“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.” (Lc 11, 1)
BÀI ĐỌC I (năm II): Gl 2, 1-2. 7-14
“Các đấng đã nhận biết ơn đã ban cho tôi”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, mười bốn năm sau, tôi lại lên Giêrusalem cùng với Barnaba và có đem Titô theo. Tôi đã theo ơn mạc khải mà lên đó, và tôi đã trình bày với các đấng đó về Tin Mừng mà tôi rao giảng nơi các dân ngoại, tôi bàn hỏi riêng với những bậc vị vọng, vì e rằng mình đang bôn tẩu hoặc đã bôn tẩu luống công chăng.
Trái lại, khi các đấng ấy thấy rằng tôi được uỷ nhiệm rao giảng Tin Mừng cho người không chịu cắt bì, cũng như đã uỷ nhiệm cho Phêrô rao giảng cho những người đã chịu cắt bì, (vì Ðấng đã ban cho Phêrô làm Tông đồ cho những người đã chịu cắt bì, cũng đã ban cho tôi làm Tông đồ lo cho các dân ngoại), và khi đã nhận biết ơn đã ban cho tôi, thì Giacôbê, Kêpha và Gioan, là những vị được kể như cột trụ, đã bắt tay tôi và Barnaba, tỏ tình thông hảo. Thế là chúng tôi đi sang các dân ngoại, còn các đấng thì đi đến với những người đã chịu cắt bì. Bấy giờ chúng tôi chỉ còn phải nhớ đến những người nghèo khổ, và đó là chính điều tôi đã định tâm thi hành.
Nhưng khi Kêpha đến Antiôkia, tôi đã phản đối ông ngay trước mặt, vì ông làm điều không phải. Vì chưng trước khi mấy người bên Giacôbê đến, thì ông vẫn dùng bữa với những người dân ngoại, nhưng khi những người ấy đến, thì ông lẩn lút và tự lánh mặt đi, bởi sợ những người thuộc giới cắt bì. Những người Do-thái khác đều giả hình như ông, thậm chí cả Barnaba cũng bị lôi cuốn theo sự giả hình của họ. Nhưng khi thấy họ không thẳng thắn sống theo chân lý Tin Mừng, tôi đã nói với Kêpha trước mặt mọi người rằng: “Nếu ông là Do-thái, mà còn sống theo thói người dân ngoại, chứ không theo thói người Do-thái, thì lẽ nào ông bắt ép người dân ngoại phải theo thói người Do-thái sao?
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 116, 1. 2
Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Xướng: Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người!
Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời.
Tin mừng: Lc 11, 1-4
1 Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”.
2 Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói:
“Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. 3 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. 4 Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Kinh Lạy Cha là mẫu mực của mọi lời kinh và cũng là mẫu mực hướng dẫn cuộc sống của chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, lời kinh Chúa dạy là những nét đặc trưng để con trở thành môn đồ của Chúa cũng như thánh Gioan Tẩy Giả có những lời kinh dạy cho các môn đệ của Người.
Lời kinh Chúa dạy vừa liên kết con với Chúa Cha và với tha nhân, vừa xác định hướng đi của đời con.
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã cho con được làm con của Chúa Cha. Chúa đã đưa con vào tương quan mật thiết nhất đối với Chúa Cha, Chúa đã tỏ bày và thực hiện tình thương bao la đối với con.
Chúa muốn cho con tham gia vào sinh hoạt Nước Chúa. Chúa muốn cho con cùng thao thức với Chúa để Danh Cha được mọi người tin nhận, yêu mến, để mọi người cùng được hưởng tình yêu phụ tử của Chúa Cha.
Chúa còn muốn cho chúng con là anh em với nhau, biết thực hiện tình thương đối với nhau, nhất là khi chúng con bị ngăn cách với nhau bởi những bất hòa, những thù nghịch. Chúng con phải tha thứ cho nhau vì hơn ai hết, chính con cần được Chúa tha thứ. Tình yêu thương tha thứ của Chúa mở đường cho con làm hòa với kẻ khác và nếu con có làm hòa với họ, con mới được Chúa đón nhận trong tình yêu của Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp con sống như Chúa dạy để con trở nên môn đồ của Chúa. Chúa đã biểu lộ tình yêu Chúa Cha cho con, xin cho con sống trọn tình nghĩa với Cha, và noi gương Chúa mà sống hết lòng với kẻ khác. Đó chính là những gì con phải tích lũy và làm tăng thêm mãi, chứ không phải chỉ là lo của ăn hằng ngày. Lạy Chúa, xin giúp con biết sống theo Lời Chúa dạy. Amen.
