏi: lý do chủ quan, đó là những người nông nổi, bồng bột, nhất thời, cho nên thiếu kiên nhẫn. Khi nghe lời giảng thì thích thú (bén rễ) và có khi đưa ra những quyết định canh tân rất là vĩ đại. Nhưng họ chỉ sốt sắng theo tình cảm nhất thời, nên khi gặp khó khăn là bỏ cuộc, chán nản; lòng mến Chúa của họ dễ tan biến như sương buổi sáng, như nắng về chiều.
+ Hạng bụi gai: lý do chủ quan, vì khi nghe Lời Chúa, người ta lại lo lắng việc đời: như lo ăn, lo làm, lo giải trí, xã giao.., và những ham mê sự đời như vật chất, danh vọng, địa vị và thú vui xác thịt… khiến cho Lời Chúa bị chết nghẹt.
+ Hạng đất tốt: thành công vì hạt được một trăm, hạt sáu mươi và hạt ba mươi. Đây là những người nhiệt thành chăm chỉ nghe Lời Chúa và nỗ lực cách kiên trì trong việc tìm hiểu và đem ra thực hành để thánh hóa bản thân.
Lời Chúa được gieo vào lòng tín hữu tốt sẽ tuỳ ơn kêu gọi và thiện chí của từng người mà đem lại những kết quả khác nhau: một trăm, sáu mươi ba mươi (Giải thích của Trần Hữu Thành).
- Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Nếu mảnh đất tâm hồn chúng ta luôn mở ra, Lời Chúa sẽ thấm nhập chúng ta và cuộc sống chúng ta sẽ trở nên tươi tốt. Qua miệng tiên tri Isaia Chúa đã đảm bảo với chúng ta: “Như mưa tuyết rơi từ trên trời không trở về trời, nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc”. Cũng thế: “Lời Ta một khi xuất phát từ miệng Ta, nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mệnh Ta giao phó”.
- Truyện: Nước làm sạch rổ rau
Bà vợ đi lễ về làm cơm sáng hơi muộn làm cho người chồng khó chịu. Người chồng thì khô khan, thỉnh thoảng mới đến nhà thờ. Vợ thì siêng năng đi lễ để nghe Lời Chúa.
Bụng đang đói, chồng tức bực hỏi vợ:
- Em đi lễ hằng ngày như vậy để được cái gì?
Bà vợ trả lời:
- Được nhiều lắm, anh ạ.
Chồng hỏi tiếp:
- Được cái gì?
Vợ thản nhiên đáp:
- Được nghe Lời Chúa. Được Lời Chúa soi dẫn và rửa sạch tâm hồn em!
Chồng trợn mắt:
- Rửa sạch?
Vợ chỉ vào rổ rau mới rửa, trả lời:
– Vâng, nước đã làm cho bụi bặm rổ rau này sạch trơn!
Người chồng hiểu, lặng thinh và suy nghĩ!
4. Suy niệm: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái.
Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi: “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không ?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời: “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”…
Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua: “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”.
Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý.
Suy niệm
Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn gieo giống. Mảnh đất được gieo trồng là hình ảnh tâm hồn chúng ta. Để cho mảnh đất trở nên tốt hầu hạt giống của Thiên Chúa gieo vào sinh hoa, chúng ta cần phải chuẩn bị, như người nông dân lượm những hạt đá để trên bờ rào. Hình ảnh đó gợi nên cho chúng ta tâm tình biết sửa chữa mình không ngừng để cuộc sống chúng ta luôn tràn ngập bình an, ân sủng, đó là giống đã được nảy mầm, kết hoa và đơm hạt.
Nếu cứ để tâm hồn chúng ta hoang sơ như những mảnh đất chưa được nhặt lượm những sỏi đá, cỏ lùng không bị tàn diệt, chắc chắn dù hạt giống ân sủng được nảy mầm, đời sống chúng ta như Chúa ví trong dụ ngôn: Rễ không đủ sâu gặp nắng gắt chết khô, hay chết nghẹt vì bụi gai…
Thiên Chúa gieo giống, Ngài luôn mong đến việc sinh hoa kết quả nơi các tâm hồn được tượng trưng bằng hình ảnh nhiều loại đất gieo trồng tiếp nhận hạt giống. Ngài luôn tưới gội, mưa nắng để cho đất vốn được nhặt sỏi kỹ lưỡng nảy thêm trù phú tạo điều kiện cho hạt giống nảy mầm như Thánh Vịnh có nói: “Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội: Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần” (Tv 64).
Ngài – người gieo hạt giống đã làm tất cả để hạt, Lời Ngài giảng dạy nảy sinh mầm. Hạt giống Lời Chúa sinh được hoa trái, nhưng còn phụ thuộc vào mảnh đất có được canh tác tốt hay không. Giốngkhôngsinh được hạt nếu không có sự cộng tác của mảnh đất con người. Mảnh đất phải được dọn cỏ lùng, mảnh đất phải được nhặt những viên đá để hạt giống Chúa được tự do tăng trưởng, được sinh hoa kết trái mang lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống.
Hãy nhặt đi những sỏi đá trong mảnh đất hồn tôi, hãy nhổ đi những cụm cỏ lùng luôn đe dọa đến hạt giống như Đức Giêsu đã cảnh báo trong khi giải thích dụ ngôn và thường xuyên cảnh báo các môn đệ qua mệnh lệnh chống lại ảnh hưởng của thế gian (x. Lc 9,57-62; 14,28-33; 16,19-31; Ga 15,19; 12,6).
Mong rằng khi mùa gặt tới, mảnh đất đời tôi, đời bạn nuôi dưỡng giống, ít nhất cho những hạt sinh được ba mươi…
Ý lực sống
“… Những lo lắng thế gian và sự giàu có của vật chất làm cho giống chết nghẹt” (Thánh Têrêsa Avila).
Tin tức liên quan khác
Chung quanh quyết định của Đức Thánh Cha sửa đổi 2 khoản giáo luật về Opus Dei
Thư Thượng Đế gửi Eva
Kinh Dâng Hiến (Suscipe): Tình yêu dâng trao
Thiên Chúa vật lộn với con người
Đức Thánh Cha tham dự hội nghị của “Sáng kiến toàn cầu Clinton 2023”
Những ước mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025
“Tôi rất hạnh phúc”: Sự phấn khích ở Indonesia trước chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Ủy ban Kinh Thánh và Bản dịch Cựu ước