Phát biểu tại hội nghị “Ngoại giao và Tin Mừng” ở quốc vương Liechtenstein, ngày 24/4, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh cho rằng chiến tranh sẽ kết thúc, ngay cả khi không như tổng thống Putin hoặc Zelensky hình dung.
Đi từ chủ đề của hội nghị, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói ngoại giao Toà Thánh được gợi hứng từ Tin Mừng, và do đó luôn ủng hộ hoà bình và nhân phẩm, lấy lòng thương xót là sợi chỉ đỏ cho hoạt động ngoại giao.
Ngoại giao của Toà Thánh không vì lợi ích quyền lực, chính trị, kinh tế hay hệ tư tưởng như các quốc gia khác, nhưng Toà Thánh quan tâm thúc đẩy công ích. Vì thế, trong ngoại giao, Toà Thánh có nhiều tự do hơn và nói rõ cho các bên biết nếu họ có cái nhìn tự quy chiếu có thể gây hại cho mọi người. Thực tế, trong thời đại dịch và xung đột ở Ucraina, Đức Thánh Cha được những nhân vật lớn trên thế giới coi là một người có thẩm quyền luân lý đạo đức và một điểm quy chiếu đáng chú ý. Các nguyên thủ quốc gia nhận ra ơn gọi của Đức Thánh Cha là cây cầu để vượt qua những rào cản không thể vượt qua. Nhưng thật không may, mặc dù ngài và Toà Thánh đã có nhiều nỗ lực, một cơ hội trung gian giữa Nga và Ucraina vẫn chưa thực hiện được.
Đức Tổng Giám Mục giải thích thêm, một trong những nguyên nhân cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt là do tình hình địa chính trị quá khác biệt và phân cực, nhiều mối quan hệ bị phân mảnh đến mức bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng trở nên cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, không được quên rằng chính dòng tiền và vũ khí mới hỗ trợ và thúc đẩy xung đột.
Ngài đặt câu hỏi: “Làm sao có thể yêu cầu một hành vi đúng nếu người ta tiếp tục cung cấp vũ khí cho các bên xung đột? Về vấn đề này, Tòa Thánh ủng hộ một nền ngoại giao phải tái khám phá vai trò của mình như một người mang tình liên đới giữa các cá nhân và các dân tộc như là một giải pháp thay thế cho vũ khí, bạo lực và khủng bố. Một nền ngoại giao trở thành một phương tiện đối thoại, hợp tác và hòa giải, thay thế cho những yêu sách, ý tưởng coi người khác là kẻ thù hoặc hoàn toàn từ chối người khác”.
Hướng đến kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền vào ngày 10/12 sắp tới, Đức Tổng Giám Mục nhắc lại rằng Giáo hội đi đầu trong cam kết thực hiện, không chỉ tôn trọng các quyền chính trị và dân sự con người, nhưng cả các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá được khẳng định trong Tuyên ngôn. Nếu tất cả điều này đạt được thì di sản nhân quyền mà cộng đồng quốc tế đã long trọng tuyên bố cách đây 75 năm sẽ là nền tảng của một trật tự mới, một điểm tham chiếu cho cộng đồng quốc tế ngày nay.
Đối với cuộc chiến Ucraina, ngài cho rằng ngay cả khi hiện nay dường như không có cơ hội cho cuộc đàm phán, chúng ta vẫn không được thất vọng; là những người tin vào Chúa, chúng ta phải hy vọng. Cuộc chiến này sẽ kết thúc ngay cả khi không như tổng thống Zelensky hoặc Putin hình dung. Tất cả chúng ta đều muốn một nền hòa bình công bằng, nhưng hòa bình phải đến và để làm được điều này, nếu cần, chúng ta cũng phải bắt đầu “suy nghĩ điều không thể tưởng tượng”. Đó là một hòa bình cụ thể, thay đổi và đang phát triển, sao cho nó là mối liên kết của một tiến trình đạo đức mới giữa các bên trong xung đột chứ không chỉ là sự quy kết của kẻ thắng và người thua.
Nguồn: Vatican News
Tin tức liên quan khác
Thánh lễ mừng kính thánh Anphongsô – Quan thầy Di dân Giáo hạt Văn Hạnh tại miền Nam
ĐTC gặp các bạn trẻ Ba Lan hành hương Roma
Đức Hồng Y Carlo Maria Martini: Suy niệm các Chặng Đàng Thánh Giá theo Kinh Thánh
Thứ Sáu tuần 20 Thường niên năm II (Mt 22,34-40)
Tuyên bố “Fiducia Supplicans” của Đức Thánh Cha Phanxicô là một bước tiến lớn đối với người Công Giáo LGBTQ
Từ sự phát triển Con Người Toàn Diện đến nền Sinh Thái Toàn Diện
Chúa nhật 19 Thường niên năm A (13.08.2023) – Lúc tăm tối, hãy kêu cầu và chào đón Chúa
Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân nữ tại nhà tù Rebibbia