Ghi nhớ:“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
1. Câu 1b “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ ông”. Thời Chúa Giêsu, mỗi nhóm tín ngưỡng có một bài kinh riêng, đặc trưng của nhóm mình. Bài kinh mà Chúa Giêsu sắp dạy cũng là đặc trưng của Kitô giáo. Nét đặc trưng rõ nhất được thấy trong một từ chìa khoá lắp đi lặp lại rất nhiều lần, từ “Cha” : kitô hữu được làm con Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha.
2. Vì là một bài kinh rất ngắn gọn cho nên những điều được nói trong đó đều là những điều then chốt nhất. Nói cách khác, những lời xin trong bài kinh này cho ta biết những điều mà kitô hữu cần quan tâm nhất là gì :
a/ Đối với Chúa : sao cho người ta được biết Chúa (“Xin làm cho danh Cha vinh hiển”); sao cho nhiều người gia nhập Nước Chúa (“triều đại Cha mau đến”)
b/ Đối với chính bản thân mình : có lương thực hằng ngày, được Cha tha thứ và mình cũng biết tha thứ cho người khác, đừng sa chước cám dỗ.
B. Suy niệm (… nẩy mầm)
1. Văn mạch : Tin Mừng Mt ghi Kinh Lạy Cha trong văn mạch Chúa Giêsu đang dạy cho các môn đệ mình cách thi hành những việc đạo đức (làm việc đạo đức cách kín đáo, đừng phô trương). Còn Tin Mừng Lc ghi kinh này sau khi một môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho nhóm môn đệ mình một bài kinh riêng của nhóm, để phân biệt với các nhóm tín ngưỡng khác. Như thế Kinh Lạy Cha là kinh nguyện độc đáo của Kitô giáo. Tìm hiểu Kinh Lạy Cha, ta có thể biết những điểm độc đáo của sự cầu nguyện Kitô giáo là gì. Điểm độc đáo đầu tiên là Kitô hữu được gọi Thiên Chúa là Cha (Abba) một cách rất thân thương gần gũi.
2. Một cậu bé bệnh nặng sắp chết. Cha cậu bé hỏi :
– Con sợ chết không con ?
– Thưa ba, không, nếu như Thiên Chúa cũng giống như ba, cậu đáp (“Sunday school Times”)
3. 2 Sam 18, 33 : Thái tử Absalom nổi loạn định lật đổ cha là Đavít. Nhưng quân đội của Đavít đã phản công và giết chết Absalom. Khi một người lính từ chiến trường trở về vui mừng báo tin cái chết của kẻ phản loạn, Đavít đã xé áo mình ra và kêu lên thảm thiết “Absalom con ơi, Absalom con ơi. Phải chi cha được chết thay cho con !”
4. “Người con gái của Karl Marx có lần tâm sự với một người bạn : “Tôi lớn lên mà không hề biết đến bất cứ tôn giáo nào. Tôi cũng không tin tưởng Thiên Chúa. Thế rồi tình cờ tôi đọc được một quyển sách trong đó có lời kinh khác lạ. Tôi đọc hết lời kinh ấy và tự nhủ: nếu quả thật Thiên Chúa của lời kinh đó hiện hữu, tôi nghĩ rằng tôi có thể tin Ngài được”. Người bạn hỏi cho biết đó là lời kinh nào. Người con gái của Karl Marx mới từ từ đọc lại Kinh Lạy Cha (…) Tình cha con và tình anh em được Chúa Giêsu mặc khải qua kinh Lạy Cha. Sống với Cha trong tình phó thác, với anh em trong tình bác ái” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
5. “Cả đời Chúa Giêsu chỉ xoay quanh một nguyên tắc này “Ta đến để làm theo ý Cha Ta”… Chúng ta hãy thử xem chúng ta có để cho ý Chúa được nên một với chúng ta không ? Chúng ta có cố tình lầm lẫn ý của chúng ta thay cho ý Chúa không ? Chúng ta hãy nhớ câu chuyện Giona (bài sách thánh hôm nay)… “ (trích “TMCGK ngày trong tuần”)
6. “Chúng ta không thể cầu nguyện Kinh Lạy Cha mà chúng ta không có đóng góp gì vào vinh quang Nước Chúa trị đến. Cũng như chúng ta không thể xin cho cơm bánh hằng ngày dùng đủ mà lại cứ ngồi há miệng chờ sung. Kinh nguyện là hành động của lòng tin. Ta phải minh chứng bằng việc làm” (Trích “TMCGK ngày trong tuần”)
7. Một bác chèo đò chở một thanh niên trên chiếc thuyền của mình. Chiếc thuyền có hai mái chèo. Trên một mái chèo có chữ “cầu nguyện”, trên mái chèo kia có chữ “làm việc”. Chàng thanh niên nói với giọng châm biếm :
– Nếu đã làm việc thì cần gì phải cầu nguyện nữa.
Bác lái đò chẳng nói gì, buông tay không chèo mái “cầu nguyện” nữa, chỉ chèo bằng mái chèo “làm việc”. Chiếc thuyền cứ quay vòng vòng chẳng tiến được chút nào cả. Khi ấy chàng thanh niên hiểu rằng ngoài mái chèo “làm việc” còn cần thêm mái chèo “cầu nguyện” nữa thì thuyền đời mới tiến được. (Đức Cha Tihamer Toth).
8. Một lần kia cùng dự Thánh lễ với một nhóm sinh viên, tôi cấm lòng cầm trí đọc chung Kinh Lạy Cha với họ, và bỗng cảm thấy những điều Chúa Giêsu bảo tôi xin chứa đựng rất nhiều ý nghĩa :
– Lạy Cha chúng con… : tất cả chúng tôi đang ở đây đều có một người Cha chung.
– Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đền, ý Cha thể hiện… : nhưng chỉ có một nhóm nhỏ này được biết Cha, còn biết bao nhiêu sinh viên học sinh khác nữa…
– Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày : tôi nghĩ đến những bạn chung quanh. Họ ăn cơm tháng, mỗi tháng chỉ hơn 100 ngàn, đồ ăn rất đạm bạc, buổi sáng thường nhịn đói.
– Và tha nợ chúng con : họ là những người trẻ, nhiều sai sót lỗi lầm, nhiều tội..
– Xin cớ để chúng con sa chước cám dỗ : có biết bao cám dỗ vây quanh họ, trong trường học, ngoài xã hội, ở chợ đời…
9. Chúa Giêsu bảo các môn đệ : khi cầu nguyện anh em hãy nói : “Lạy Cha, xin hãy làm cho danh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến.” (Lc 11, 2)
Lạy Cha, con biết rằng danh Cha vinh hiển thì mọi sự thế gian này sẽ tốt hơn ! Con biết rằng Cha dựng nên con nhằm để con làm sáng danh Cha.
Để làm sáng danh Cha tôi phải làm gì đây ? phải chăng chỉ lặp lại suông lời nguyện Chúa day tôi ? Không, tôi phải sống chính lời nguyện ấy. Tôi phải dùng những gì Chúa ban mỗi ngày để danh Cha cả sáng, dùng của cải vật chất, danh vị, quyền lợi, dùng kiến thức hiểu biết… Danh của tôi phải nằm trong danh Thiên Chúa. Nếu như danh Cha cả sáng thì mọi sự tốt đẹp hơn ! Tôi tin như thế và tôi sẽ cố gắng.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con biết dùng lời nguyện của Cha như là kim chỉ nam để sống mỗi ngày tốt đẹp hơn.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha (Lc 11,1-4)
- Thời Chúa Giêsu, mỗi nhóm tín ngưỡng có một bài kinh riêng, đặc trưng của nhóm mình. Bài kinh mà Chúa Giêsu sắp dạy cũng là đặc trưng của Kitô giáo. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tuyệt vời nhất được chính Chúa Giêsu dạy cho chúng ta. Còn gì hạnh phúc bằng khi chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha. Khi đã ở trong tương quan Cha – con, thì trước hết, chúng ta phải nghĩ đến danh Cha và Nước Cha. Còn nhu cầu của chính chúng ta chắc chắn Cha chúng ta sẽ lo liệu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải trình bày lên Cha sự thiếu thốn mọi mặt của chúng ta trong sự khiêm tốn và phó thác.
- Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công giáo là tâm tình con thảo với Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa. Hôm nay, môn đệ xin với Thầy Giêsu dạy cách cầu nguyện, và Người đã dạy các môn đệ một mẫu cầu nguyện tuyệt hảo mà chúng ta gọi là Kinh Lạy Cha.
Cả hai thánh sử Mátthêu và Luca đều ghi lại Kinh Lạy Cha, nhưng kinh Lạy Cha của thánh Luca ngắn hơn và ít hơn hai điều. Nhưng cả hai đều nhằm tới những điều căn bản nhất về tâm tình cầu nguyện mà Chúa Giêsu dạy chúng ta.
- Thánh Luca đặt kinh Lạy Cha sau lời xin của các môn đệ: “Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ mình”. Như thế Kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa Giêsu đã nhằm đáp ứng yêu cầu của các môn đệ có một bài kinh đặc biệt cho nhóm theo Chúa Giêsu. Khởi đầu, Chúa Giêsu dạy ta xưng Thiên Chúa là “Cha” rõ ràng đây là một nét khác biệt với các tôn giáo khác. Mỗi khi chúng ta đọc hai tiếng “Lạy Cha”, chúng ta cảm thấy lòng đầy vui sướng, hạnh phúc và hy vọng để cầu nguyện tâm sự với Thiên Chúa của mình. Kinh Lạy Cha, mẫu gương của những lời cầu nguyện, chúng ta phải ý thức rằng lời cầu nguyện đích thực cần phải được quy hướng về Thiên Chúa. Cầu nguyện là thờ phượng, tôn vinh Thiên Chúa chứ không phải để xin ơn này hay ơn kia cho bản thân (5 phút Lời Chúa).
- Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ gọi Thiên Chúa là Cha. Thực ra, quan niệm gọi Thiên Chúa là Cha không chỉ phổ thông trong dân tộc Do thái: Trong Cựu ước, nhờ giáo huấn của các Tiên tri, người Do thái gọi Thiên Chúa là Cha: Ngài là Cha của toàn dân; nhưng cả các dân tộc vùng Tiểu Á ngày xưa cũng gọi các thần minh là Cha. Tuy nhiên, cách xưng hô Cha, tiếng Do thái là Abba, mà Chúa Giêsu dạy các Tông đồ hoàn toàn khác hẳn với tiếng Cha của người Do thái trong Cựu ước. Đó là tiếng thông dụng thường ngày nơi miệng con trẻ gọi cha mình. Như thế, tiếng Cha trong kinh Lạy Cha là nền tảng mạc khải của Chúa Giêsu và là lời tuyên tín của Cộng đoàn Giáo hội do Chúa Giêsu thiết lập, kêu lên với Thiên Chúa (Mỗi ngày một tin vui).
- Trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, có rất nhiều môn phái: Thiếu Lâm, Nga Mi, Võ Đang… Mỗi môn phái có những đặc trưng khác nhau thể hiện qua cách suy nghĩ, chiêu thức tấn công, phòng thủ, phương pháp luyện tập nội công… Các thành viên trong mỗi môn phái đều thực hành lối sống và nét đặc trưng của môn phái mình. Nhìn lối sống của họ, người ngoài có thể nhận ra họ thuộc môn phái nào.
Ông Gioan Tẩy giả có các môn đệ của mình. Họ học theo cách suy nghĩ, cầu nguyện, cư xử, hành động của ông. Nhìn lối sống của họ, người ngoài có thể nhận biết là môn đệ của Gioan Tẩy giả.
Sau một thời gian rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu cũng có nhiều môn đệ. Các ông cũng muốn học theo cách sống, lối suy nghĩ, hành động, nói năng của Chúa Giêsu. Hôm nay, họ xin Người dạy họ cầu nguyện. Đáp lại mong ước chính đáng và đúng đắn của họ, Chúa Giêsu đã dạy họ Kinh Lạy Cha.
- Truyện: Lạy Cha chúng con…
Có một Giám mục trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm một bà lão. Người ta nói bà là tấm gương cho cả làng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám mục hỏi:
– Bà thường đọc sách đạo đức nào nhất?
– Thưa Đức Cha, con không biết đọc – bà cụ trả lời. Nghe thế vị Giám mục hỏi:
– Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà?
Thấy vị Giám mục muốn biết bí quyết của mình, bà thật thà thưa:
– Thưa Đức Cha, con chỉ biết tràng hạt thôi: kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Tin kính. Mỗi ngày con khởi sự đọc tới 10 lần, nhưng thường thì con không đọc xong.
– Tại sao thế ? – Bà cụ thưa:
– Tại vì khi bắt đầu đọc: Lạy Cha chúng con… con không hiểu tại sao Chúa có thể tốt lành đến mức cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi Ngài là Cha. Điều đó làm con bật khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được.
Nghe thuật lại kinh nghiệm trên, vị Giám mục khuyến khích:
– À, này bà cụ, đó là lời cầu nguyện giá trị bằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà cứ tiếp tục cầu nguyện theo câu đó nhé!
Tin tức liên quan khác
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm I – Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28)
Chúa nhật 15 Thường niên năm B – Hành Trang Người Môn Đệ (Mc 6,7-13)
Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho Đại hội của Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống năm 2024
Người tự kỷ có gì để cống hiến
Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho các tín hữu của Giáo hội Công giáo nghi lễ Syro-Malabar
Ngày 06/08: Chúa Giêsu Hiển Dung năm A – Đến với Chúa (Mt 17,1-9)
Ngày 22 tháng 12: Lời kinh Magnificat (Lc 1,46-56)
Thứ Bảy tuần 4 Phục sinh – Tôn vinh (Ga 14,7-14)